Câu thần chú ngắn ngủi chỉ có 4 từ nhưng người anh Kasim tham lam lú lẫn đã quên mất chữ “vừng” là tên vị thần coi cửa. Kasim thử bằng “lúa mạch ơi, đậu ván ơi…” cửa không thể mở nên đã bị cướp giết chết. Hạt vừng ở xứ Ba Tư từng đi vào chuyện cổ tích như vậy hẳn là nó đã được trồng trọt và sử dụng từ rất lâu rồi.
Cây vừng ở Việt Nam cũng có tuổi đời thuần dưỡng không kém gì thế giới. Ca dao cổ đã có câu “Bao giờ đom đóm bay ra/Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng” để nói về thời vụ gieo trồng cây vừng. Câu ca dao này đúng với cả hai miền Nam, Bắc. Dù miền Nam là nơi có khí hậu nóng ấm quanh năm thì cây vừng vẫn được trồng vào vụ xuân hè như miền Bắc.
Hạt vừng là món ăn chủ lực trong những năm chiến tranh đói khổ ở miền Bắc. Có thể thiếu rất nhiều thứ thực phẩm thịt, cá, rau, đậu… nhưng nếu còn hạt vừng thì vẫn chưa phải ăn cơm không. Những năm trẻ con Hà Nội sơ tán về các vùng quê nghèo khổ thì lọ muối vừng là thứ không thể thiếu. Các bậc phụ huynh tiếp tế thực phẩm cho con cái ở nơi sơ tán luôn coi muối vừng là thứ quan trọng nhất. Đó là món có thể để dành ăn được lâu khi chưa có điều kiện mua bán thăm nom. Lũ trẻ cũng được dạy phải biết dè sẻn đồ ăn có tính dự trữ chiến lược này.
Muối vừng có nhiều cách làm. Đơn giản nhất là rang già, giã mịn trộn với muối hạt. Tỷ lệ tùy theo khẩu vị mà thêm bớt. Rang vừng non để lâu sẽ bị khét dầu. Rang già quá vừng xác đắng khó ăn. Chỉ được ngửi mùi thơm mà thôi. Khi nào có điều kiện mua thêm ít lạc nhân rang thơm xoe vỏ giã dối trộn vào muối vừng thì bữa ăn đã là sang trọng. Cũng chẳng mấy khi. Bởi vì hạt lạc lúc ấy có thể chế biến thành thực phẩm chính cho một bữa ăn.
Những anh lính Hà Nội mới nhập ngũ đầu thập niên 1980 thế kỷ trước cũng mang theo món ăn dự trữ kinh điển của mình. Về phép hoặc gia đình gửi quà lên đơn vị bao giờ cũng chỉ có hai món thôi. Một là thuốc lào, hai là muối vừng. Không còn là trẻ con nữa nên quà Hà Nội là muối vừng bao giờ cũng dặn người nhà cho thêm vào đấy ớt bột xay mịn. Vừa ngon lành hơn khi ăn, vừa tiết kiệm được khá nhiều. Ớt cay không thể ăn vội. Muối vừng ớt bột của lính rất thuận tiện cho những bữa cải thiện bằng chính khoai sắn tự trồng. Định làm một bữa nộm lá sắn bao giờ cũng nhao nhao hỏi nhau xem anh nào còn muối vừng ớt bột thì mới bắt tay vào.
Những tưởng qua thời chiến tranh bao cấp đói khổ thì hạt vừng không còn giữ được tầm quan trọng như trước nữa mà không phải. Hóa ra bây giờ hạt vừng còn được dùng nhiều hơn trong thức ăn hàng ngày. Đã không còn thấy những chiếc bánh đa nướng trắng như ngày xưa nữa. Người ta rắc vừng đen, vừng vàng kín cả hai mặt bánh. Hàng xôi, bánh khúc buổi sáng trên phố bao giờ cũng có hộp muối vừng rất to. Hàng cơm nắm quán bia vỉa hè vẫn cạnh tranh nhau bằng lọ muối vừng rang tuyệt khéo. Miếng cơm nắm cắt ra vuông vắn trắng chấm nhẹ vào muối vừng vàng thơm là món khoái khẩu của rất nhiều dân uống bia Hà Nội. Sau bao nhiêu là xào, rán, cá, thịt và bia thì miếng cơm nắm muối vừng là lựa chọn hàng đầu.
Rất nhiều món nướng, món rán ở những nhà hàng cao cấp phải dùng vừng hạt rang thơm rắc lên trên. Tái chanh dê mà không có mấy hạt vừng vàng thậm chí thực khách còn hỏi lại tiếp viên xem nó là món gì. Nhiều món rau củ quả luộc giờ đây người ta cũng dùng muối vừng để chấm thay nước mắm. Bởi vì nước mắm hóa học kể cả dinh dưỡng lẫn hương vị còn kém xa muối vừng. Vậy là hạt vừng không chỉ có trên mâm cơm nhà nghèo nữa. Nó đã có mặt trong yến tiệc những nơi xa hoa nhất.
“Làm trai cho đáng sức trai/Khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng” là câu ca dao cổ có ít nhất hơn một nghĩa. Ngoài việc nó chê cười một đàn ông lười biếng yếu ớt ra hình như còn bóng gió nói đến một cái gì đó tựa như phẩm chất quan trọng nhất của đàn ông. Đại khái như tình hình nam tính chẳng hạn.