Vua nấm sài thành

Vua nấm sài thành

Một cán bộ khuyến nông lâu năm tâm sự: “Trồng nấm là nghề khó “xơi”, trụ được dăm bảy năm là khá lắm rồi”. Thế nhưng, ở TPHCM có một người đã kiên trì “làm bạn” với các loại nấm gần 30 năm nay và trở thành “thần tượng” của nhiều nông dân. Đó là anh Bảy Yết ở ấp Tân Lập, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn.

  • Trì chí cùng nấm
Vua nấm sài thành ảnh 1

Bảy Yết đang theo dõi nấm linh chi sinh trưởng.  Ảnh: C.T.V.

Năm 1969, anh thanh niên Phan Văn Yết đậu vào Khoa Sinh vật của Đại học Khoa học Sài Gòn, học đến năm 1973 anh bị chính quyền ngụy bắt lính. Sau hòa bình, anh về lại quê nhà ở Tân Thới Nhì lập nghiệp. Được cha mẹ chia cho khoảng 1.500m2 ruộng vườn, hai vợ chồng anh kiếm sống nhờ cây lúa, nấm rơm và nấm mèo.

Anh nhớ lại: “Lúc đó, trồng nấm theo kinh nghiệm dân gian là chính, cực hơn bây giờ nhiều, phải lên tận Long Khánh (Đồng Nai) mua phôi giống về trồng. Trồng được cũng chưa hết lo, nắng gắt quá nấm dễ héo rũ mà sương xuống nhiều cũng chết”. Được khoảng hai năm thì cây nấm bắt đầu gặp khó khăn, giá cả lên xuống vô chừng do phong trào trồng nấm tự phát phát triển mạnh.

Anh đành nghe lời vợ, về quê vợ ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) tiếp tục mưu sinh. Ở đây, anh cũng chỉ biết làm ruộng, trồng nấm rơm, rảnh rỗi thì đi chài lưới nhưng rồi thấy cuộc sống cũng không khá hơn nên anh quyết định “hồi hương” sau 5 năm bôn ba miệt sông nước.

Và niềm say mê cây nấm có từ thời đi học vẫn không dứt ra được, anh lại tiếp tục trồng, chủ lực là nấm rơm kèm theo nấm mèo. Tuy nhiên, vận rủi lại không buông tha anh. Năm 1984, nấm rơm “dội hàng”, hàng tấn nấm đành bỏ chết khô hoặc ủ làm phân, gia đình anh gần như phá sản, đồ đạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi.

Từ đó, anh “chia tay” nấm rơm, chỉ giữ lại vài luống nấm mèo để đong gạo. Mùa hè năm 1987, một sự tình cờ đã tạo nên bước ngoặt thay đổi cuộc đời anh. Vào một buổi sáng, khoảng mười mấy sinh viên đến, trình giấy giới thiệu của Khoa Sinh học - Trường Đại học Tổng hợp TPHCM, xin được thực tập tại vườn nấm của anh, anh vui vẻ đồng ý. Trong quá trình sinh viên thực tập, anh gợi chuyện và được biết giáo viên hướng dẫn nhóm sinh viên này là thầy Lê Duy Thắng, bạn học cùng khóa với anh năm xưa.

Vậy là mối liên hệ bạn bè thời sinh viên được nối lại. Sau khi biết hoàn cảnh Bảy Yết, thầy Thắng gửi cho anh hai ống nghiệm chứa phôi nấm bào ngư nhờ trồng thử nghiệm, đồng thời còn cho mượn 5 triệu đồng để dựng trại, xây lò sản xuất bịch nuôi nấm. Bảy Yết hồi tưởng: “Nghe nói đó là giống mới, giá trị dinh dưỡng cao, được ưa chuộng ở nước ngoài, vả lại Thắng cho giống, hướng dẫn kỹ thuật đầy đủ nên tui nghĩ cứ thử xem sao, có mất mát gì đâu”.

Thế là với kiến thức tích lũy được cùng sự chỉ dẫn của bạn, từ hai ống nghiệm, Bảy Yết nhân ra được hơn 10.000 cây nấm bào ngư. Ngày ngày chăm bẳm cẩn thận, non 3 tháng sau, anh và gia đình bắt đầu hái nấm. Lứa nấm thử nghiệm đó, do chưa có kinh nghiệm nên hư hại quá nửa, chỉ thu được trên một tấn, giá bán trung bình 2.000-3.000 đồng/kg, vừa đủ thu hồi vốn. 

Từ đó, mỗi năm anh càng hoàn thiện kỹ thuật trồng nấm bào ngư bên cạnh vẫn duy trì nấm mèo. Đến năm 2000, anh lại mạnh dạn mua phôi nấm linh chi ở một số cơ quan khoa học về trồng rồi tự nhân giống.

  • Giấc mơ làng nghề nấm
Vua nấm sài thành ảnh 2

Bảy Yết đang cấy phôi giống trong phòng thí nghiệm cấy meo. Ảnh: C.T.V.

Bảy Yết tâm sự: “Co.op-mart là siêu thị đầu tiên chịu nhận nấm bào ngư của tui. Tuy vậy, họ yêu cầu phải có kiểm nghiệm của Viện Pasteur và chỉ nhận ký gởi, sau 5 ngày bán không được phải lên lấy nấm về vì hết hạn sử dụng”. Cũng nhờ thế mà Bảy Yết học được thêm nhiều thứ. Để khách hàng tin tưởng, anh đem sản phẩm đến Sở Y tế  TP.HCM và Viện Pasteur kiểm định ba tháng/lần.

Nhờ đó, nấm của Bảy Yết được tiêu thụ rộng khắp. Hiện nay, mỗi ngày anh cung ứng từ 1 đến 5 tấn nấm bào ngư, riêng nấm mèo và linh chi mỗi năm chỉ trồng một lứa nên luôn “cháy” hàng. Các khách hàng Nhật, Đài Loan, các công ty chế biến thực phẩm và trên chục siêu thị luôn “réo gọi” anh tăng quy mô sản xuất vì trại nấm hơn 3.000m2 tại nhà đã trở nên nhỏ bé.

Nhìn thấy trước chuyện này, từ giữa những năm 1990, Bảy Yết đã chú trọng truyền nghề cho nhiều nông dân muốn trồng nấm. Anh khảo sát, hướng dẫn xây trại, kỹ thuật trồng, hỗ trợ 50% chi phí cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá ổn định. Với giá thu mua thấp nhất là khoảng 10.000 đồng/kg nấm bào ngư, mỗi bịch nấm người trồng lời 2.000 đồng.

Nếu nắm vững kỹ thuật, 1.000m2 có thể trồng được 100.000 bịch nấm, sau 6 tháng có thể thu được lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng! Đến nay, nhiều nông dân từ các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang, Vĩnh Long… đã học tập Bảy Yết trồng nấm. Riêng tại Hóc Môn và Củ Chi có khoảng 30 hộ chuyên về nấm bào ngư. Hiện Bảy Yết đang ấp ủ ước mơ xây dựng làng nghề nấm để cây nấm ngày càng phát triển vững chắc, đời sống nông dân cũng theo đó càng khá lên.

  • Thay lời kết

Bảy Yết cười khà khà, ánh mắt mãn nguyện khi nghe tôi hỏi về người kế thừa thương hiệu nấm Bảy Yết: “3 đứa con của tui chứ ai, chúng mần chẳng kém gì tui”. 3 người con của anh, 1 trai và 2 gái, từ nhỏ đã quen thuộc với cây nấm nên “mê” trồng nấm chẳng kém gì bố. Cứ đi học về là chạy ra trại nấm, vừa học nghề vừa phụ giúp bố.

Sau khi học xong phổ thông, hai người con lớn quyết định gắn bó với cây nấm, trở thành trợ thủ đắc lực cho Bảy Yết. Còn cô con gái út đã thi đậu vào Khoa Sinh học của Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, sang năm là tốt nghiệp.

Cũng nhờ sự hỗ trợ của 3 người con mà đến nay Bảy Yết đã mạnh dạn xây 4 lò sấy bịch giống, mỗi ngày có thể cho ra lò 20.000 bịch phôi. Đầu năm 2005 này, anh khánh thành thêm một phòng thí nghiệm cấy meo nấm để các con thử sức, cũng là để đáp ứng nhu cầu về giống ngày càng tăng của bà con nông dân.

HOÀNG LIÊM

Tin cùng chuyên mục