Cuối năm 1975, xã Thái Mỹ huyện Củ Chi TPHCM còn đìu hiu lắm. Hố pháo, hố bom chưa lắp hết, dấu vết đồn bót xưa vẫn còn. Qua gò gió Bình Thượng, thấy nhà dân thưa thớt khuất sau mấy vạt chùm hôi um tùm. Mùa khô, mặt ruộng hực phèn lóa nắng, đồng bưng năn lát xác xơ. Mùa mưa, cánh đồng Mỹ Khánh, Bình Hạ nước ngập mênh mông. Ủy ban xã trơ trọi mấy gian nhà lá bên lộ 7 nước tràn. Thời đó, Thái Mỹ là xã “cù lao đơn độc” và nghèo như thời chiến tranh chia cắt…
1. Lúc tìm hiểu phong trào “Khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất”, tôi gặp anh Ba Luân, Bí thư Huyện ủy Củ Chi. Anh nói, phong trào ở Thái Mỹ khá lắm, đội gỡ mìn dọn mấy ngàn trái mìn, giải phóng 800ha đất và nhấn mạnh: “Anh đi Thái Mỹ gặp Phan Văn Đu, thì biết!”.
Tôi đi Thái Mỹ gặp “kiện tướng gỡ mìn” Phan Văn Đu, tức Tám Đu. Tám Đu kể chuyện gỡ mìn nghe đơn giản như người ta gỡ con ếch khỏi lưỡi câu, bỏ vô đụt: “Tôi thoát ly, vô du kích năm 1971, mới 16 tuổi. Các chú kêu tôi đi học trinh sát đặc công, rồi về đánh đồn Mỹ Khánh. Sau giải phóng, xã cử đi học gỡ mìn. Tôi là một trong 63 người của Củ Chi học gỡ mìn, biên chế một đại đội. Về Thái Mỹ, tôi là A trưởng, phụ trách 5 anh em”.
Nghề đan rổ rá giúp người dân Thái Mỹ thoát nghèo.
Thái Mỹ có đồn chi khu Thái Mỹ và 4 đồn nhỏ ở Mỹ Khánh, Bình Thượng, Cầu Lớn, Bình Hạ. Do làm trinh sát đặc công 2 năm, Tám Đu nắm được cách bố trí mìn, cách gài lựu đạn quanh đồn bót địch. Các loại mìn M.14A2, M.26A2, Claymor, Rip ẩn mình dưới cỏ dại lần lượt được đội gỡ mìn dọn sạch. Chỉ còn đồn chi khu Thái Mỹ với 450 trái mìn lớn nhỏ.
- “Đồn Thái Mỹ ở sau nhà tôi” - Tám Đu giơ cườm tay chỉ sau lưng anh. “Anh em dò sơ đồ, đánh dấu, gỡ mìn hết sức cẩn thận. Ngày đầu tôi gỡ được 100 trái mìn, ngày thứ hai cũng 100 trái. Ngày thứ ba…”.
Đó là ngày 3-4-1976, còn 16 ngày nữa Tám Đu làm lễ tuyên bố với cô Năm Triến, du kích xã. Tới lúc đó, tính ra anh đã gỡ được 222 trái mìn tại đồn chi khu Thái Mỹ. Trái mìn thứ 223 là mìn M.26A2 cực nhạy. Tám Đu khoét đất moi trái mìn lên, thận trọng đưa mũi lưỡi lê xoay nhẹ đít, lấy kíp nổ... Bất ngờ, mìn phát nổ trên tay Tám Đu!
- “Cấp cứu về huyện, về bệnh viện TP nằm 4 tháng trời. Mạng còn nhưng mất hai bàn tay, hư con mắt phải. Cuộc đời mình coi như chấm hết!” - Tám Đu thở dài.
Anh Năm Sanh bí thư và anh Hai Cao chủ tịch xã đến gia đình cô Năm Triến gút lại chuyện hôn nhân. “Hồi hai đứa thương nhau Tám Đu còn nguyên vẹn. Giờ Tám Đu bị thương tật nặng, gia đình tính sao?”. Dì Ba Bợ, mẹ Năm Triến, nói: “Con tui chịu thì tui ừ!”. Cô Năm Triến thưa: “Hai đứa tui thương nhau. Nay ảnh làm nhiệm vụ bị thương tật, tui vẫn lấy ảnh. Nay mai cực khổ, ảnh ăn cơm, tui ăn cháo cũng được”. Câu nói của vợ, Tám Đu nghe kể lại, rớt nước mắt.
2. Sau lễ tuyên bố, cô Năm Triến về sống dưới mái nhà tranh tre của Tám Đu ở ấp Bình Thượng. Mới đó mà nửa năm rồi. Nửa năm xây dựng gia đình, tiền trợ cấp thương tật ít ỏi, Tám Đu không xoay xở được gì giúp vợ. Hàng ngày, cha của Tám Đu, ông Tư Mồng và vợ anh chặt trúc đan thúng, đan rổ, nia, xịa đi bán chợ khuya Phước Thạnh.
Anh em xã đội đến thăm, cho đường sữa, cho năm mười đồng. Anh em nói Tám Đu có hai người anh (Phan Văn Dân và Phan Văn Ký), chiến sĩ Tiểu đoàn 7 Củ Chi vì nước quên thân. Nay Tám Đu gỡ mìn, lấy đất cho dân sản xuất, là vì dân quên mình. Tám Đu phải hãnh diện mình là thương binh, sống có ý nghĩa, không được nản.
Nằm võng suy nghĩ, thấm thía tình cảm anh em xã đội, Tám Đu quyết vượt lên nghịch cảnh thương tật của mình. Với hai cườm tay, anh tập xách nước giếng, tập thay áo quần, tự ăn uống và tập cưỡi xe đạp đi đây đi đó bán rổ, rá cho vợ. Anh thường đạp xe mười mấy cây số qua Bình Mỹ, Bình Dương, Thanh Tuyền, Thanh An bán hàng. Tối xin ngủ nhà dân. Một chuyến bán dạo hai ba ngày. Cuộc mưu sinh vất vả dài suốt 3 năm.
Từ sau thời kỳ đổi mới năm 1986, nông nghiệp Thái Mỹ có sức sống mới: Giống lúa mới, kỹ thuật canh tác mới, mùa vụ mới cho đất quay vòng 2,5 lần/ năm. Kinh Cầu Sen được vét, gần 100 mẫu ruộng bỏ hoang ở Mỹ Khánh được cày xới, cấy lúa ngắn ngày. Sau cây lúa là đậu phộng, rau màu lên xanh các vạt ruộng gò. Nghề đan đát ở Thái Mỹ có đầu ra, nhà nhà làm nghề đan đát. Đàn ông chặt tre gắp vành, lận nia; các chị chẻ nan, đan giỏ; con nít chạy con rít. Rổ rá, nia, thúng đem bán chợ Phước Thạnh, đưa ra đại lý, giao về đầu mối xuất khẩu.
Kinh tế phát triển, cộng thêm chương trình xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương giúp dân Thái Mỹ có nhà tường xây, mái tôn. Nhà tranh lá còn rất ít. Tám Đu được xã cất cho căn nhà tình nghĩa. Anh không đi bán dạo nữa, ở nhà phụ vợ nuôi heo.
3. Năm 1990, Hội Cựu chiến binh xã Thái Mỹ ra đời. Bí thư xã Nguyễn Văn Lơ nhớ ngay anh thương binh Tám Đu, bấy lâu nay đi vận động vệ sinh môi trường: làm giếng sạch, nhà cầu, thu gom rác; ban đêm họp với thanh niên ấp nói chuyện nếp sống văn hóa mới. Chủ tịch xã Lê Minh Tấn mời Tám Đu ra làm Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, lúc đó có 27 hội viên.
“Làm văn phòng phải tập viết” - Tám Đu suy nghĩ và tập viết bằng hai cườm tay cặp cây viết bi. Ban đầu viết chữ bự, sau chữ nhỏ dần và gọn!
Công việc của Tám Đu không chỉ ở văn phòng mà còn xuống các ấp vận động nhân dân thực hiện chủ trương cấp ủy, ủy ban xã. Nhiều cuộc vận động, cán bộ ấp nói bà con không chịu, phải nhờ Tám Đu. Anh ráp với anh Năm Mẫn bí thư, anh Năm Lam trưởng ấp Bình Thượng 1 vận động bà con hiến đất mở đường (phải đốn hàng rào tre trúc trước nhà), góp công sửa lộ (cuốc đất, bưng ky, đắp lộ), góp tiền làm đèn điện chiếu sáng (mỗi năm một ít). “Mình vận động kiên trì, dân thấy được lợi ích chung, thấy cán bộ, thương binh như tụi tui gương mẫu làm trước, bà con tin mà hưởng ứng” - Tám Đu nói.
Chương trình “Nhựa hóa đường giao thông nông thôn”, dân đóng tiền làm nền hạ, huyện giúp tráng nhựa. Toàn xã có 30 tuyến đường nhựa, 19 đường đất đỏ, tổng chiều dài 34.838m. Tỉnh lộ 7 được nâng cao, tráng nhựa mới. Năm 2014, đường nội đồng Bình Thượng 1 - Bình Hạ mở rộng, mức đầu tư 19 tỷ đồng, dài 4km, rộng 8m, tráng nhựa thẳng băng.
Đất Thái Mỹ nhờ nước kinh Đông mà lúa, rau màu tươi xanh mát mắt. Lúa là cây chủ lực, thu hoạch 18.000 tấn/năm. Sau cây lúa là cây bắp lai. Anh Năm Lam, trưởng ấp Bình Thượng 1, kể chuyện “cây bắp lai về Thái Mỹ” như sau: “Năm 1994, tôi làm chi hội nông dân ấp. Thấy hợp tác xã nông nghiệp coi mòi sắp rã, đậu phộng dội chợ nên tôi đến Công ty Giống cây trồng miền Nam hỏi cách trồng bắp lai. Giá hạt giống lúc đó là 400.000 đồng/kg. Mỗi hécta đất cần 18kg hạt giống. Chi phí đầu tư cao quá, thấy ngán. Tôi rủ anh Ba Chói, anh Ba Mức trong ấp, cùng trồng bắp lai…”. Vụ bắp đầu tiên, 3 ông nông dân Bình Thượng trúng lớn. 1ha thu được 7, 8 tấn trái, lảy ra 3,2 tấn hạt, trừ chi phí giống má, phân tro còn lời 40 triệu đồng.
Cây bắp lai lớn mạnh. Nhiều nông dân vay vốn ngân hàng trồng bắp lai. Ủy ban xã lập 9 tổ hợp tác trồng bắp, hợp đồng với công ty nước ngoài bao tiêu sản phẩm, bảo đảm cho nông dân trồng 200 đến 250ha bắp hàng năm. Từ cây bắp lai, nông nghiệp Thái Mỹ có sự chuyển đổi cây trồng. Sau vụ lúa đông xuân, xới đất trồng bắp. Thu hoạch bắp xong, trồng lúa hè thu. Đất nào trồng lúa năng suất thấp thì trồng rau màu, lập vườn trồng cây ăn trái, dọn chỗ nuôi heo, trồng cỏ nuôi bò.
4. Thái Mỹ thoát nghèo từ rổ, rá, nia, xịa. Thái Mỹ quyết chí làm giàu bằng cây lúa, cây bắp lai. Nuôi heo, nuôi bò là bỏ ống, dành dụm. Gia đình Tám Đu nuôi 6 con heo, một con bò. Miếng đất gò trước kia giáp đồn Thái Mỹ, nơi trái mìn thứ 223 nổ trên tay Tám Đu, được anh trồng cỏ nuôi bò. Anh nói năm sau bán heo, có tiền nuôi thêm vài con bò nữa.
- “Vợ chồng tui có 3 đứa con. Đứa đầu sinh cuối năm 1976. Lúc đó nhà cửa bê bối, cực muốn chết” - chị Năm Triến nói. Rồi chị nói tiếp: “Con gái đầu đi lao động hợp tác ở Singapore. Đứa kế sinh năm 1980, là cô giáo. Thằng út xong lớp 12, học nghề sửa điện thoại. Nhà này là nhà tình nghĩa xã cất cho, tụi tui mới sửa sang thêm…”.
Tám Đu bồi hồi nhớ lại cảnh nghèo trước đây, nhà tranh vách đất, đèn dầu tù mù, lại bị thương tật tưởng đâu buông xuôi. Người ta nói “đi lên từ 2 bàn tay trắng”, Tám Đu bị mìn cướp mất 2 bàn tay, đã vượt qua nghịch cảnh, đi lên bằng nghị lực, bằng “đồng vợ đồng chồng”…
Mấy năm trước, gặp anh Hai Cương, Bí thư xã Thái Mỹ, anh nói Tám Đu nay là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, là người gắn bó với phong trào cơ sở. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nhờ cán bộ ấp, các cựu chiến binh - trong đó có Tám Đu - gương mẫu đi đầu, vận động kiên trì mà xóm ấp, gia đình và từng người dân làm tốt quy ước. Lui tới Thái Mỹ nhiều lần, tôi có nhận xét quy ước về an ninh trật tự, Thái Mỹ dẫn đầu toàn huyện, đạt chuẩn 5 không: không cờ bạc, không cà phê đèn mờ, không ma túy, không mại dâm và không có chỗ cho tội phạm ẩn náu.
Thái Mỹ là xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, hai lần được công nhận Xã Văn hóa. Với nền tảng vững vàng đó, tháng 3-2010, TPHCM và huyện Củ Chi chọn Thái Mỹ làm điểm xây dựng mô hình xã nông thôn mới. Ngày 30-11-2012, Thái Mỹ công bố đạt 19/19 tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia và tiếp tục tăng chất lượng các tiêu chí lên mức cao hơn, bền vững hơn.
Nhìn lại chặng đường dài 40 năm, thấy Củ Chi đổi mới diệu kỳ. Xã nghèo Thái Mỹ thoát nghèo, nông nghiệp khẳng định thế mạnh cây lúa, cây bắp lai; nghề đan đát truyền thống được vực dậy; người dân góp công sức làm đường, gắn đèn chiếu sáng, nếp sống văn hóa mới hình thành, trật tự an ninh xóm ấp được giữ vững.
Hôm nay, Thái Mỹ không còn là xã “cù lao đơn độc” và nghèo nữa. Thái Mỹ là xã nông thôn mới tiêu biểu của huyện Củ Chi và TP, đó là vì Thái Mỹ luôn vững vàng chất thép, đến tận hôm nay…
DIỆP HỒNG PHƯƠNG