
Kết cục đã được đoán biết từ lâu rồi. Nhưng khi FIFA chính thức trao quyền tổ chức World Cup 2014 cho Brazil vào hôm thứ ba vừa qua, đất nước của bóng đá, của những rừng cà phê bạt ngàn và các bãi biển đầy ắp những thân hình bốc lửa này vẫn mừng như thể họ vừa... vô địch thế giới.

Thật thế, đã 5 lần đội tuyển Brazil đăng quang ở World Cup và để nâng kỷ lục đó lên con số 6 thì không cơ hội nào tốt cho bằng việc tổ chức Cúp thế giới trên chính quê hương của họ.
Pháo hoa rực sáng bầu trời nhiều thành phố. Lễ hội ăn mừng kéo dài suốt đêm. Dưới chân bức tượng Chúa Giêsu nổi tiếng thế giới trông xuống bãi biển ở Rio de Janeiro, người ta căng một biểu ngữ “World Cup 2014 là của chúng ta” và chắc hẳn hàng trăm con người ấy cũng đã mơ tới một trận chung kết.
Nhưng trận chung kết ấy phải khác với cách đây 57 năm, khi Brazil chỉ cần thủ hòa Uruguay là vô địch World Cup 1950 trên sân nhà nhưng rốt cuộc lại thua 1-2 khiến cho cả nước Brazil chết lặng.
Brazil là quốc gia thứ 5 trên thế giới 2 lần tổ chức Cúp thế giới, sau Mexico (1970 và 1986), Pháp (1938 và 1998), CHLB Đức (1974 và 2006), Ý (1934 và 1990).
Có mặt tại đại bản doanh FIFA ở Thụy Sĩ khi công bố quyết định trao quyền tổ chức World Cup 2014 cho Brazil, Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva phát biểu: “Tôi quá đỗi vui mừng với kết quả này. Tổ chức Cúp thế giới là một nhiệm vụ to lớn và chúng tôi sẽ gánh vác một trách nhiệm nặng nề hơn nhiều so với trước khi đến Thụy Sĩ. Nhưng chúng tôi sẽ tổ chức một kỳ World Cup tuyệt vời và tôi đang rất hạnh phúc”.
Chủ tịch FIFA Sepp Blatter cho biết, dù Brazil là ứng viên duy nhất xin tổ chức World Cup 2014 thì khi trao quyền tổ chức cho Brazil, FIFA vẫn gặp một thách thức to lớn. Ông nói: “Có một loạt trách nhiệm mà họ phải làm, một loạt điều kiện cần đáp ứng y như khi có nhiều ứng cử viên cạnh tranh nhau”.
Từ lời nói ấy, người ta phải nhìn lại một thực trạng: Trong 18 thành phố Brazil muốn tổ chức các trận World Cup 2014 (sẽ chọn ra 8-10 thành phố), hiện không có một sân nào đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn mà FIFA đề ra. Đó là vì ở Brazil, đó đây vẫn còn đầy những mảnh đời nghèo khó, những cảnh trái ngang, những biến cố như bắt cóc-tống tiền xảy đến với chính những cầu thủ nổi tiếng nhất.
Một phần vì thực trạng đó, cầu vương Pele không có mặt trong đoàn đại biểu hơn 160 người gồm chính phủ, LĐBĐ và giới báo chí Brazil đến Thụy Sĩ. Trước đây, đã hơn một lần Pele không ủng hộ việc tổ chức World Cup 2014 tại Brazil dù ông vẫn hiểu rằng người Brazil cần bóng đá World Cup như cần nguồn sống…
TIẾN MINH