Vượt khó và phục hồi

Chính phủ đang triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) nhằm chống suy thoái kinh tế, duy trì tăng trưởng. Bên cạnh các giải pháp vĩ mô, ở góc độ vi mô, mỗi DN đều tự tìm cho mình những biện pháp ứng phó phù hợp. 

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cuối tháng 3 vừa qua, hầu hết DN đều tích cực và chủ động triển khai các biện pháp chống dịch, đồng thời cố gắng nỗ lực cao nhất để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, 73% DN đã kịp thời có chính sách hỗ trợ người lao động; 46% DN không cắt giảm lao động nhưng giảm giờ làm; 42% DN tranh thủ thời gian dịch bệnh để đào tại lại nhân lực; 41% DN tổ chức làm việc tại nhà…

Những giải pháp nêu trên liệu đã đủ? Các chuyên gia của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report - công ty hoạt động ở lĩnh vực báo cáo đánh giá xếp hạng DN, sản phẩm và dịch vụ) tại một báo cáo đưa ra ngày 14-4, nhận xét, trong các cuộc khủng hoảng, DN sẽ trải qua 4 giai đoạn để thích ứng và vượt qua, gồm: phát hiện vấn đề; ra quyết định; lập kế hoạch đối phó; triển khai thực hiện. Tuy nhiên, với tính chất phức tạp, khó dự đoán như dịch Covid-19 thì 4 quy trình trên có thể không diễn tiến như thông thường. 

Cũng theo Vietnam Report, để tồn tại trong dịch Covid-19 và rút ngắn thời gian hồi phục sau khi dịch đi qua, các DN nên bắt đầu xây dựng quy trình hành động dựa trên mô hình 5 giai đoạn theo McKinsey - công ty tư vấn quản lý toàn cầu của Mỹ. Thứ nhất là tập trung giải quyết các thách thức trước mắt mà Covid-19 gây ra với người lao động, khách hàng, công nghệ và đối tác kinh doanh. Thứ hai là tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý dòng tiền ngắn hạn và kéo dài sức chịu đựng trong thời kỳ khó khăn. Thứ ba là xây dựng kế hoạch chi tiết để phục hồi kinh doanh nhanh nhất có thể sau khi tốc độ lây lan của dịch giảm và các tác động dây chuyền trở nên rõ ràng hơn. Thứ tư là tái định hình giai đoạn tiếp theo. Thứ năm là cải tổ và đổi mới.

Để làm được điều đó, các DN nên khai thác và phát triển các ưu tiên chiến lược như: cắt giảm chi phí tối đa; phát triển chuỗi cung ứng trong nước; chuyển đổi số trong DN; chuyển đổi mô hình kinh doanh, đổi mới cách thức marketing; hỗ trợ và bảo vệ nhân sự trong bối cảnh mới; theo dõi các chỉ số và tình hình tiến triển của dịch cũng như triển khai việc lập kế hoạch các kịch bản ứng phó; tính đến các khả năng sau dịch…

GS John Quelch, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard (Mỹ), đưa ra lời khuyên, trong chiến lược ứng phó với Covid-19, lãnh đạo DN, nhất là các DN lớn cần phải bình tĩnh trong khủng hoảng; tự tin để dẫn dắt DN vượt khó; truyền thông chủ động để tránh sự phát tán và lan truyền các tin đồn thất thiệt; tăng sự phối kết hợp giữa các bộ phận, giữa các cấp nhân sự trong công ty… Trong đó, vấn đề cốt lõi là sức mạnh tài chính của DN. Sức mạnh tài chính ngắn hạn và dài hạn của DN là điều quan trọng bởi vì không chỉ nhân viên mà các khách hàng, đối tác cũng sẽ nhìn vào điểm này đầu tiên để cân nhắc tương lai hợp tác lâu dài.

Trước sự bùng phát của dịch Covid-19, khó khăn kinh tế toàn cầu đang diễn biến rất nhanh và nghiêm trọng. Suy thoái kinh tế toàn cầu không còn là nguy cơ mà đã dần hiện hữu. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế năm 2020 sẽ ở mức âm. Kinh tế Việt Nam có khả năng bị tác động tiêu cực nặng nề bởi dịch. Do đó, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, theo các chuyên gia, DN cần phải chủ động xây dựng quy trình hành động, chiến lược thích ứng, đồng thời lên các kịch bản để sẵn sàng cho tình huống xấu nhất và chuẩn bị tốt nhất để phục hồi nhanh chóng trong kịch bản khả thi nhất.

Tin cùng chuyên mục