
11giờ 30, ngày 30-4-1975, khi cánh cổng Dinh Độc Lập bị húc đổ và cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh, các SV, HS từng xuống đường đấu tranh đòi hòa bình với đạn cay, ma trắc đã có mặt tại nhiều nơi trong thành phố để làm nhiệm vụ mới: cùng chính quyền cách mạng tiếp quản các công sở vừa giành được.
- Chuyện xưa
Sài Gòn nhốn nháo với những lính ngụy ăn mặc xốc xếch, gương mặt thất thần chạy như mộng du. Nhiều căn nhà vắng chủ bị cạy tung cửa bởi những kẻ hôi của. Súng ống, đạn dược, xe cộ các loại, quần áo, đồ đạc vứt đầy phố. Tiếng khóc của con lạc mẹ, tiếng hét thất thanh vì xe cộ đụng nhau, thỉnh thoảng vài tiếng súng nổ chát tai… khiến không khí Sài Gòn hai ngày đầu giải phóng càng thêm hỗn loạn.

Anh Huỳnh Tấn Mẫm cùng Người mẹ Bàn Cờ Trần Thị Hai.
Giữa lúc ấy, những thanh niên mang băng đỏ xuất hiện để ổn định xã hội. Chị Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm – nguyên Phó ban Tổ chức Thành ủy TPHCM) với chức danh Quyền Bí thư Thành đoàn, Chỉ huy lực lượng SV-HS khối trung - đại học trọng điểm, tiếp quản 13 khu phố trọng điểm ở Sài Gòn thay cho anh Phạm Chánh Trực, Bí thư Thành đoàn, còn kẹt trong trận đánh “vòng cung lửa” ở Xuân Lộc.
Họ mở cửa những công sở cũ để làm việc mới. Chị Mỹ Thành (Chín Bảo) Ủy viên Đoàn ủy phụ trách 18 trường nữ trung học Sài Gòn - Gia Định; Thục Trinh (Hai Tú, hiện là PGĐ NXB Trẻ), Minh Chánh (Chín Lộc) và các bạn học sinh của các trường Gia Long, Lê Văn Duyệt, Trưng Vương và Đức Trí tiếp quản phường Trương Minh Giảng và đã sớm ổn định cảnh chợ vỡ ở đây. Khu chợ Thị Nghè do chị Nguyễn Thị Nghĩa (Chín Ngân, hiện là Chủ tịch HĐQT LHHTXTM Thành phố) phụ trách.
Các SV, HS mang băng đỏ trở thành người uốn làn giao thông và dẫn đường cho các đoàn quân giải phóng đi vào nội đô đúng nơi họ cần đến. Trong khi đó, tại Trường Văn Lang, anh Vũ Văn Bình (Bảy Sơn, hiện là Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ) cùng chị Minh Chánh (Chín Lộc)… nhận lệnh tiếp quản chính quyền từ chị Tư Liêm. Đầu tiên là kiểm tra dân số, kế đến là vận động thanh, thiếu niên ra đăng ký sinh hoạt, thành lập đội tự vệ tham gia xây dựng chính quyền cơ sở... Họ còn làm cầu nối tìm người thân sau 30 năm chia cách hai miền. Những giọt nước mắt ngày trùng phùng khiến các bạn trẻ vui như chính họ gặp lại người thân.
Không ồn ã, rối loạn như ngoài phố nhưng trong các bệnh viện, trạm xá những người bệnh đi không nổi, những người bị thương do lạc đạn, xe đụng trơ mắt nhìn bệnh viện trống hoác vì các bác sĩ đã bỏ chạy, cửa hàng thuốc cũng bị kẻ xấu vét sạch. Ngay lúc ấy, anh Huỳnh Tấn Mẫm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Sài Gòn - Gia Định đã kêu gọi anh em SV trường Đại học Y dược tiếp quản các kho thuốc và “tiếp quản” luôn bệnh nhân. Anh Cao Lập, trong vai “BS trưởng khoa cấp cứu” đã tiếp nhận và xử lý nhiều trường hợp mất máu và bị thương nặng. Các kho thuốc được SV y, dược mở niêm phong, phân loại để cứu người.
Bình thường hóa nếp sống của một thành phố vừa được chuyển từ chế độ này sang chế độ khác thật không dễ dàng nhưng những SV-HS từng xuống đường đốt xe Mỹ, từng tạo những “cơn sóng” cách mạng lớn giữa thành đô, giờ đây đã nhanh chóng làm dịu những “cơn sóng” âu lo bằng kinh nghiệm và trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ.
- Cuộc gặp mặt 30 năm sau

Các đại biểu trong cuộc hội ngộ.
30 năm sống trong niềm vui thống nhất đất nước, những người trẻ tuổi năm xưa đã lao vào cuộc thử sức mới trong công việc mới, cuộc sống mới. Những tưởng tất cả đã trở thành dĩ vãng đẹp và chuyện những người đồng đội cũ gặp lại nhau thật khó. Vậy mà mới đây họ đã gặp lại nhau giữa “chảo lửa đấu tranh ngày nào” - Sài Gòn. Với sáng kiến của anh Huỳnh Tấn Mẫm, anh Cao Lập, chị Kim Phương, chị Tư Liêm và Bí thư Thành đoàn Tất Thành Cang - Lực lượng Hành động của SV-HS Đấu tranh nội đô của 10 tỉnh thành đã cùng khóc khi ôn chuyện cũ, cười với nhau khi nói chuyện hôm nay và cùng “Hát cho dân tôi nghe” với khí thế “Tiếng hát những đêm không ngủ” xưa.
Một cuộc hội ngộ thật cảm động. Từ Huế vào có anh Trần Hoài (Chủ tịch Ủy ban Phối hợp Hành động TP Huế); anh Lê Văn Thuyên (nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Huế); từ Đà Lạt xuống có anh Ngô Thế Lý (nguyên Phó Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Đà Lạt), chị Quế Hương; từ An Giang lên có anh Đặng Trường Thanh (nguyên Phó Chủ tịch Tổng hội Sinh viên An Giang), từ Phú Yên vào có Nguyễn Kim Ngân, người viết bài thơ Người mẹ Bàn Cờ,… và những người tạo nên sức sống cho phong trào SV-HS đấu tranh nội đô ở Sài Gòn là anh Huỳnh Tấn Mẫm (nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn), anh Lâm Thành Quý (Tổ trưởng Tổ Xung kích Sao Xẹt thuộc Tổng đoàn Học sinh, người tổ chức các cuộc ném bom xăng đốt xe Mỹ ngày ấy), anh Lê Văn Nuôi (nguyên Chủ tịch Tổng đoàn Học sinh, người nắm giữ các hoạt động sôi nổi của 18 trường trung học trọng điểm Sài Gòn - Gia Định) và các má phong trào xưa như má Trần Thị Hai, nhân vật trong bài thơ - bài nhạc nổi tiếng – Người mẹ Bàn Cờ…
Phạm Thục