Vụ xả thải ra sông Đồng Nai - Thiệt hại dân chịu, tiền Sonadezi bỏ túi

Ngày 9-8, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với người dân và đại diện chính quyền xã Tam An, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) để tìm hiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do Nhà máy xử lý nước thải tập trung tại KCN Long Thành thuộc Công ty CP Dịch vụ Sonadezi (Công ty Sonadezi) gây ra trong nhiều năm qua.
Vụ xả thải ra sông Đồng Nai - Thiệt hại dân chịu, tiền Sonadezi bỏ túi

Ngày 9-8, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với người dân và đại diện chính quyền xã Tam An, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) để tìm hiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do Nhà máy xử lý nước thải tập trung tại KCN Long Thành thuộc Công ty CP Dịch vụ Sonadezi (Công ty Sonadezi) gây ra trong nhiều năm qua.

  • Làm ngơ trước thiệt hại của dân

Anh Nguyễn Văn Sơn, ngụ ấp 1, xã Tam An sống gần khu vực cửa xả của nhà máy xử lý nước thải tập trung dẫn chúng tôi ra khu đất rộng hơn 6ha loang lổ những vạt đất đen sạm vì ô nhiễm của nguồn nước thải. Anh cho biết, khu đất này trước kia là cánh đồng lúa 2 vụ và vườn cây ăn trái xanh um. Cách nay mấy năm, nguồn nước bị ô nhiễm nặng làm cho lúa bị cháy lá, cây ăn trái thối gốc, đàn gia cầm cũng không sống nổi bởi dòng nước đen ngòm, nồng nặc mùi hôi. Nhiều ao hồ của người dân xung quanh bị ô nhiễm nặng, không nuôi trồng được bất cứ cây gì, con gì.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tình cách đó gần 1km cũng cùng chung cảnh ngộ như anh Sơn với mức thiệt hại hàng năm khoảng gần 200 triệu đồng do đất bỏ hoang vì ô nhiễm. Trước kia, vườn sầu riêng, xoài, măng cụt rộng hơn 3,5ha của gia đình anh mùa nào cũng trĩu quả, nay đều đã thối gốc, chết sạch. 2 ao nuôi cá rộng hơn 3.000m² cũng bỏ hoang.

Trong hàng chục đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của người dân trước kia và cả hiện nay khi vụ xả thải vừa bị phát hiện, chúng tôi thấy có nhiều trường hợp đã ký đơn kiến nghị nhiều lần gửi các cấp chính quyền của huyện Long Thành và tỉnh Đồng Nai.

Trong đó có trường hợp của anh Nguyễn Minh Quan ở ấp 1 đã khẳng định bị thiệt hại nặng nề về cây trồng và vật nuôi từ năm 2005 khi nhà máy xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động. Trong các cuộc tiếp xúc đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, anh Quan và bà con trong xã đã nhiều lần kiến nghị, nhưng đều nhận được sự im lặng đến khó hiểu.

Đặc biệt, từ năm 2006 đến nay nhiều hộ dân gửi đơn yêu cầu Công ty Sonadezi phải bồi thường thiệt hại do ô nhiễm gây ra, nhưng đều bị từ chối. Chỉ một lần vào năm 2007, Công ty Sonadezi chịu chi 121 triệu đồng hỗ trợ 67 hộ dân bị thiệt hại nặng nhất.

Ông Huỳnh Ngọc Trai, Chủ tịch UBND xã Tam An, cho chúng tôi biết: Tại ấp 1 hiện còn 40 hộ dân phải bỏ hoang đất từ năm 2006 đến nay do ô nhiễm, nhưng không được hỗ trợ thiệt hại. Xã Tam An hiện có gần 300ha đất nông nghiệp, thì hơn một nửa trong số đó bỏ hoang nhiều năm nay vì không thể trồng tỉa, chăn nuôi được gì do ô nhiễm đất và nguồn nước. Nhiều khu vực trong xã không dùng được nước giếng khoan vì ô nhiễm và phải mua nước từ nơi khác về sinh hoạt, ăn uống. Đến ngày 9-8 đã có 39 hộ dân nộp đơn khiếu nại đòi bồi thường.

Lợi dụng thủy triều lên, Sonadezi cho nước sông tràn vào hồ xử lý để pha loãng nước thải, khi thủy triều rút sẽ kéo theo toàn bộ nước thải ra sông Đồng Nai.

Lợi dụng thủy triều lên, Sonadezi cho nước sông tràn vào hồ xử lý để pha loãng nước thải, khi thủy triều rút sẽ kéo theo toàn bộ nước thải ra sông Đồng Nai.

  • Khắc phục đến đâu, ô nhiễm nặng đến đó

Trao đổi với chúng tôi về quá trình xử lý vi phạm xả thải ra môi trường của Công ty Sonadezi nhiều năm qua, ông Võ Văn Chánh, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Từ năm 2006 khi phát hiện Công ty Sonadezi có dấu hiệu vi phạm, chúng tôi đã có văn bản yêu cầu phải hoàn chỉnh thủ tục theo quy định như: xả thải phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, kết quả thẩm định công nghệ xử lý, thiết kế xây dựng, giấy phép xả thải. Nhưng mãi đến tháng 5-2011 Công ty Sonadezi mới được Bộ TN-MT cấp phép xả thải ra nguồn nước”.

Thực tế theo ông Chánh, mới đây Công ty Sonadezi có xây dựng hồ sinh thái tại cửa xả nhằm giảm ô nhiễm trước khi xả ra môi trường. Điều này cho thấy Công ty Sonadezi có quan tâm đến việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Thế nhưng, theo ông Chánh, từ nhiều năm qua tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực nhà máy xử lý lại càng nặng nề. Từ năm 2009 đến nay, Sở TN-MT đã 3 lần ra quyết định xử phạt Công ty Sonadezi do vi phạm xả thải chưa đạt tiêu chuẩn (vượt gấp 5 lần) ra môi trường, gây ô nhiễm, với mức phạt từ 31 đến 75 triệu đồng.

Hiện Công ty Sonadezi chưa lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động và thiết bị đo lưu lượng nước thải ra môi trường, nên việc phát hiện và xử lý vi phạm là hết sức khó khăn. Đây được cho là hành vi che đậy việc làm sai trái gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của hàng ngàn người dân mà Công ty Sonadezi phải chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, mỗi ngày nhà máy xử lý nước thải tập trung của Công ty Sonadezi tiếp nhận hơn 5.000m³ nước thải của hàng chục xí nghiệp trong KCN Long Thành với chi phí xử lý 0,32USD/m³. Vậy hàng triệu USD thu được sau bao năm từ việc làm sai trái này của Công ty Sonadezi rơi vào túi ai?

HOÀI NAM – LÊ LONG 

Hỗ trợ pháp lý để người dân khởi kiện

Ông Nguyễn Văn Ngẫu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cho biết như trên khi trao đổi với PV Báo SGGP ngày 9-8 về vấn đề người dân xã Tam An nộp đơn đề nghị chính quyền, Hội Nông dân giúp đỡ khởi kiện, yêu cầu nhà máy xử lý nước thải KCN Long Thành bồi thường thiệt hại. Theo ông Ngẫu, Hội Nông dân huyện hoàn toàn ủng hộ người dân khởi kiện yêu cầu bồi thường, bởi việc gây ô nhiễm của Sonadezi diễn ra từ lâu, chỉ đến khi cảnh sát môi trường bắt quả tang thì chứng cứ mới được củng cố.

* PV: Sonadezi là doanh nghiệp nhà nước (trực thuộc UBND tỉnh Đồng Nai), Hội Nông dân huyện Long Thành đứng ra hỗ trợ dân khởi kiện có trở ngại, áp lực nào không?

* Ông NGUYỄN VĂN NGẪU: Tôi nghĩ không có trở ngại hay áp lực gì cả. DN nào dù thuộc nhà nước, nước ngoài hay tư nhân đều phải tuân thủ quy định của pháp luật. Do vậy, DN nào gây ô nhiễm thì sẽ bị xử lý theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường. Trước đây, vụ Vedan, Tỉnh ủy Đồng Nai cũng giao Hội Nông dân huyện Long Thành hướng dẫn người dân củng cố hồ sơ để khởi kiện Vedan yêu cầu bồi thường. Không chỉ riêng gì Vedan, các DN khác gây ô nhiễm thì các cấp ủy Đảng sẽ chỉ đạo Hội Nông dân hỗ trợ người dân khởi kiện đòi bồi thường...

* Ông có nắm được thông tin về những sai phạm trong xả thải của nhà máy Sonadezi đã bị xử phạt trước đây không?

* Năm 2009, Thanh tra Cục Môi trường (thuộc Bộ TN-MT) đã thanh tra 2 lần và xử phạt Sonadezi 17 triệu đồng mỗi lần do sai phạm xả nước thải ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép. Cũng với hành vi trên, năm 2010, DN này bị xử phạt 51 triệu đồng và năm 2011 bị xử phạt 75 triệu đồng. Trước đây, Hội Nông dân huyện đã nhiều lần nghe người dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm, cá, tôm, cây trồng chết tại khu vực Sonadezi. Nhưng Hội Nông dân cũng chỉ dừng lại ở việc ghi nhận, báo cáo các cấp ủy Đảng. Bởi các ngành quản lý về môi trường, họ mới có chức năng kiểm tra việc xả thải của Sonadezi.

* Cảnh sát môi trường đã bắt quả tang và lập biên bản nhà máy xử lý nước thải KCN Long Thành gây ô nhiễm. Vậy trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Long Thành sẽ làm gì để hỗ trợ người dân trong khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại?

* Khi khởi kiện ra tòa thì các chứng cứ như hóa đơn mua lúa giống, phân bón, tôm giống, cây trồng, vật nuôi... tự người dân không thể chứng minh được. Hội Nông dân sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra có bao nhiêu đơn khiếu nại để xem xét hỗ trợ từng trường hợp cụ thể. Với chức năng của mình, Hội Nông dân sẽ đứng ra đại diện người dân để củng cố chứng cứ khởi kiện yêu cầu bồi thường.

Tin cùng chuyên mục