WTO: Thương mại toàn cầu vẫn chịu nhiều áp lực

Trong báo cáo vừa được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) công bố, thương mại toàn cầu năm 2023 dự kiến tăng trưởng 1,7%, giảm so với mức 2,7% của năm 2022.
Cảng Taicang, tỉnh Giang Tô, phía Đông Trung Quốc, nhộn nhịp vào tháng 3-2023. Ảnh: XINHUA
Cảng Taicang, tỉnh Giang Tô, phía Đông Trung Quốc, nhộn nhịp vào tháng 3-2023. Ảnh: XINHUA

Chú trọng hợp tác đa phương

Các nhà kinh tế của WTO cho biết khối lượng thương mại hàng hóa thế giới năm 2023 có thể không đạt được mức như mong đợi dù dự báo GDP đã tăng nhẹ kể từ mùa thu năm ngoái. Trong báo cáo, các nhà kinh tế của WTO ước tính mức tăng trưởng GDP thực trên toàn cầu (theo tỷ giá hối đoái thị trường) là 2,4% cho năm 2023. Các dự báo về tăng trưởng thương mại và sản lượng lần lượt là 2,6% và 2,7%, đều thấp hơn mức trung bình trong 12 năm qua.

Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, thương mại tiếp tục là động lực giúp nền kinh tế toàn cầu phục hồi, nhưng sẽ vẫn chịu áp lực từ các yếu tố bên ngoài trong năm 2023. Do đó, các chính phủ càng cần phải hành động một cách nhất quán, tránh hành động kiềm chế hay gây trở ngại thương mại. Theo bà Ngozi Okonjo-Iweala, việc chú trọng hợp tác đa phương trong lĩnh vực thương mại, như cách các thành viên WTO đã làm tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 vào tháng 6-2022, sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mức sống của người dân trong dài hạn.

Trong khi đó, mức dự báo 1,7% cho tăng trưởng thương mại vào năm 2023 đã tăng so với mức 1% mà WTO đưa ra trong báo cáo công bố hồi tháng 10-2022. Một yếu tố quan trọng góp phần nâng dự báo là việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch Covid-19, giúp giải phóng nhu cầu tiêu dùng bị kìm nén ở nước này, từ đó thúc đẩy thương mại quốc tế.

Cảnh giác các rủi ro tài chính

Theo nhà kinh tế trưởng của WTO Ralph Ossa, những tác động kéo dài của Covid-19 và căng thẳng địa chính trị gia tăng là những yếu tố chính ảnh hưởng đến thương mại và sản lượng trong năm 2022; điều này cũng có thể xảy ra vào năm 2023. Việc tăng lãi suất ở các nền kinh tế phát triển cũng dẫn tới xuất hiện những điểm yếu trong hệ thống ngân hàng, kéo theo bất ổn tài chính rộng lớn hơn nếu không được kiểm soát. Các chính phủ và cơ quan quản lý cần phải cảnh giác với những điều này và các rủi ro tài chính khác trong những tháng tới.

Trong báo cáo chuẩn bị cho hội nghị mùa xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới diễn ra trong tuần tới, các chuyên gia IMF cảnh báo những căng thẳng địa chính trị gia tăng và hệ lụy là sự phân mảnh nền kinh tế toàn cầu sẽ càng làm gia tăng các rủi ro về ổn định tài chính, giảm đầu tư nước ngoài, giảm giá tài sản, các hệ thống thanh toán và năng lực cho vay của các ngân hàng.

Từ lâu, IMF đã cảnh báo về tình trạng gia tăng chi phí, xung đột kinh tế và giảm GDP có liên quan tới tình trạng phân mảnh kinh tế toàn cầu theo các khối địa chính trị. Tuy nhiên, trong báo cáo mới này, IMF nhấn mạnh nguy cơ gia tăng căng thẳng dẫn tới tình trạng thoái vốn nước ngoài, trong đó có các khoản đầu tư trực tiếp, với nguy cơ đặc biệt cao tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.

Các nhà hoạch định chính sách nên tăng cường những cơ chế ứng phó khủng hoảng bằng cách đảm bảo phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương. Các nước cũng nên củng cố mạng lưới an toàn khu vực, thông qua các hệ thống đổi tiền hoặc các đường dây dự phòng tín dụng từ các thể chế quốc tế như IMF.

Dự kiến trong năm 2024, tăng trưởng thương mại sẽ tăng trở lại 3,2%, khi GDP tăng lên 2,6%, nhưng ước tính này không chắc chắn do vẫn tồn tại những rủi ro đáng kể, bao gồm căng thẳng địa chính trị, nguồn cung lương thực bấp bênh và những nguy cơ tiềm tàng chưa được lường trước của chính sách thắt chặt tiền tệ.

Tin cùng chuyên mục