Vững vàng qua gian khó

Hôm nay 13-10, tròn 10 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cho phép lấy ngày này hàng năm làm Ngày doanh nhân Việt Nam. Một thập kỷ qua là chặng đường chưa dài, nhưng đã có nhiều dấu ấn quan trọng trong quá trình đổi mới của kinh tế Việt Nam. Đội ngũ doanh nghiệp - doanh nhân đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng đi lên, ngày càng khẳng định vị trí của mình trong đời sống kinh tế, chính trị của đất nước. Nhưng cũng trong quãng thời gian vừa qua, chúng ta đã chứng kiến những bước thăng trầm của nền kinh tế gắn với sự thay đổi của khu vực doanh nghiệp.

Khi nền kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ sang kinh tế thị trường, cơ hội tiếp cận vốn rẻ, dễ dàng…, doanh nghiệp đã có bước phát triển mạnh về số lượng. Nhưng cũng chính từ sự phát triển bùng nổ có phần dễ dãi, thiếu căn cơ, bài bản, thiếu quản trị rủi ro, đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào khó khăn, phá sản. Theo số liệu của Bộ KH-ĐT, từ năm 2011 đến nay mỗi năm có tới 50.000 - 60.000 doanh nghiệp buộc phải giải thể, ngừng hoạt động. Trong 9 tháng năm 2014 tình hình còn khó khăn hơn khi 70.000 doanh nghiệp đã phải giải thể, ngừng hoạt động, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: 10 năm qua cũng là chặng đường đầy gian nan của doanh nghiệp, hàng trăm ngàn doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường, có thời điểm có tới 60% - 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi. Nhưng chính sự sàng lọc của cuộc khủng hoảng đã giúp doanh nghiệp Việt Nam định vị lại mình để điều chỉnh chiến lược kinh doanh, chăm lo quản trị, đặc biệt là quản trị rủi ro, củng cố những nền tảng của phát triển. Qua sóng gió, doanh nhân Việt đã cẩn trọng hơn, trưởng thành hơn.

Tuy vậy, để giúp cho đội ngũ doanh nghiệp - doanh nhân vững vàng qua gian khó, vẫn cần nhiều chính sách tiếp sức của Chính phủ, và quan trọng hơn là niềm tin vào sự đột phá về cải cách thể chế và một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Trên thực tế, thời gian qua đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh được đưa ra.

Trong đó nổi lên là sự quyết liệt của Chính phủ thực hiện các nội dung quan trọng trong Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia. Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp làm việc với các bộ, ngành liên quan yêu cầu cắt giảm thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển. Kết quả là từ tháng 9-2014, thời gian làm thủ tục nộp thuế của doanh nghiệp đã giảm đi hàng trăm giờ; hàng loạt thủ tục liên quan đến thông quan xuất nhập khẩu, xây dựng, đất đai, thành lập doanh nghiệp… cũng đang được rà soát để cắt giảm.

Bên cạnh đó, Chính phủ và Quốc hội đã bắt đầu xắn tay vào thực hiện chủ trương cải cách thể chế kinh doanh, cụ thể như đang tiến hành sửa đổi các đạo luật quan trọng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…

Hiện nay, nền kinh tế thế giới đang trong quá trình phục hồi, những yếu kém nội tại của nền kinh tế trong nước cũng đang dần được khắc phục với quá trình tái cơ cấu. Sắp tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập sâu hơn với kinh tế thế giới thông qua đàm phán những hiệp định thương mại có yêu cầu rất cao, như Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU… Những điều đó mang đến cho doanh nghiệp nhiều cơ hội cũng như không ít thách thức. Với sân chơi rộng, điều kiện ngặt nghèo và cơ hội lớn hơn cần có sự đồng hành của Chính phủ.

Vì thế, nhiều doanh nhân chia sẻ mong muốn thấy được quá trình cải cách môi trường kinh doanh thực sự, cải cách thể chế thực chất. Không chỉ những chính sách đưa ra, mà tư duy của những người thực hiện chính sách cũng phải được cải cách. Làm sao để thực hiện được đúng tinh thần “Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển” (Thông điệp năm mới 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng), phát huy tốt nhất quyền làm chủ của nhân dân - mục tiêu mà Hiến pháp năm 2013 đã đề ra.

Về phía doanh nghiệp - doanh nhân, trong bối cảnh hiện nay hơn lúc nào hết cần tranh thủ thời cơ, nắm bắt các quan hệ thị trường, cung - cầu, hợp tác, cạnh tranh để phát triển. Muốn vận dụng đúng, sáng tạo các quy luật kinh tế trong kinh doanh, phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ quản lý, mức độ tinh thông nghề nghiệp để có thể ứng phó với mọi tình huống.

Tại cuộc gặp đoàn “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” cuối tuần trước nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, kinh tế đất nước đang ở vào giai đoạn khó khăn nhất sau đổi mới. Đây là thời điểm đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần tỏ rõ bản lĩnh, khơi dậy được sức sáng tạo và tinh thần doanh nhân Việt, vững vàng vượt qua gian khó. Có vậy mới tiếp tục phát huy vai trò là trụ cột trong giai đoạn công nghiệp hóa hiện đại hóa, góp phần cùng Đảng, Nhà nước nâng sức mạnh của nền kinh tế, đưa đất nước trở nên giàu mạnh.

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục