
Trong chuyến du khảo 1.000 km bằng xe ba bánh qua các tỉnh miền Tây Nam bộ, chúng tôi đã chứng kiến những hình ảnh sống động nhất về ý chí, nghị lực phi thường của những người khuyết tật (NKT) để vượt qua nghịch cảnh, vươn lên và hội nhập.
- “Chân nhỏ” chinh phục “đường xa”

Giám đốc trẻ Minh Văn.
Nguyễn Minh Văn (Khánh Hòa) chỉ còn chân trái là khỏe mạnh. Trải qua 8 năm trời hết giải phẫu, châm cứu cho đến vật lý trị liệu, phục hồi chức năng… Văn mới thoát khỏi cảnh nằm một chỗ. Văn tâm sự: “Đi học thật khổ, ngồi nhìn các bạn ra chơi ngoài sân trường, em ứa nước mắt khao khát. Cặp nạng nhỏ xíu mà ba tự làm cho em hay bị chúng bạn lấy làm… gậy đánh nhau. Vì vậy, lên đến cấp 3, em tập đi cà nhót để bỏ nạng luôn”. Bây giờ, sau khi làm quen với máy vi tính, rồi đậu ĐH Thủy sản Nha Trang, chàng Văn què năm nao nay là anh kỹ sư CNTT. DNTN Minh Văn mới ra đời chưa tròn tuổi mà đã nức tiếng ở Nha Trang. Mỗi tháng, doanh nghiệp của Văn bán ra khoảng 100 máy tính.

Ai đã một lần xem phim “Xe lăn” sẽ không thể quên gương mặt khả ái và giọng hát truyền cảm của nữ diễn viên chính Phạm Phương Dung. Quê ở Lâm Đồng, Phương Dung bước vào nghề ca hát do đam mê. Em lần lượt chiếm giải cao ở hầu hết các giải ca hát của xứ sở hoa đào. Dung kể: “Sau khi đoạt giải Tiếng hát PTTH Lâm Đồng, em vào Sài Gòn thuê nhà ở với chị ruột. Chị phải nghỉ học rất sớm, làm việc cật lực để em đạt được ước mơ”.
Chuyện trở thành ca sĩ của Dung rất tình cờ. Hôm đó, phòng trà thiếu người hát “bè”, cô ca sĩ “vơđét” ngồi chờ tỏ ra sốt ruột vì còn bận “sô”, Dung đánh bạo xin “bè” thay. Bất chấp cái nhìn nghi ngờ của chủ quán và sự khó chịu của người ca sĩ nọ, Dung đã khiến tất cả thính giả phòng trà phải ngỡ ngàng vì chất giọng và còn vì hoàn cảnh thực tế: hát trên đôi nạng. Từ đó, em trở thành ca sĩ chính của phòng trà, lại thêm ba, bốn nơi có “gu” nhạc Trịnh, nhạc Ngô Thụy Miên… mời hợp tác. Có tiền, Dung quay lại nuôi người chị tần tảo của mình học hết bổ túc rồi lên tiếp cao đẳng.
Với phim “Xe lăn”, nghe đâu trước đó đạo diễn đã định chọn một diễn viên chuyên nghiệp. Còn 1 tuần nữa bấm máy quay thì đạo diễn mới tình cờ biết Dung. Anh chờ từ 5 giờ chiều đến 8 giờ tối trước cửa phòng trà mà em đang hát để thuyết phục và giao kịch bản… Sự thành công của bộ phim không chỉ được đánh dấu bằng chiếc Huy chương vàng LHP truyền hình toàn quốc mà còn ở việc tạo dấu ấn trong lòng người xem.
- Con đường đi tìm hạnh phúc
Ngồi sau xe ba bánh, chị Đặng Thị Ngọc Ánh cứ rút ĐTDĐ liên tục gọi về nhà (Đà Nẵng) vì nhớ cháu Đặng Anh Tú. Bại liệt từ nhỏ, Ánh cố gắng tìm cho mình một cái nghề thích hợp là thợ may để có thể tự lo cho bản thân và còn dạy nghề, tạo việc cho 4 NKT.

Chị Đặng Thị Ngọc Ánh.
Nhiều khán giả miền Trung hẳn còn nhớ những trận cầu lông ở Paragames vừa rồi, Ánh vượt qua đối thủ người Thái, đoạt Huy chương bạc, đó là hạnh phúc thứ… nhì trong đời chị. Còn hạnh phúc lớn nhất chính là đứa con 3 tuổi mang họ mẹ, cháu Đặng Anh Tú. Chị khóc nhiều khi kể cho tôi nghe chuyện phải tự kiếm một đứa con làm nguồn an ủi khi về già, lúc mới sanh, con còn khóc ngằn ngặt đã phải bồng con ra khỏi nhà để tránh điều tiếng.
Trong đoàn Đà Nẵng tham gia du khảo lần này có anh Trương Công Nghiêm bị liệt cả hai chân, còn chị Hoàng Thị Hiền chỉ còn một chân trái. Họ gắn bó trên chiếc xe ba bánh hiệu Citi được chế tạo thêm cần vô số bằng tay. Họ yêu nhau lúc chị Hiền từ Tam Kỳ (Quảng Nam) ra Đà Nẵng, tìm đến Hội Thanh niên khuyết tật ở đây để sinh hoạt vì quê chị chưa có một tổ chức nào dành cho người tàn tật. Nghiêm kể: “Tiền mình thì đâu nhiều, đến kỳ lãnh lương mới gọi điện thoại liên tỉnh cho nàng, bữa nào cũng đói bụng nhưng no tình”.
Chị Hiền chen vào: “Ảnh chở em đi chơi đến 9giờ là chia tay, rồi phải chạy về Đà Nẵng. Tuần nào cũng rứa”. Chuyện đến tai gia đình Hiền. Thương chị, họ ra sức ngăn cản, cấm đoán với lý do: “Với một tiệm vàng (Bảo Tín), con dư sức gửi ngân hàng ăn cả đời, tội chi phải lấy chồng. Rồi cả hai tật nguyền rứa thì ai lo nổi cho ai, chỉ khổ cha mẹ”. Đâu ai hiểu được khát vọng yêu và chia sẻ tình cảm giữa hai kẻ tật nguyền. Không gặp được nhau ở quán thì họ gặp nhau trên xe buýt, trong buổi chợ sớm. Mới đây, tháng 9-2004, cả hai lén ra UBND phường đăng ký kết hôn. Xong, cô dâu tay trắng theo chồng ra hẳn Đà Nẵng phụ nghề in. Xưởng in No Trung tại Đà Nẵng của vợ chồng họ đang giải quyết việc làm cho chục thợ đều là người khuyết tật tay chân, khiếm thính.
- “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng”!
Mấy năm làm đầu bếp, Trần Hoa Chánh đã dành dụm được 2,5 lạng vàng để mua vài món nữ trang, sắm 8 mâm quả và một cặp gối hồng thêu hình loan phụng, sửa sang nhà cho cha mẹ chờ đón dâu. Bữa đó, mưa lâm râm, hai người trẻ yêu nhau tíu tít bàn chuyện cưới xin, Chánh cố nép vào lề đường 3-2 tránh tiếng còi hơi của xe tải đằng sau. Bỗng có tiếng va chạm rợn người… Chánh kinh hoàng kể: “Thấy bánh xe tải lướt tới, tôi muốn chạy mà không kịp, nó cán ngang người và xe, cán nát chân phải của tôi rồi nghiến lên chân trái”.

Trần Hoa Chánh.
Người ta đưa Chánh vào một bệnh viện gần đó, chi phí mổ đến 3 triệu và phải đóng ngay lập tức. Mẹ Chánh tháo chiếc nhẫn 2 chỉ vàng đeo trên tay, cộng thêm chiếc nhẫn 5 chỉ trên tay đứa con trai đang thiêm thiếp nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu và câu nói lạnh lùng: “Tiền mặt”. Bà tất tả đi bán vàng, hoàn thành xong các thủ tục thì kim đồng hồ đã chỉ 17g30’. Cái chân phải nhiễm trùng quá lâu không cứu vãn được, phải cưa ngang phía trên đầu gối. Chân trái thì không bao giờ còn bình thường nữa.
Tàn tật rồi, Chánh nói với người yêu: “Đồ cưới không biết bao giờ mới xài tới, thôi em bán mấy món nữ trang để mua chiếc Cub 78 chạy đi làm”. Cô người yêu gục đầu khóc như mưa nhưng mưa kéo dài mấy rồi cũng tạnh. Những lời bóng gió của cha mẹ vợ tương lai, những cử chỉ nhạt dần của người yêu làm Chánh quay quắt ngày đêm. Có lúc, anh định quyên sinh. Giọt nước buồn tủi tràn đầy ly là lúc Chánh bắt gặp người yêu đi chơi với bạn trai khác. Anh chủ động chia tay để nàng khỏi khó xử. Ngày cưới của… vợ hụt, Chánh ngồi trong taxi, nhìn qua bên đường, nơi có một đôi uyên ương đang đón khách, khóc ròng!
Bây giờ, nhìn bên ngoài, ít ai biết anh là NKT. Cái quần jean bụi bặm, áo ký giả khoác ngoài, trên chiếc... Suzuki Sport hai bánh, trông Chánh yêu đời và tự tin vô cùng bởi anh đã làm chủ một shop thời trang lớn, đã xây nhà cho cha mẹ và xài một lúc 2 ĐTDĐ. Cũng như nhiều NKT khác, Chánh đã vươn lên từ “vực thẳm” của cuộc đời.
DƯƠNG MINH ANH