Vững tin màu blouse trắng: Bài 3: Những người sống vì mọi người

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, TPHCM trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước. Nhiều đoàn y bác sĩ, nhân viên y tế, sinh viên trường y từ các đơn vị, tỉnh thành trong cả nước gác lại niềm riêng, hướng về tuyến đầu - thành phố mang tên Bác, với cùng một quyết tâm: “Bao giờ hết dịch mới về”.
Các thầy thuốc, nhân viên y tế tại Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19 đặt tại Bệnh viện dã chiến số 14 (Tân Phú, TPHCM)
Các thầy thuốc, nhân viên y tế tại Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19 đặt tại Bệnh viện dã chiến số 14 (Tân Phú, TPHCM)

Lá đơn tình nguyện

Những ngày tháng 8-2021, dịch Covid-19 diễn ra rất căng thẳng, Bộ Y tế thiết lập khẩn cấp 3 trung tâm hồi sức tích cực tại TPHCM do các bệnh viện tuyến trung ương phụ trách. Bác sĩ Phan Lê Hiếu (Bệnh viện Trung ương Huế) có mặt ở tuyến đầu trong những ngày “nóng bỏng” đó để tham gia thiết kế, sắp đặt Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19 do Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách tại Bệnh viện dã chiến số 14 (số 2 đường Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM).

Viết đơn tình nguyện tham gia chống dịch, đến TPHCM ở thời điểm ca nhiễm mỗi ngày ghi nhận đến 4 con số, nhưng bác sĩ Hiếu suy nghĩ một cách nhẹ tênh: “Dịch bệnh mà sao không sợ được, lúc ở Huế ca nhiễm ít, mọi người nghe Covid-19 là phòng tránh kỹ lưỡng đến quá mức luôn. Khi xác định tham gia chống dịch, mình nghĩ đơn giản cứ trang phục bảo hộ kỹ càng, phòng chống nhiễm khuẩn là bắt tay vào việc, cố gắng chữa trị  để giảm ca nặng, ca tử vong là mừng lắm rồi”.

Bác sĩ Hiếu có một gia đình nhỏ, con trai đang học cấp 1, nên khi đi vào tâm dịch, nguy cơ lây nhiễm, gia đình càng lo lắng hơn. Nhưng với anh, cứu người là bổn phận: “Nếu tình huống xấu nhất thì mình cũng không có gì phải hối tiếc, khi đã hết mình và trọn trách nhiệm với nghề y. Nhưng nói vậy thôi, chứ mình đi chống dịch vẫn còn niềm tin rồi sẽ về mà, còn bệnh nhân ở đây cận kề sinh tử, phải cố gắng để cứu sống họ… Làm sao ngồi yên ở quê nhà khi đồng nghiệp mình trong này quá tải, bệnh nhân cần y bác sĩ”. 

Phụ trách Khu hồi sức tích cực (ICU), 90 giường bệnh kín hết bệnh nhân, những ca trực với tiếng máy trợ thở báo động liên tục, khiến bác sĩ Hiếu và đồng nghiệp luôn căng mình. Sau mỗi kíp trực, bộ đồ bảo hộ dày cộm trên người y bác sĩ ướt đẫm mồ hôi, vết hằn khẩu trang, kính chống giọt bắn chi chít trên trán, trên mặt. “Có hôm xong việc, mệt quá, mọi người cũng không ăn cơm nổi, chỉ uống tạm ly sữa là xong. Còn chuyện khác vùng miền, lạ khẩu vị gì đó không phải là vấn đề lớn đâu, cái chính là mình đã có mặt tại đây để sẻ chia với mọi người…”, bác sĩ Hiếu chia sẻ.

“Tôi đăng ký tham gia chống dịch tại bất kỳ địa điểm nào. Tôi xin được góp một phần sức lực nhỏ bé vào công cuộc chống dịch này”. Phải viết đến lá đơn tình nguyện đi chống dịch thứ 5 thì bác sĩ Phan Nhã Uyên, Bệnh viện Trung ương Huế (cơ sở 2), mới được toại nguyện. Trước đó, chị cũng đã từng 5 lần viết đơn xin đi chống dịch ở Bắc Giang. “Thấy các đồng nghiệp của mình lả đi vì mệt trong các khu cách ly, điều trị Covid-19, tôi không cầm lòng được. Là một bác sĩ, tôi cần phải lên tuyến đầu lúc này”, bác sĩ Uyên chia sẻ. Như lời hứa, suốt mấy tháng tại tâm dịch TPHCM, chị đã cùng đồng đội cứu sống nhiều bệnh nhân nặng và nguy kịch. 

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo Nguyên (Bệnh viện Trung ương Huế) cũng viết đơn tình nguyện vào TPHCM chống dịch, dù con nhỏ đang tuổi tập nói. Mái tóc dài đúng điệu con gái Huế được chị cắt gọn để vững tin đi vào tâm dịch. “Lúc đầu vào nhìn bệnh nhân kín hết các dãy phòng điều trị, cũng lo lắng lắm. Nhưng gia đình phía sau lúc nào cũng động viên, ông xã thì dặn dò cố lên, ba mẹ dặn con gái đủ thứ, con tôi đang tuổi tập nói cũng bi bô “mẹ cố lên”. Nghe những lời động viên từ xa, nhìn bệnh nhân đang cần mình thì mệt mỏi, xa nhà cũng qua hết, tất cả cùng cố gắng mong thành phố sớm vượt qua dịch”, chị Thảo Nguyên xúc động tâm sự.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi trước ngày trở về, anh Vũ Đình Tiến, giảng viên, cũng là người phụ trách dẫn đoàn sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai, chia sẻ: “Những ngày cùng thành phố chống dịch chắc chắn là một kỷ niệm mà suốt đời tôi không thể quên. Có vất vả nhưng tình người cũng đong đầy. Những ngày đầu vào đây, F0 phát hiện trong cộng đồng nhiều, sinh viên lo lắng đến mất ngủ… Cả đoàn lại động viên nhau cùng cố gắng, nhìn vào tấm chân tình mà mọi người dành cho mình trong những buổi đi lấy mẫu xét nghiệm, dù chỉ là túi trái cây nhỏ hay vài cái bánh ngọt… sao mà không thương, không quý chứ!”. 

Chiến đấu và hy vọng

 Có mặt tại tâm dịch TPHCM ngay từ thời điểm dịch bệnh bắt đầu căng thẳng, bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, được giao nhiệm vụ phó giám đốc chuyên môn, trực tiếp điều hành Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 16. Đối với anh, “trận chiến” với dịch Covid-19 tại TPHCM thời điểm tháng 7, 8, 9-2021 vô cùng khốc liệt. 

Vị thủ lĩnh hồi sức cấp cứu chia sẻ về những tháng ngày cam go ấy: “Chúng tôi không có khái niệm về một ngày làm việc, tất cả hệ thống đều trực chiến 24/7. Ngoài điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch, chúng tôi còn trả lời đường dây nóng. Cuộc gọi liên tục từ sáng đến tối, thậm chí suốt đêm. Mỗi ca trực, chúng tôi xử lý hàng trăm ca bệnh nặng từ các tuyến gọi đến để hỗ trợ chuyên môn, hỗ trợ người dân cách điều chỉnh oxy đang điều trị tại nhà; kết nối cơ sở y tế gần nhất để hỗ trợ cho người bệnh tại cộng đồng… Nếu hỏi chúng tôi hôm nay là thứ mấy, ngày mấy thì quả thực không ai biết, vì chúng tôi hoàn toàn không có khái niệm về ngày tháng nữa. Lúc này, tất cả chỉ có biết chiến đấu - chiến đấu và hy vọng”.

Trong những ngày “chiến đấu và hy vọng” ấy, bên cạnh các y bác sĩ còn có một lực lượng lớn các sinh viên y khoa, tình nguyện viên tình nguyện ra tuyến đầu. Mỗi ca trực ở Bệnh viện dã chiến số 6, với cô sinh viên Trường Đại học Y Dược TPHCM Trần Thị Minh Thư là một trận chiến thực sự. Minh Thư là một trong hơn 1.000 sinh viên Trường Đại học Y Dược TPHCM tình nguyện tham gia chống dịch ở tuyến đầu. Bắt đầu từ tháng 6, Minh Thư đã cùng các bạn của mình đăng ký tham gia tình nguyện chống dịch.

“Là sinh viên trường y, em không nghĩ mình sẽ đứng ngoài cuộc. Nếu chúng em không ra tuyến đầu thì ai sẽ đi?”, Thư chia sẻ về quyết định của mình. Kể từ đó, Minh Thư tham gia lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, hỗ trợ tiêm vaccine, đến đầu tháng 8-2021 thì xin vào bệnh viện dã chiến, trực tiếp hỗ trợ công tác điều trị cho người bệnh. Không may trong quá trình làm việc, Minh Thư nhiễm SARS-CoV-2. Không hề nghỉ ngơi, Thư vẫn tiếp tục làm việc và đến khi khỏi bệnh cũng không chịu về nhà, tiếp tục bám trụ tại bệnh viện đến cùng. 

Hơn 4 tháng trở về từ tâm dịch TPHCM, Phùng Thu Trang (hiện đang là sinh viên năm cuối của Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai - Hà Nội) vẫn không thể quên được những tháng ngày cùng “chia lửa” tại nơi này. Trước đó, trong những ngày tháng 5-2021, Trang đã tình nguyện đến với tâm dịch Bắc Giang để cùng chung tay đẩy lùi dịch. Trở về Hà Nội chưa được bao lâu, cô sinh viên nhỏ bé này lại xung phong vào TPHCM. Thu Trang chia sẻ: “Em luôn mong muốn cho dịch bệnh sớm được kiểm soát, để mọi người có thể quay trở lại làm việc và học tập bình thường…”. 

Những ngày vất vả chống dịch ở TPHCM đã qua đi, nhưng có lẽ hiện tại và mãi về sau, hình ảnh những chiến sĩ áo trắng - những người sống vì mọi người, sẽ mãi đọng lại trong lòng người dân thành phố mang tên Bác! 

“Các con ở nhà phải ngoan, nghe lời ông bà thì bố mẹ mới yên tâm chống dịch. Bố mẹ đi và bao giờ dịch giảm bớt thì bố mẹ sẽ về”, đây là những lời căn dặn hai cậu con trai 8 tuổi và 4 tuổi của bác sĩ Nguyễn Thị Giang (Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng) trước khi chị cùng chồng là điều dưỡng Đỗ Ngọc Anh xung phong vào tâm dịch TPHCM. 

Cũng gửi con lại cho ông bà, người thân chăm sóc, vợ chồng bác sĩ Lý Quốc Công (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM) đi chống dịch. Trong khi bác sĩ Công phụ trách điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 3 thì vợ anh làm việc tại Bệnh viện 30-4 (TPHCM). Suốt nhiều tháng trời, cả anh và chị đều bám trụ ở tuyến đầu, không về nhà thăm con… 

Trong lúc đang bận rộn với công việc hỗ trợ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 quận Bình Thạnh thì ngày 11-9-2021, thầy giáo Đoàn Văn Thiết, giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình hay tin mẹ ruột qua đời. Anh Thiết lập bàn thờ bái vọng mẹ ở nơi tuyến đầu chống dịch. Gạt vội dòng nước mắt, anh tiếp tục công việc còn dang dở, bởi rất nhiều bệnh nhân vẫn đang chờ. Cũng không thể nhìn mặt người cha thân yêu lần cuối, sinh viên Dương Thị Anh, Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, khóc nấc khi cha đột ngột qua đời. Trước đó, nữ sinh viên này cũng đã có 4 tháng quên mình nơi tâm dịch Bắc Giang… 

Tin cùng chuyên mục