Vướng mắc chuyển công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1

Chuyển đổi công năng khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 thành khu đô thị, thương mại dịch vụ nhằm cải tạo cảnh quan môi trường và giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai là chủ trương đã được tỉnh Đồng Nai đề ra từ năm 2007. Nhưng đã hơn 10 năm, dự án này vẫn chưa triển khai được.
Khu công nghiệp Biên Hòa 1
Khu công nghiệp Biên Hòa 1

KCN Biên Hòa 1 ra đời năm 1963, là KCN lâu đời nhất ở nước ta với tổng diện tích 323ha. Mỗi ngày, các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây xả hơn 9.000m3 nước thải, trong đó, có khoảng 1.000m3 được đấu nối qua KCN Biên Hòa 2 để xử lý; phần còn lại các doanh nghiệp tự xử lý rồi thải trực tiếp ra sông Đồng Nai. Tình trạng này khiến nguồn nước sông Đồng Nai bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người dân vùng Đông Nam bộ.

Do vậy, năm 2007, Tỉnh ủy Đồng Nai cho chủ trương thực hiện đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 và đến tháng 10-2009, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 307 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị thương mại dịch vụ. Tiếp đến tháng 2-2014, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 260 đồng ý cho UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt đề án theo quy định hiện hành. Được UBND tỉnh Đồng Nai giao, Tổng công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) đã xây dựng đề án với tổng kinh phí hơn 15.700 tỷ đồng. Vậy nhưng, hơn 10 năm qua, đã có nhiều cuộc họp từ trung ương đến địa phương liên quan đến đề án này, kết quả đến nay vẫn giậm chân tại chỗ.

Hiện KCN Biên Hòa 1 có 152 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, 17 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Số lao động đang làm việc tại đây hơn 21.000 người. Ngoài ra, trong phạm vi thực hiện đề án, còn khoảng 300 hộ dân đang sinh sống. Để thực hiện đề án, Đồng Nai sẽ phải thực hiện di dời tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh và các hộ dân đang sinh sống trong khu vực này. Thế nhưng, chủ trương vẫn đang tiếp tục bàn thảo, nên tất cả vẫn phải chờ.

Ông Nguyễn Văn Quỳnh (người dân ở khu phố 7, phường An Bình, TP Biên Hòa) cho biết, nhà cửa ở khu vực này xây dựng từ năm 1959, đến nay đã xuống cấp nhiều, nhưng nhà nước quy định không cho sửa chữa nên người dân phải sống trong cảnh nhà cửa dột nát, đường sá đi lại khó khăn. 

Vướng mắc lớn nhất khi tiến hành thực hiện đề án trên được xác định là việc đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch hệ thống các KCN Việt Nam. Năm 2018, cơ quan chức năng Đồng Nai nhiều lần họp bàn, dự định sẽ đóng cửa KCN Biên Hòa 1 vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định, văn bản pháp luật liên quan thì việc đóng cửa không khả thi, thiếu cơ sở pháp lý. Bởi, Nghị định 82 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế (có hiệu lực từ ngày 10-7-2018) không có quy định về việc đóng cửa, chấm dứt hoạt động KCN, khu kinh tế. Do vậy, để chấm dứt hoạt động KCN Biên Hòa 1, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao các đơn vị liên quan lập hồ sơ trình Chính phủ chỉnh sửa quy hoạch, đưa KCN này ra khỏi quy hoạch hiện tại, từ đó có cơ sở pháp lý thực hiện đề án di dời. Và việc lập quy hoạch mới để trình duyệt lại cần nhiều thời gian, nên đến nay, các ngành chức năng vẫn đang bàn bạc, chưa xác định được thời gian cụ thể để đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch.

Cũng vì chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nên chưa có cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ cụ thể. UBND tỉnh Đồng Nai đã giao nhiệm vụ cho Sở Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách, chế độ bồi thường, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người lao động và người dân khi thực hiện di dời KCN Biên Hòa 1. Nhưng đến thời điểm này, Sở Tài chính Đồng Nai vẫn chưa đưa ra được khung chính sách bồi thường, hỗ trợ cụ thể. 

Tin cùng chuyên mục