- WWF sử dụng tài liệu cũ đánh giá cá tra Việt Nam
- Việt Nam đã áp dụng rộng rãi các tiêu chuẩn cao nhất của quốc tế về nuôi trồng thủy sản
(SGGP).- Tại cuộc họp báo lần thứ hai, tổ chức hôm qua 9-12 ở Hà Nội, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết, sau khi đề nghị Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) tại Việt Nam cung cấp bộ các tiêu chí mà WWF ở sáu nước thuộc châu Âu đã căn cứ vào đó để đánh giá về tình hình nuôi và sản xuất cá tra ở Việt Nam, dẫn tới việc các thành viên WWF châu Âu tự chuyển cá tra Việt Nam sang “danh sách đỏ”, vào chiều cùng ngày, Tổng cục Thủy sản đã nhận được bộ các tiêu chí về cá tra nuôi của WWF gửi qua email.
Theo đó, bộ tiêu chí mà WWF dùng để quy chụp vào các tiêu chuẩn nuôi và sản xuất cá tra ở Việt Nam được công bố vào tháng 6-2010 gồm hai bản đánh giá: một cho hệ thống cá tra nuôi trong ao, một cho hệ thống nuôi ven sông. Hai bản đánh giá này xoay quanh 4 nội dung chính là hệ thống sản xuất, ảnh hưởng sinh thái, nguồn thức ăn và hệ thống quản lý.
Theo ông Tuấn, bộ tiêu chí thực chất chỉ là 19 câu hỏi xoay quanh 4 nội dung trên. “Ngay sau khi nhận được, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ hai bản đánh giá và cảm thấy rất thất vọng vì bản đánh giá một sản phẩm của một quốc gia mà rất nghèo nàn về tư liệu, số liệu. Mười chín câu hỏi thì cẩu thả, sơ sài”- ông Tuấn nói.
Điều đáng buồn là, WWF đánh giá 19 câu hỏi nhưng chỉ dựa trên 2 nguồn tài liệu. Một là bài báo đăng trên tạp chí Aquaculture số 296 năm 2009 của Hội Nuôi trồng thủy sản thế giới, xuất bản 6 số/năm.
Hai là bản đánh giá tác động môi trường của hệ thống nuôi cũng công bố năm 2009 của Trường Đại học Wagenningen (Hà Lan). Ông Phạm Anh Tuấn khẳng định, số liệu và thông tin mà WWF dựa vào 2 tài liệu trên để đánh giá về cá tra nuôi Việt Nam là quá cũ, lạc hậu. Nếu bản đánh giá được công bố vào năm 2009, tức mọi số liệu, điều tra phải diễn ra từ 1-2 năm trước đó. Như vậy, WWF không thể sử dụng những số liệu này để đại diện cho năm 2010.
Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cũng cho hay, có đến 7/19 câu không có nguồn thông tin nhưng WWF vẫn đánh giá. Ngoài ra, nhiều câu hỏi sai lệch, không phản ánh đúng sự thực. Chẳng hạn câu hỏi số 10 về ảnh hưởng sinh thái, WWF cho rằng, nguồn thức ăn nuôi cá tra của chúng ta không được quản lý, thức ăn chứa những hóa chất cấm... Về điều này, ông Tuấn nói, Việt Nam đã ban hành danh mục các loại thuốc và hóa chất được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, có những loại được nhà nước cho phép và những loại tuyệt đối cấm. Hoặc như câu hỏi số 4, họ cho rằng cá tra khi thoát ra ngoài môi trường tự nhiên có gây hại đến các loài sinh vật bản địa. “Câu hỏi này rất máy móc và nực cười, bởi cá tra nuôi Việt Nam là loài bản địa, không phải sinh vật ngoại lai nên bản thân ngoài môi trường tự nhiên đã có sẵn. Điều này chỉ áp dụng cho các sinh vật ngoại lai, nhập khẩu”.
Ông Tuấn kết luận, bản đánh giá cá tra nuôi của Việt Nam quá nghèo nàn về mặt cơ sở khoa học, lạc hậu về thông tin, và thật đáng tiếc khi với uy tín của WWF lại có một sản phẩm như vậy. Ông Tuấn bày tỏ: “Tôi không thể hình dung được đây lại là sản phẩm của WWF”. Trước sự việc này, Tổng cục Thủy sản đã đề nghị được đối thoại trực tiếp với WWF thế giới.
Chiều cùng ngày, WWF Việt Nam phát hành thông cáo báo chí thể hiện sự đồng ý với kiến nghị của Tổng cục Thủy sản VN. Theo đó, trong lúc chờ đợi kết quả đánh giá lại nên đưa cá tra, cá ba sa nuôi tại Việt Nam ra khỏi danh sách “không nên mua” – danh sách đỏ. Việc đánh giá trong tương lai cần được thực hiện với sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan. WWF Việt Nam không tham gia vào quá trình đánh giá trước đây, đồng thời vừa nhận được bảng câu hỏi và kết quả đánh giá cá tra và cá basa mà WWF tại một số nước châu Âu đã sử dụng và đã gửi các thông tin này đến Tổng cục Thủy sản Việt Nam và VASEP. Vẫn tổ chức này cho biết, người đứng đầu chương trình thủy hải sản toàn cầu của WWF, ông Mark Powell, sẽ đến Việt Nam vào tuần tới để trả lời các câu hỏi về kỹ thuật liên quan đến phương pháp và quy trình đánh giá. Ông Mark Powell dự kiến sẽ có các buổi làm việc với VASEP, các bên liên quan và báo chí.
Cũng trong ngày 9-12, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc WWF tại một số nước châu Âu đưa sản phẩm cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ trong cẩm nang hướng dẫn người tiêu dùng 2010-2011, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói: “Rất tiếc là các thành viên của WWF tại một số nước châu Âu đã đưa ra những đánh giá thiếu khách quan, thiếu cơ sở khoa học và không phù hợp với thực tế về sản phẩm cá tra của Việt Nam. Việc làm này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới những người dân sống bằng nghề nuôi trồng, chế biến thủy sản ở Việt Nam cũng như người tiêu dùng ở các nước châu Âu, không có lợi cho mối quan hệ kinh tế-thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước châu Âu. Trong những năm qua, Việt Nam luôn kiểm soát chặt chẽ ngành sản xuất thủy sản, từ khâu quy hoạch, nuôi trồng đến chế biến và áp dụng rộng rãi các tiêu chuẩn cao nhất của quốc tế về nuôi trồng thủy sản, đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái theo các tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam đã xuất khẩu nhiều sản phẩm chất lượng cao ra thị trường thế giới và được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Chúng tôi yêu cầu Quỹ Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại các nước này đưa cá tra của Việt Nam ra khỏi danh sách đỏ trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản 2010-2011, công bố các tiêu chí đánh giá và có các khuyến nghị khách quan, sát với điều kiện thực tế sản xuất và xuất khẩu cá tra tại Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng đón tiếp và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia của WWF đến thăm và tìm hiểu thực tế sản xuất nuôi trồng và chế biến thủy sản, qua đó có đánh giá đúng đắn về ngành sản xuất thủy sản của Việt Nam”.
Nhóm PV
Vụ đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ |
- Nhìn lại nghề nuôi cá tra - WWF Việt Nam: Sẽ sớm phản hồi việc cá tra Việt Nam bị đưa vào “danh sách đỏ” |