Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã thành công tốt đẹp. Một trong những mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết Đại hội đã được 100% đại biểu biểu quyết thông qua, đặt ra trong 5 năm tới là phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đảng cũng đã xác định phải “Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới”. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội.
Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Rõ ràng, thúc đẩy và vun đắp cho “sự đồng thuận xã hội” đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng yếu của các cấp. Đồng thuận xã hội chính là một nguồn động lực lớn thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội.
Chủ trương là vậy, nhưng để chuyển từ câu chữ và khẩu hiệu thành hơi thở cuộc sống thì rõ ràng như vậy vẫn chưa đủ. Điều cấp thiết nhất hiện nay là cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật. Đây là vấn đề quan trọng, cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực tế cho thấy, muốn tăng cường sự đồng thuận xã hội, phát huy được dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc hay không, phụ thuộc phần lớn vào hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước có hợp lòng dân hay không. Những chính sách liên quan đến dân sinh, dân chủ trước khi quyết định thực hiện, nhất thiết phải lấy ý kiến trực tiếp của nhân dân hoặc thông qua cơ quan dân chủ đại diện là MTTQ, các tổ chức thành viên thì khi ban hành mới có thể đi vào đời sống dễ dàng.
Bên cạnh đó, động viên và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phải gắn liền với mở rộng dân chủ và giữ vững kỷ luật, kỷ cương. Có thể nói, việc văn kiện lần này đặt cụm từ “dân chủ” lên trước cụm từ “công bằng” đã nhận được rất nhiều sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Bởi, chỉ khi có dân chủ mới có thể có công bằng. Dân chủ càng mở rộng và thiết thực, càng tạo sự đồng thuận xã hội, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc càng được tăng cường. Các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước phải chăm lo, phát huy dân chủ và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân theo pháp luật; phòng chống, ngăn chặn có hiệu quả và xử lý nghiêm việc vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Cuối cùng, MTTQ và các thành viên phải phát huy hiệu quả cơ chế phản biện xã hội, đại diện cho quyền làm chủ thật sự của nhân dân.
Mặt trận thực hiện chức năng phản biện xã hội tức là lắng nghe một cách chân thành và nghiêm túc ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để trung thực chuyển đến Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý. Để có được điều đó, mặt trận cần được đảm bảo điều kiện cần thiết để thực hiện chức năng giám sát, phản biện. Bởi đến nay, dù đã được đề cập nhiều lần nhưng việc phản biện của mặt trận cũng chỉ mới được thể hiện chưa đầy đủ trong các quyết định, pháp lệnh, nghị quyết liên tịch như: MTTQ giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND phường, xã bầu, giám sát đầu tư của cộng đồng…
Vun đắp để có được đồng thuận xã hội chính bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, gắn với nhu cầu thiết thân của các tầng lớp nhân dân thì mới có thể tạo được nền tảng vững chắc cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từ đó chung tay hoàn thành những mục tiêu lớn mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đặt ra.
H. HIỆP