Vượt khó ở lớp xóa mù

“Đọc chữ, viết chữ thật khó khăn, khó hơn may gia công và những việc khác. Tôi làm gãy 2-3 cây viết mà chẳng thành nét chữ, có lúc tôi cũng định bỏ học”, đó là những chia sẻ chân thành của chị Trương Thị Thanh Hương (ấp 4, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè) về những ngày đầu tham gia lớp xóa mù chữ của xã. Sau hơn 3 năm miệt mài theo lớp, chị đã biết đọc chữ khi xem ti vi, biết viết đơn xin nghỉ phép cho mấy đứa con mình.

“Đọc chữ, viết chữ thật khó khăn, khó hơn may gia công và những việc khác. Tôi làm gãy 2-3 cây viết mà chẳng thành nét chữ, có lúc tôi cũng định bỏ học”, đó là những chia sẻ chân thành của chị Trương Thị Thanh Hương (ấp 4, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè) về những ngày đầu tham gia lớp xóa mù chữ của xã. Sau hơn 3 năm miệt mài theo lớp, chị đã biết đọc chữ khi xem ti vi, biết viết đơn xin nghỉ phép cho mấy đứa con mình.

Căn nhà cấp 4 cũ kỹ ở địa chỉ 64/6/35 thuộc ấp 4 là mái ấm của vợ chồng chị Hương cùng 3 con nhỏ. Chồng chị có nghề phụ hồ “giắt lưng”, đi làm bữa được bữa không. Chị may mắn hơn, xin vào làm may gia công cho một xưởng may nhỏ dưới thị trấn. Gánh nặng gia đình, rồi chuyện học hành 3 đứa con nhỏ oằn lên vai đôi vợ chồng trẻ. Bởi thế, con chữ dường như là thứ xa xỉ. Chị nhớ lại: “Trước đây do hoàn cảnh gia đình nghèo, anh chị em đông, tôi không được học chữ. Do vậy, mỗi lần tổ dân phố mời họp hay cần ra xã chứng giấy tờ, tôi phải nhờ chồng hoặc người thân làm giúp, thậm chí không biết cả ký tên. Cũng có lần, khi dò danh sách cử tri niêm yết tại văn phòng của ấp để bầu cử, tôi cũng không biết tên mình viết ra sao nên cứ đi đi lại lại mà không dám lại gần, thật mặc cảm”.

Biết rằng không có chữ sẽ thua thiệt, nhưng ở cái tuổi gần 40, có chồng có con nhỏ, thời gian đâu mà học. Năm nào cũng có sinh viên tham gia chương trình Mùa hè xanh về mở lớp, nhưng chị cũng không thể tham gia. Chị kể: “Mãi đến năm 2009, khi tham gia vào Hội Nông dân xã, được các chị cho vay vốn để chăn nuôi heo và vận động tôi học lớp xóa mù chữ tại ấp để có thêm kiến thức. Cũng từ ngày đó, đêm tôi nhận may gia công thêm để có thu nhập, dành 3 buổi trong tuần còn lại để theo học”.

Nhưng viết chữ còn khó hơn cả may gia công. Gãy hết bút mà chưa thành chữ, chị nản, muốn bỏ học. Nhưng rồi, hết cô giáo ở trường nghề, lại đến anh bí thư xã đoàn tìm đến động viên giúp đỡ, chị lại có động lực tiếp tục phấn đấu. Chỉ mất 1 năm, chị học xong chương trình xóa mù. Để thêm niềm tin cho việc học, chồng cùng đứa con lớn cũng xung phong làm “gia sư” giúp chị viết chữ mỗi đêm. Nhờ thế, đến năm 2013, chị đã hoàn thành chương trình giáo dục tiếp tục sau khi viết chữ và đang chờ được cấp giấy chứng nhận. “Tôi cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc hơn khi biết chữ. Giờ tôi đã có thể tự làm đơn xin gắn đồng hồ nước, tự ký tên mình. Có chữ, tôi đọc nhiều hơn, biết nhiều hơn để dạy con”, chị Hương phấn khởi.

Cô Hoàng Thị Kim Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng thị trấn Nhà Bè, đồng thời là giáo viên trực tiếp đứng lớp xóa mù tại ấp Phú Xuân thừa nhận việc mở lớp và duy trì lớp xóa mù tại huyện gặp không ít khó khăn. Có nhiều em đang học, bỏ ngang để đi làm. Cũng có nhiều hôm chồng nhậu say, các chị buồn bực cũng bỏ lớp. Bởi thế, việc duy trì các buổi học liên tục không nhiều.

“Không chỉ học cho mình, Hương còn tự chủ động đến nhà, vận động người dân tham gia lớp học. Những ai không đi thường xuyên, Hương cũng tìm đến giúp đỡ cách học cách viết. Từ đó, ở ấp 4 hình thành nên phong trào người biết chữ dạy lại người chưa biết chữ. Kết quả, năm nào ấp 4 cũng có 70% số học viên lớp xóa mù vượt qua kỳ thi để lên lớp cao hơn. Những người như Hương xứng đáng là tấm gương cho người dân trong huyện học tập”, cô Hoàng Thị Kim Nhung cho biết thêm.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục