“Vua tôm” ở đảo du lịch

Từ một thợ sửa chữa điện tử nghèo, anh Nguyễn Ngọc Huy ở thôn Bình Ba Tây, xã Cam Bình (TP Cam Ranh - Khánh Hòa) trở thành “vua tôm hùm” bằng số vốn khởi nghiệp ít ỏi.
“Vua tôm” ở đảo du lịch

Từ một thợ sửa chữa điện tử nghèo, anh Nguyễn Ngọc Huy ở thôn Bình Ba Tây, xã Cam Bình (TP Cam Ranh - Khánh Hòa) trở thành “vua tôm hùm” bằng số vốn khởi nghiệp ít ỏi.

Từ 5 năm trở lại đây, địa danh du lịch biển Bình Ba được nhiều người biết đến nhưng từ những năm 2000, nghề nuôi tôm hùm đã bắt đầu bén duyên với nơi này. Đây là nghề cần vốn lớn, thu nhập cao nhưng lắm rủi ro. Qua mấy vụ nuôi đầu, thấy người dân nuôi tôm trúng lớn nên anh Nguyễn Ngọc Huy quyết định chọn con tôm làm nguồn khởi nghiệp. Gom hết số tiền trong nhà chỉ có 5 triệu đồng, trong khi đầu tư nuôi 1 lồng tôm đã cần gấp chục lần số tiền ấy, đó là chưa tính tiền thức ăn. Tiền ít, anh Huy tự mua dụng cụ về làm lồng tôm. Trong thời gian này, đúng dịp ngân hàng có chủ trương cho thanh niên trên đảo vay vốn khởi nghiệp nên anh vay được 20 triệu đồng, đủ mua hơn 100 con tôm hùm giống; còn thức ăn cho tôm, hàng ngày anh phải ngụp lặn dưới biển sâu hàng giờ để bắt nghêu, sò cho tôm ăn. Để rồi, khép lại vụ nuôi tôm đầu tiên, anh không tin vào mắt mình khi cầm trên tay số tiền lời hơn 100 triệu đồng sau khi xuất bán tôm.

Anh Nguyễn Ngọc Huy và sản phẩm tôm hùm nuôi trong lồng bè của mình

Sau vụ mùa đầu tiên thắng lợi, anh Huy đầu tư mở rộng lồng bè nuôi tôm bằng số tiền lời có được. Cứ thế, trong 3 năm liền anh đều thắng lớn, đem về hàng tỷ đồng. Nhưng vào năm 2007, khi nghề nuôi tôm ở các vùng biển Cam Ranh thịnh hành, mật độ nuôi dày đặc khiến nguồn nước ô nhiễm, nhiều vùng nuôi tôm bị dịch bệnh, tôm chết sạch. Anh Huy cũng trắng tay sau cơn dịch bệnh này. Cuối năm 2008, trong lúc người nuôi tôm ngao ngán vì dịch bệnh thì anh Huy lại xoay xở vốn thả nuôi 800 con tôm hùm bông và áp dụng quy trình nuôi mới. Kết quả, sau 16 tháng thả nuôi, tôm lớn nhanh vùn vụt, lại bán được giá cao do nguồn cung khan hiếm nên vụ nuôi này anh lời hơn 1 tỷ đồng. Không chỉ vượt qua rào cản dịch bệnh trên tôm, trong quá trình nuôi, anh còn có sáng kiến nuôi tôm bậc thang như dân miền núi Tây Bắc làm ruộng. Anh Huy lắp đặt các lồng nuôi trên bè tôm theo hình bậc thang với khoảng cách các lồng nuôi cao - thấp từ 5 - 7m và di chuyển thường xuyên nên giảm hẳn dịch bệnh. Vậy nên, từ đó đến nay vụ nuôi nào anh Huy cũng thắng lớn và trở thành “vua tôm” ở đảo Bình Ba khi có đến 100 lồng nuôi.

Từ ngày thành công với con tôm, anh Huy không quên công lao những thợ nuôi tôm trung thành, dày dạn kinh nghiệm đã gắn bó với anh trên những bè tôm. Không dừng lại ở việc trả lương, mỗi công nhân được anh Huy cho mượn 1 lồng nuôi tôm và vốn mua tôm giống cùng thức ăn để nuôi riêng. Sau mỗi vụ nuôi tôm, các công nhân còn lời hơn trăm triệu đồng từ việc nuôi riêng.

VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục