
Lâu nay, hễ nói tới viện, người ta nghĩ ngay đến một cơ quan nhà nước nhưng hiện tại đã có cơ quan khoa học tư nhân. Kinh tế thị trường mở ra, đánh thức sự năng động của các nhà khoa học tâm huyết, muốn đưa các nghiên cứu của mình “hội nhập” thực tiễn…

Các nhà khoa học của Viện EEI trên công trường.
Từ ý tưởng ban đầu của tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, viện Điện - Điện tử - Tin học (EEI: Electrology - Electronics - Information Academy) ra đời. “Hiện TP Hồ Chí Minh có trên 50 viện và phân viện nhưng EEI chính xác là viện tư nhân, cổ phần đầu tiên tại TPHCM cũng như trong cả nước, do các nhà khoa học tự bỏ vốn ra cùng nhau thành lập, chịu trách nhiệm trước nhà nước về các hoạt động của mình” - Viện trưởng Nguyễn Bách Phúc cho biết.
Viện quy tụ được 81 nhà khoa học, trong đó có khá nhiều giáo sư - tiến sĩ… với cơ chế hoạt động đơn giản, đứng đầu là Hội đồng quản trị, kế đến là Hội đồng khoa học, sau đấy là Viện trưởng, các Phó Viện trưởng và các đơn vị trực thuộc, được xác nhận là “đủ năng lực thực hiện các công trình nghiên cứu, tư vấn - thiết kế các dự án KHCN, đào tạo nâng cao, chuyên sâu sau ĐH” và “đáp ứng yêu cầu của các tổ chức kinh tế và các tổ chức KHCN…” trên các lĩnh vực điện, điện tử - viễn thông, tin học, tự động hóa.
Sau gần 2 năm hoạt động, Viện đã hoàn thành nhiều công trình như: nghiên cứu, thiết kế, xây dựng phần mềm, lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống điều khiển cho thiết bị thử nghiệm các loại lò xo của Nhà máy xe lửa Dĩ An; nghiên cứu và thực thi giải pháp sửa chữa và khôi phục Lò nấu thép trung tần của Nhà máy xe lửa Dĩ An; cải tạo, nâng cấp phòng thí nghiệm Hệ thống điện của Trường ĐH Bách khoa TPHCM; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tự động hóa cho máy móc của Công ty Dược phẩm OPV Biên Hòa; thẩm định, thiết kế hệ thống chống sét cho Thư viện KHTH TPHCM, cho Hệ thống đèn biển miền Nam; thiết kế trạm biến áp 63 MVA, 110 KV cho Công ty Điện lực TP; thiết kế - dự toán, thẩm định và lắp đặt công trình Multimedia Lab và trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông và trung tâm dạy nghề…
Ngoài ra, Viện còn tham gia công tác đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ của ĐH Bách khoa và ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, hợp tác đào tạo tiến sĩ với Viện Hàn lâm quốc tế IASS, đào tạo và cấp chứng chỉ cho nhiều lớp chuyên ngành tự động hóa, kết hợp đào tạo ngoại ngữ - tin học, tổ chức các hội thảo khoa học…
Làm được nhiều việc như thế chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 2 năm vừa ổn định, vừa phát triển với không ít khó khăn về vật chất lẫn... thủ tục như thế nhưng các nhà khoa học của viện vẫn khiêm tốn đùa: “Nhờ Nghị định 35 của Chính phủ và Luật KHCN, chúng tôi đã tạo lập được một sân chơi cho chính mình, vừa chơi vừa tìm cách thoát nghèo. Chúng tôi có chất xám và biết rằng nhiều nơi rất cần, quan trọng là tìm đến đúng nơi, đúng lúc và tự tin nói: Chúng tôi là các nhà khoa học, muốn bán chất xám!…”.
THẢO PHẠM