Vướng quy hoạch: Kiểu nào cũng khổ

Vướng quy hoạch: Kiểu nào cũng khổ

Lập quy hoạch là việc cần phải làm cho sự phát triển bền vững ở mỗi địa phương. Thế nhưng, thời gian qua, do cách làm chưa hợp lý, hai chữ “quy hoạch” đã là nỗi ám ảnh của không ít người dân…

Dùng không được mà bán cũng không xong

Vướng quy hoạch: Kiểu nào cũng khổ ảnh 1
Người nông dân sống chủ yếu bằng lợi tức thu được từ trồng trọt. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Nghe tin có người đến nhà hỏi mua đất, người đàn bà tên H. ở phường 7 thành phố Đà Lạt tất tả chạy từ vườn rau, cách nhà gần 500m về ngay. Đôi tay còn lấm lem đất, chị chân tình nói với người mua đất “tôi biết bán đất là mất nhưng già rồi, làm vườn không nổi nữa, thôi thì bán đi để có chút tiền dưỡng già và cho con cháu chút vốn làm ăn”.

Miếng đất của chị khá đẹp, nằm trên một quả đồi nhìn ra núi Lang-bi-an, có giấy “đỏ” đàng hoàng nên chẳng trả giá nhiều, tôi đồng ý mua ngay. Cả hai kéo nhau ra phường làm giấy tờ. Thế nhưng, tại đây cả hai mới té ngửa… đất của chị nằm trong quy hoạch xây dựng một khu đô thị nghỉ dưỡng. Tôi buồn còn chị… méo mặt. Chị nói như muốn khóc: “Người ta cứ mua bán ầm ầm đấy, em mua đi, chị bán rẻ cho”.

Thương chị nhưng trước viễn cảnh bị… quy hoạch tôi cũng chẳng mặn mà. Người cán bộ địa chính phường nói thêm một tiếng cho chị “đất quy hoạch nhưng chưa có quyết định thu hồi nên vẫn mua bán được” song tôi vẫn không thay đổi ý kiến. Tôi an ủi chị “thôi thì chị lại tiếp tục trồng rau, hàng năm cũng thu khối tiền”. Trả lời tôi trong nước mắt, chị buộc miệng nói “mấy năm rồi trồng trọt đâu còn lời lãi nữa…”. Người môi giới mua, bán đất vội bấm tay chị… chị im ngay nhưng điều ấy, lúc này đâu còn ý nghĩa gì nữa.

Cậu thanh niên tên T. ở phường 4 thành phố Đà Lạt có trên 2.000m2 đất nông nghiệp nằm trên một ngọn đồi, đối diện với hàng cáp treo của thành phố Đà Lạt, lại chẳng giấu giếm ý muốn bán nhanh mảnh đất của mình. “Tôi cần tiền sửa nhà, mua xe…” anh nói. Thấy tôi không đủ tiền mua cả mảnh đất, anh ngẫm nghĩ một lúc rồi quyết luôn “mua nửa cũng được, thích chọn phần nào thì chọn”. Tôi chọn phía đất đẹp nhất, lại đòi anh cho thêm 4m đất trong phần còn lại làm đường, anh ừ luôn. Một cuộc mua bán chóng vách đến không ngờ. Thế nhưng, ra phường làm giấy tờ… mảnh đất của anh cũng nằm trong quy hoạch xây dựng một chùm biệt thự song lập. Tôi buồn còn anh thất thần… cái thất thần y hệt chị H. Mảnh đất của anh T. đang trồng dâu tây, khi đi xem đất, tôi đã hái vài trái ăn, trái rất ngọt nhưng anh T. càu nhàu “đắng thì có”.

Theo anh T., trồng dâu lời vài trăm ngàn đồng/vụ, không bõ công chăm bón nên anh muốn bán đi mua chiếc xe máy để chạy xe ôm. Lên xe đi về, quay đầu lại tôi còn thấy anh T. đứng buồn bã trên mảnh đất của mình. C., tên người môi giới đất đai cho tôi biết “đã gặp không ít trường hợp như thế”. Chỉ với 1.000m2-2.000m2 đất, lại nằm giữa thành phố Đà Lạt nên người nông dân không thể sản xuất lớn. Mảnh vườn bé tí với vài cây dâu tây thì làm sao mà giàu có được? Anh C. nói.

Hướng đi nào cho người nông dân?

Mảnh đất của anh T. cũng chưa có quyết định thu hồi nên vẫn có thể mua bán được như đất chị H. Thế nên, ngay tối hôm đó, anh T. tìm đến chúng tôi… năn nỉ bán. Anh đồng ý giảm giá xuống còn 2/3… Cảm thông với anh nhưng tôi cũng đành từ chối. Miếng đất của anh giấy tờ đầy đủ nhưng chỉ là đất nông nghiệp.

Với miếng đất này, tôi không thể xây cất nhà cửa mà làm nông thì không phải nghề của tôi. Không nản chí, hôm sau anh tới nữa và cho biết “quy hoạch còn lâu mới làm, mà cũng có khi bỏ luôn nữa...”. Thực tế cũng đã xảy ra những trường hợp tương tự, nên hôm sau tôi trở lại UBND phường 4. Bản đồ quy hoạch chi tiết phường 4 được treo công khai trong UBND phường nhưng bao giờ thực hiện quy hoạch thì không ai trả lời được.

Để tránh rơi vào tình huống khó xử như ở phường 4 và 7, trước khi đến xã Xuân Thọ cũng của thành phố Đà Lạt, tôi đã hỏi trước quy hoạch ở đây. Khu này, về cơ bản sẽ dành cho người dân tự xây dựng nhà cửa… hơn nữa, bị mê hoặc bởi những bụi cúc Nhật Bản mọc vàng rực khắp xã Xuân Thọ, tôi quyết định hỏi mua đất ở đây. Một lão nông dân khoảng 70 tuổi giới thiệu khu vườn cần bán cho tôi. Miếng đất của ông rộng hơn 2.000m², bề rộng mặt tiền 15m, phía sau nở hậu ra đến gần 40m. Tôi không mua hết đến từng đó mà chỉ cần khoảng 1.000m. Cụ không đồng ý vì cắt đôi, miếng đất sẽ méo.

Tối đó, về khách sạn chưa kịp nghỉ ngơi, tôi đã phải tiếp một người khách, đó là con trai của cụ. Không quanh co, cậu thanh niên nói ngay với tôi “mua nửa cũng được, tôi sẽ bảo ông già chia đôi, tôi đang rất cần tiền cưới vợ”. Tôi lo ngại “miếng đất sẽ méo thì sao? Mà mua thì tôi sẽ mua hết cả 15m đất mặt tiền, phần còn lại nằm sâu phía trong, anh sẽ làm gì?”. “Làm gì tính sau” cậu ta nói.

Theo cậu ta, mấy năm nay, trồng rau đâu còn lời bao nhiêu mà mọi thứ chi tiêu của người nông dân đều trông vào đấy. “Vậy nên chúng tôi mới phải bán đất” anh ta nói. Nhìn thái độ nôn nóng của cậu, tôi cũng thấy thương nhưng nếu tôi mua một nửa chỗ đất đẹp nhất thì với phần còn lại người nông dân sẽ bán cho ai hay trồng gì để lo cho cuộc sống? Tôi không thể làm điều đó được. Thế nhưng, nếu tôi không mua thì liệu ông cụ có tìm được người mua ngay cả miếng đất để kịp có tiền làm đám cưới cho con trai? Câu hỏi đó cứ day dứt tôi mãi khôn nguôi…

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục