Tại diễn đàn giải pháp phát triển bền vững Việt Nam, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh, Việt Nam cần tăng cường phát triển xanh để gia tăng độ bền vững cho tốc độ tăng trưởng kinh tế. Phát triển xanh này chủ yếu tập trung vào doanh nghiệp (DN) sản xuất.
Bà Victoria Kwa Kwa, Phó chủ tịch WB khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, khẳng định việc phát triển xanh đòi hỏi DN nỗ lực hơn rất nhiều, nhất là khâu đầu tư. Bởi chi phí đầu tư ban đầu có tính đến phương án bền vững sẽ đòi hỏi vốn đầu tư cao hơn rất nhiều so với phương án đầu tư không có tính đến yếu tố bền vững. Đây chính là trở ngại lớn nhất của DN. Đồng thuận với quan điểm này, nhiều DN Việt Nam cho rằng, phần lớn DN nội là DN vừa và nhỏ. Bản thân DN rất khó tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư từ hệ thống tài chính do không đáp ứng điều kiện vay. Phổ biến nhất là điều kiện thế chấp tài sản. Do vậy, các DN chủ yếu dựa trên nội lực hạn hẹp của mình để đầu tư, nên không thể tính đến yếu tố đầu tư trang thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.
Trên thực tế, thời gian qua, các bộ, ban, ngành chuyên môn có nhiều dự án hỗ trợ DN phát triển bền vững như dự án hỗ trợ 500 DN vừa và nhỏ sử dụng năng lượng hiệu quả; hỗ trợ DN sản xuất sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Tuy nhiên, những chính sách hỗ trợ còn bất cập cộng với thủ tục hành chính rườm rà cũng khiến nhiều DN ngán ngại. Không những thế, nguồn quỹ vay hỗ trợ DN phát triển xanh hiện còn rất hạn chế về mức trần cho vay, nên DN cũng không mặn mà để vay.
Do DN Việt không tiếp cận dễ dàng nguồn hỗ trợ, lại không đủ nội lực để xây dựng chiến lược phát triển xanh, nên các chuyên gia kinh tế khuyến cáo DN Việt sẽ gặp khó khăn khi tham gia vào thị trường chung ASEAN và thế giới. Hiện rào cản trách nhiệm xã hội, trong đó bao gồm trách nhiệm với môi trường là một trong những rào cản được các nước sử dụng phổ biến nhất để hạn chế sản phẩm ngoại nhập khẩu vào thị trường của mình. Do đó, với rào cản này, lượng lớn DN Việt sẽ phải tự thu hẹp thị phần của mình trên sân chơi chung của thế giới hoặc buộc phải bó mình trên khu vực thị trường nội địa.
Để hỗ trợ cải thiện năng lực sản xuất xanh của DN Việt trong thời gian tới, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết VCCI đưa ra chương trình hỗ trợ DN phát triển bền vững theo bộ chỉ số DN bền vững (CSI) năm 2016. Theo đó, các DN, cơ sở sản xuất sẽ được đánh giá và xếp hạng DN xanh dựa trên các tiêu chí như có chiến lược phát triển bền vững toàn diện, nhận thức rõ về lợi ích của phát triển bền vững là bộ khung chính để DN xây dựng bộ máy hoạt động của mình, tối ưu quy trình sản xuất kinh doanh, chuỗi cung ứng và hoạt động kinh doanh có hiệu quả kinh tế… Đặc biệt, VCCI xây dựng đội ngũ tư vấn, hỗ trợ cải thiện môi trường sản xuất cho DN để đạt được những tiêu chí trên, hướng tới tăng trưởng bền vững. Đây cũng là giải pháp mà Chính phủ Việt Nam đang quyết liệt triển khai, nhằm giảm thiểu rủi ro từ các rào cản kỹ thuật thương mại cho các sản phẩm Việt Nam khi gia nhập thị trường chung thế giới, nhất là khi xuất khẩu sản phẩm vào thị trường các nước là thành viên hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết.
PHÚC ANH