Phân cấp quản lý đường cho các quận, huyện

Vùng ven: Đường càng ngày càng xấu...

Vùng ven: Đường càng ngày càng xấu...

Quyết định 132/QĐ-UB ngày 18-11-2002 của UBND TPHCM phân cấp quản lý đường, cầu cho các quận huyện. Sau 3 năm phân cấp nhưng đường ở các quận vùng ven ngày càng xuống cấp, việc đi lại khó khăn và dân phản ánh thì sửa chữa lại quá chậm.

  • Đường hỏng nhưng... chậm sửa chữa
Vùng ven: Đường càng ngày càng xấu... ảnh 1

Đường Phan Anh (quận Tân Phú) thường xuyên bị lầy lội. Ảnh: M.Q.H.

Đường Phạm Văn Bạch (đoạn qua phường 15 Tân Bình) có chiều dài độ 2km nhưng nhiều năm qua bị cày xới, làm cho con đường nhựa đã biến thành… đường đất. Mặt đường giờ là những hố nước lớn nối tiếp nhau. Mỗi khi có xe lớn chạy qua là nước bẩn cứ trào lên cả những căn nhà ven đường.

Anh Trần Minh Ninh, một cư dân trên đường, bức xúc: “Người dân nhiều lần kiến nghị lên phường, quận xin nâng cấp đường nhưng thư đã gửi, dân đã kiến nghị trực tiếp nhưng đường lầy vẫn lầy”. Cùng với đường Phạm Văn Bạch là đường Tây Sơn (phường 12 quận Gò Vấp) cũng đã bị… bùn hóa.

Quan sát mới thấy, con đường này chỉ chừng 3km nhưng có đến 78 hố nước! Người dân đã nhiều lần đề nghị nâng cấp đường nhưng không thấy sửa chữa. Nhiều người dân đã tự mua xà bần để lấp các hố nước nhưng cũng không thể giảm bớt số lượng các “ổ voi”.

Ở khu vực các quận ven như quận 2, 9, 12, Thủ Đức… có nhiều tuyến đường được trải nhựa nhưng cũng có nhiều tuyến đường ngày một xấu đi. Đơn cử, quận 12 có trên 440 con đường thì thành phố quản lý 12 tuyến, quận quản lý 84 tuyến và phường quản lý trên 360 tuyến. Trong số đường do quận quản lý chỉ có 6 tuyến được trải bê tông nhựa nóng, số còn lại thì có gần 10 con đường lớn có “thâm niên” lầy lội, trong đó nặng nhất là đường Tô Ngọc Vân, Tô Ký, Lê Thị Riêng, Nguyễn Ảnh Thủ…

  • Quản lý nhiều, ít kinh phí!

Theo số liệu mới đây nhất của Sở Giao thông - Công chính (GTCC) TPHCM, trên toàn thành phố có 3.150 tuyến đường, trong đó các quận huyện quản lý 2.670 tuyến đường, chiếm khoảng 80%. Tại các quận vùng ven, số lượng đường được phân cấp cho quận quản lý nhiều hơn: quận Thủ Đức quản lý 71 tuyến; Tân Phú là 20/147; quận 9 là 6/232; quận Gò Vấp là 18/169; quận 12 là 12/84 tuyến… Nghịch lý bởi lẽ: các quận quản lý nhiều đường lớn nhưng đường ngày càng xuống cấp. Vì sao?

Đúng như những gì người dân phản ánh, kiểm tra từ ngày 19 đến ngày 30-6-2005, Sở GTCC đã kết luận: sau khi phân cấp, công tác duy tu bảo dưỡng thường xuyên hệ thống cơ sở hạ tầng chưa được quan tâm đúng mức, làm chậm hoặc không làm dẫn đến phát sinh nhiều ổ voi, ổ gà. Theo ông Trần Minh Dũng, Phó Giám đốc Sở GTCC, phân cấp quản lý là một chủ trương đang được thành phố tích cực thực hiện.

Việc phân cấp đã thực hiện từ 3 năm nay, tuy nhiên bộ máy quản lý, điều hành của cấp quận huyện vẫn không theo kịp yêu cầu đặt ra, từ nhân sự, trình độ quản lý đến cơ chế hoạt động. Mặc dù theo quy trình kỹ thuật thì hàng tháng, năm đều phải kiểm tra, theo đó ngoài sửa chữa nhỏ thì cứ 5 năm phải trùng tu, 10 năm phải sửa chữa lớn. Thế nhưng, các quận ven đã không tuân thủ theo điều này nên dẫn đến đường xuống cấp. Có thể nói trách nhiệm này trước hết thuộc về UBND các quận huyện.

Các quận ven đã giải thích vấn đề này như thế nào? Ông Nguyễn Văn Của, Phó Chủ tịch UBND quận 12, nói: “Quận đã tăng cường thêm 4 biên chế cho quản lý giao thông, thường xuyên tổ chức nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ nhưng đường nhiều mà kinh phí lại quá ít nên nhiều lúc phải… đứng nhìn đường hỏng”. Được biết, quận 12 được phân cấp quản lý 84 tuyến đường với chiều dài trên 80km. Thế nhưng, nguồn kinh phí thành phố cấp cho quận để duy tu, bảo dưỡng đường mỗi năm chỉ có 3,2 tỷ đồng.

Do thiếu tiền, quận không thể tập trung sửa chữa lớn mà chủ yếu là dặm vá nên làm chỗ này lại hư chỗ khác. Ông Của cho biết thêm, kinh phí ít mà cơ chế quản lý cũng bất cập. Mỗi khi công nhân phát hiện ra đoạn hư hỏng thì phải làm tờ trình, báo cáo… cho đến khi được phê duyệt thì lỗ hổng từ miếng nhỏ đã thành vũng lớn. Để việc phân cấp tốt, ngoài việc tăng thêm kinh phí duy tu bảo dưỡng phải tăng thêm sự chủ động cho cơ sở. Có như vậy, mới phát huy được tính tích cực của cơ chế phân cấp.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục