Vững tin màu blouse trắng - Bài 2: Ở bệnh viện tầng cao…

“Mùa xuân nay khác rồi!”, đó là câu nói của các bác sĩ làm nhiệm vụ tại các bệnh viện điều trị Covid-19 tầng cao sau nhiều tháng chia lửa cùng TPHCM. Hồi tưởng những ngày tháng “không bao giờ quên ấy”, họ thật vui khi chứng kiến thành phố từng chịu tổn thất nặng nề bởi dịch bệnh, nay đã hồi sinh thật nhanh.
Các bác sĩ tình nguyện Bệnh viện Bạch Mai trong một ca trực tại Trung tâm Hồi sức Bệnh viện dã chiến số 16 ở quận 7. Ảnh: CAO THĂNG
Các bác sĩ tình nguyện Bệnh viện Bạch Mai trong một ca trực tại Trung tâm Hồi sức Bệnh viện dã chiến số 16 ở quận 7. Ảnh: CAO THĂNG

1. Chỉ sau 6 ngày thành lập (từ ngày 16-7-2021), Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức) đã nhận đến gần 300 bệnh nhân nặng, nguy kịch. Nhớ lại những tháng ngày căng thẳng nhất, bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Hồi sức Covid-19, cho biết, bệnh viện quy mô 1.000 giường hồi sức tích cực (ICU), trong đó 100 giường hồi sức nguy kịch, được gấp rút thành lập từ Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 nhằm thực hiện chiến lược hạn chế bệnh nhân tử vong. 

Chưa kiện toàn bộ máy nhân sự, trang thiết bị, bệnh viện đã phải nhận “làn sóng” bệnh nhân Covid-19 nặng nhiều đến mức thiết lập giường tới đâu, nhận người bệnh kín đến đó. “Có những lúc bệnh nhân này ngưng thở, bệnh nhân kia cần đặt gấp nội khí quản. Chúng tôi không một phút ngơi tay, quyết tâm hạn chế ca tử vong càng thấp càng tốt”, bác sĩ Trần Thanh Linh kể lại. Ở ICU, mọi người không còn phân biệt nhiệm vụ nào là của ai, tất cả là những y bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ kín mít, chung tay cố gắng tối đa để cứu người. Bác sĩ rảnh tay thì làm việc của điều dưỡng, còn điều dưỡng choàng công việc của hộ lý…

Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19 Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) là một trong những điểm nóng “chia lửa” bệnh nhân nặng cho các bệnh viện của thành phố. Bệnh viện đã sáng tạo trong vận hành kỹ thuật ECMO khi cho 2 bệnh nhân cùng chạy một máy, cứu sống sản phụ mắc Covid-19 nguy kịch. Cũng nằm trong tầng cuối cùng, từ ngày 9-6-2021, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM được giao nhiệm vụ là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận bệnh nhân mắc Covid-19 nặng và nguy kịch với quy mô 400 giường bệnh, gồm 200 giường hồi sức cấp cứu. Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, chuỗi “Bệnh viện Bệnh nhiệt đới con” đã nhanh chóng nhân rộng với Bệnh viện dã chiến số 1, số 2, số 13, 14, dã chiến số 1 quận 8, đã đóng góp lớn trong công tác chống dịch. 

Đường dây nóng do bác sĩ Trần Thanh Linh phụ trách mỗi ngày nhận hàng trăm cuộc gọi liên tục, chủ yếu từ các bệnh viện dã chiến để chuyển bệnh nhân nặng. Do thiếu bác sĩ hồi sức nên tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, nhóm điều trị sẽ bao gồm nhiều chuyên khoa, trong đó, bác sĩ hồi sức làm trưởng tua, sau đó là các bác sĩ liên quan đến hồi sức như cấp cứu, gây mê hoặc từng được đào tạo qua hồi sức; sau cùng là các anh em chuyên khoa nội, ngoại dù chưa từng làm hồi sức, nhưng cũng phải tham gia để hỗ trợ lẫn nhau. Các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế tại đây đều dốc sức bất kể ngày đêm, một ngày làm việc thường từ sáng sớm đến 22-23 giờ, có nhóm hỗ trợ đi đặt ECMO tại bệnh viện bên ngoài đến 4-5 giờ sáng mới về, sau đó lại bắt đầu ca trực tại bệnh viện tầng cao.

2. Khi Bệnh viện Hồi sức Covid-19 không thể gánh hết lượng bệnh nhân nặng dồn dập đổ về, Bộ Y tế đã khẩn trương thiết lập thêm 3 trung tâm hồi sức Covid-19 do 3 bệnh viện tuyến trung ương, bao gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Trung ương Huế điều hành. TS-BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức Covid-19, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, từ ngày 11-8-2021 cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ (15-10-2021), Trung tâm Hồi sức Covid-19 Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận trên 1.300 bệnh nhân mắc Covid-19. Trong đó, 363 ca đã được điều trị qua cơn nguy kịch, 213 ca đã được ra viện trong niềm vui và hạnh phúc của người thân và các thầy thuốc. 

 Đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế (Tân Phú, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn chia sẻ, để chuyển từ một trung tâm thu dung điều trị bệnh nhân nhẹ sang một trung tâm hồi sức bệnh nhân nặng là cả một vấn đề lớn. Sau khi hoàn thiện máy móc chạy thử và khử khuẩn, chỉ ngay trong đêm đầu tiên, đã có 60 bệnh nhân nhập viện. Sau 1 ngày, số bệnh nhân lên đến hơn 100 ca. Trong lịch sử, ngay cả Bệnh viện Bạch Mai quy mô 3.500 giường cũng chưa bao giờ chứng kiến việc cấp cứu và hồi sức cho số lượng lớn bệnh nhân và nặng như vậy.

Còn đối với TS-BS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chống dịch ở Bắc Giang trở về, anh lại tình nguyện vào miền Nam cùng GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế giám sát công tác xây dựng, rồi trực tiếp chỉ huy điều hành Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 (Trung tâm ICU Trung ương Huế) từ ngày 24-8-2021. Đến ngày 15-12-2021, Trung tâm ICU Trung ương Huế chuyển giao cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM thì TS-BS Nguyễn Thanh Xuân mới trở lại Huế, sau khi trọn vẹn nhiệm vụ và ân tình với TPHCM.

Chia sẻ cảm xúc về 5 tháng trời bám trụ với vai trò chỉ huy, TS-BS Nguyễn Thanh Xuân chậm rãi nói, trung tâm đã thực hiện 153 ca phẫu thuật; hàng ngàn thủ thuật và kỹ thuật khác, đặc biệt cứu sống được rất nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 nguy kịch… Vất vả là thế, nhưng trung tâm vẫn đảm bảo an toàn cho đội ngũ y bác sĩ, không có nhân viên y tế nào làm việc trong khu vực điều trị tại Trung tâm ICU của BV Trung ương Huế ở TPHCM mắc Covid-19. Đây cũng là trung tâm đóng quân lâu nhất tại TPHCM, tiếp nhận, chăm sóc toàn diện 1.830 bệnh nhân nặng và nguy kịch, nhưng tỷ lệ tử vong rất thấp. 

“Đó là cảm xúc có lẽ cả cuộc đời tôi sống và hành nghề y sẽ không bao giờ có lần thứ 2. Trung tâm được xây dựng trên khu nhà rộng, bỏ hoang từ lâu. Thế nhưng, ngay sau khi đến nơi, mọi người đều lao vào việc như những người lao công, thợ xây dựng. Người lau dọn sàn nhà, người khuân vác thiết bị… Ai cũng mong chờ ngày trung tâm đi vào hoạt động để góp sức, cố gắng giữ lấy bệnh nhân, giữ lấy từng hơi thở dẫu mong manh sinh - tử…”, TS-BS Nguyễn Thanh Xuân nhớ lại.

3. Trong những ngày theo chân BSCK2 Nguyễn Thiên Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương, vào ca trực, chúng tôi cảm nhận giữa âm thanh dồn dập của hàng loạt thiết bị hỗ trợ sự sống cho bệnh nhân nặng, là những bước chân hối hả của đội ngũ nhân viên y tế. Hầu hết bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 đều được điều trị trong nhiều tháng qua, bởi đây là khoa tập trung những bệnh nhân nặng nhất, làm nhiệm vụ của tầng 3 trong tháp điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 của thành phố. Đó là giai đoạn căng thẳng nhất khi có thời điểm Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương phải tiếp nhận, điều trị cho trên 900 bệnh nhân mắc Covid-19 cùng một lúc, với đa số người bệnh có bệnh nền nặng và nguy kịch… 

Với bác sĩ Thiên Bình, đó là quãng thời gian cam go và khốc liệt nhất. Từ một bệnh viện đa khoa, khi được Sở Y tế TPHCM phân công chống dịch Covid-19, bệnh viện đã khẩn cấp cơ cấu lại tổ chức và lập quy trình vận hành. Đặc biệt, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc là khoa “đầu sóng ngọn gió”. Những công việc trước đây vốn quen thuộc, nay trở nên phức tạp, khó thao tác hơn trong những bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, không tránh khỏi những lúng túng ban đầu, xen lẫn lo lắng, hồi hộp. “Sau tuần đầu làm việc, vừa tích lũy dần kinh nghiệm, vừa có kết quả xét nghiệm của tất cả nhân viên đều âm tính, mọi người dần tự tin”, bác sĩ Thiên Bình kể lại.

Chúng tôi trở lại Bệnh viện Trưng Vương ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Các bác sĩ của Khoa ICU không phải đặt thêm nội khí quản cho bệnh nhân nào nữa, dàn ECMO cũng tạm thời được “nghỉ ngơi”. Hiện Khoa ICU còn 13 bệnh nhân đang được điều trị, trong số đó có 3 người bệnh đã vượt qua giai đoạn cam go nhất của bệnh tật và sẽ được trở về gia đình trong nay mai. “Đây là giai đoạn bệnh nhân giảm thấp nhất trong hơn 8 tháng Bệnh viện Trưng Vương chuyển đổi công năng thành Bệnh viện Điều trị Covid-19”, bác sĩ Thiên Bình chia sẻ.

Trở lại quê nhà vào những ngày cuối tháng 9, khi nghe tin TPHCM bước vào “bình thường mới” đầu tháng 10-2021, ThS điều dưỡng Đặng Quốc Bảo gọi điện thoại chia sẻ niềm vui với các bệnh nhân mà mình cùng đồng đội đã điều trị thành công trong thời gian tham gia chống dịch tại Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 do Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách. “Nghe mọi người chia sẻ tình hình gia đình, những câu chuyện vui vẻ, may mắn, mình thấy rất vui. Có những bệnh nhân trong quá trình điều trị, họ khỏe dần và xin số điện thoại để kết nối, giờ gọi mỗi ngày cho tôi để trò chuyện, xem nhau như một người thân trong nhà vậy đó, quý mến lắm”, anh Đặng Quốc Bảo chia sẻ. Trong cuộc kết nối từ quê nhà với chúng tôi, anh Bảo xúc động: “Lúc ở TPHCM, đi làm về có những chiều mưa lại nhớ Huế, bây giờ ở Huế nhìn mưa lại nhớ về thành phố, về những ngày gian lao ấy…”.

Tin cùng chuyên mục