“Vượt qua bến Thượng Hải” - Dung dị, sâu sắc

“Vượt qua bến Thượng Hải” - Dung dị, sâu sắc

Sau nhiều lần dời ngày công chiếu, ngày 9-12, phim “Vượt qua bến Thượng Hải” đã chính thức ra mắt khán giả tại Hà Nội. Khác hẳn so với thường lệ khi công chiếu phim trong nước, khán phòng Trung tâm Chiếu phim quốc gia chật kín. Có thể nói, “Vượt qua bến Thượng Hải” đã vượt qua cách làm phim lịch sử về lãnh tụ thông thường, khắc họa được một lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gần gũi, rất đời.

Một cảnh trong phim

Một cảnh trong phim

Là một trong số rất ít khán giả tham dự buổi công chiếu ra mắt bộ phim Vượt qua bến Thượng Hải, nhà văn Hoàng Quảng Uyên đã không nén nổi xúc động. Ông nhấn mạnh: Chúng ta đã được xem rất nhiều phim lịch sử về Bác, song nếu các phim trước được coi là minh họa cho nhân vật trong lịch sử thì Vượt qua bến Thượng Hải là một tác phẩm điện ảnh đích thực. Câu nói thường được người làm nghệ thuật ví von rằng “lịch sử là cái đinh để treo bức tranh” đã rất thích hợp trong trường hợp này. Chưa bao giờ, ngôn ngữ điện ảnh lại được tận dụng có hiệu quả đến như vậy trong một phim về lịch sử, hình ảnh Bác hiện lên thật dung dị, gần gũi. Bộ phim đã dẫn dắt câu chuyện lịch sử dưới góc nhìn của người nghệ sĩ, của người làm điện ảnh.

Lấy bối cảnh diễn ra vào năm 1933, bộ phim Vượt qua bến Thượng Hải là hành trình của Nguyễn Ái Quốc từ Hồng Công tới Hạ Môn, Thượng Hải (Trung Quốc), rồi tìm đường sang Liên Xô. Nhưng đó là cuộc hành trình đầy nguy hiểm, gian khổ, Người luôn phải đối mặt với bọn mật thám Pháp và Quốc dân đảng Trung Quốc ráo riết săn lùng.

Ngoài việc bám sát vào những sự kiện, chi tiết có thật trong lịch sử, Vượt qua bến Thượng Hải đã rất thành công khi xây dựng nhiều nhân vật, tình tiết hư cấu để tăng thêm tính hấp dẫn.

Theo nhà biên kịch Hà Phạm Phú: đó là những người không có thật, song chính họ, như vai Phương Thảo, lại là hình tượng được xây dựng đại diện cho các tầng lớp người dân Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên, tình cảm của một người phụ nữ (dù là hư cấu hoàn toàn) đối với Nguyễn Ái Quốc được thể hiện rõ nét trong một bộ phim. Khán giả sẽ cảm nhận được tình yêu của nữ bác sĩ Phương Thảo đối với Nguyễn Ái Quốc khi cô biết “anh Tư” (tên Bác khi hoạt động ở Thượng Hải) chưa chết, trong bước chân chạy vội đến chăm sóc cho Người, trong cái nắm tay khi Người nằm viện… Những chi tiết này đã tạo nên một câu chuyện hấp dẫn, cảm động về một giai đoạn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Phim được làm cẩn thận với những bối cảnh phố phường Thượng Hải những năm 1930, bến cảng Thượng Hải sầm uất. Bộ phim có sự hợp tác của đạo diễn, diễn viên Trung Quốc và bối cảnh được quay tại Trung Quốc; hậu kỳ hoàn toàn do ê kíp Việt Nam thực hiện. Bộ phim đã vượt qua rào cản về ngôn ngữ, về sự sách biệt văn hóa để khắc họa hình ảnh dung dị về Bác.

Tiếc thay, giá như đạo diễn “cứng” tay hơn nữa trong một vài tình huống được coi là cao trào của tác phẩm như cái chết của Phương Thảo và anh trai…, bộ phim sẽ trọn vẹn hơn nhiều. Song dù vậy, vẫn không thể phủ nhận rằng Vượt qua bến Thượng Hải đã mở ra một con đường làm phim hoàn toàn mới về Bác như nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định.

Ông cho biết, Vượt qua bến Thượng Hải là một tác phẩm nghệ thuật đã khắc họa thành công hình tượng về nhân vật lịch sử trong bối cảnh lịch sử và quan trọng hơn cả là bộ phim đã chuyển tải thành công tinh thần lịch sử vào thời điểm bấy giờ. Với sự sáng tạo không ngừng của người nghệ sĩ, bộ phim đã đưa tới những hình ảnh đầy đặn hơn về chân dung Bác. Khi đọc kịch bản của bộ phim này, tôi ngỡ như mình đang mơ thì nay, khi xem xong tác phẩm, tôi thấy giấc mơ của mình trở thành sự thật.

Ngày 17-12, phim sẽ đồng loạt được trình chiếu tại Hà Nội và TPHCM.

Vĩnh Xuân

Tin cùng chuyên mục