Xã hội hóa các môn thi SEA Games

Có 12 đội tuyển (với hơn 200 trên tổng số 850 thành viên) trong Đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 30 ở Philippines vào tháng tới phải tự túc kinh phí, tức là không được ngân sách nhà nước chi trả. Đây là nhóm môn mang tính biến thể từ các môn võ chính thống (judo, karate, vật), không có phong trào mạnh tại Việt Nam, nên khi cần thì tổ chức đội tuyển thi đấu và tự giải thể sau SEA Games. Trong số này, một số môn như eSports, bowling, bóng rổ, kickboxing, jujitsu... đã chọn cách xã hội hóa để gây tiếng vang, quảng bá cho môn thể thao của mình.

Việc xã hội hóa các môn thi đấu SEA Games đã xuất hiện từ năm 1997, bắt đầu với môn billiards&snooker (TPHCM) và đua thuyền (Hà Nội), sau đó đến lượt bowling, golf, bóng nước… Dù là tự túc kinh phí, nhưng nếu đạt thành tích cao, các VĐV vẫn nhận thưởng theo tiêu chuẩn nhà nước. Điều này khiến cho việc xã hội hóa chưa thật triệt để. Một số môn chỉ “đến hẹn lại lên”, được thành lập khá vội và tự tìm kinh phí tham gia để tìm cơ hội trở thành “chính thức” ở các lần tiếp theo chứ không nhằm mục đích lấy thành tích để quảng bá cho môn thể thao của mình trong cộng đồng. Ngay ở kỳ SEA Games 30 này cũng vậy, các môn võ như sambo, kurash, arnis, jujitsu… rất lạ với người chơi thể thao Việt Nam, khác hẳn với mục đích của những môn như triathlon (3 môn phối hợp), kickboxing… vốn đang phát triển theo chiều hướng tích cực ở các đô thị lớn. 

Việc thành lập đoàn thể thao dự SEA Games hiện nay được quy hoạch thành 2 - 3 nhóm khác nhau, trong đó chỉ duy nhất 1 nhóm được Nhà nước đầu tư 100% kinh phí, chủ yếu dành cho các môn cơ bản Olympic hoặc các môn, nội dung thi đấu đã được mặc định ở các kỳ SEA Games. Như vậy, phần còn lại, các môn thể thao có tính giải trí cao, có khả năng thu hút tài trợ hoặc có phân khúc người chơi riêng lẻ trong cộng đồng cần được tự túc triệt để. Nhà nước có thể đưa ra cơ chế khuyến khích bằng nâng số tiền thưởng huy chương cho các môn này cao hơn một chút so với những môn được đầu tư, tạo điều kiện cho họ quảng bá hình ảnh nhà tài trợ trong khuôn khổ cho phép của SEA Games.

Ở góc độ rộng hơn, xã hội hóa triệt để việc dự SEA Games sẽ giúp ngân sách nhà nước được tập trung hơn trong đầu tư các môn trọng điểm. Chúng ta có thể nâng điều kiện đãi ngộ trong tập luyện và giảm tiền thưởng cho thành tích của các môn này (bù cho tiền thưởng các môn tự túc). Hơn nữa, hiện nay định hướng của thể thao Việt Nam khi tham gia SEA Games là tăng chất chứ không phải nhắm đến số lượng huy chương, nên trong trường hợp có ít môn đi thi đấu theo dạng tự túc cũng không sao, quan trọng vẫn là tham gia nhiều nội dung hơn, đạt nhiều thành tích tốt hơn ở các môn thể thao cơ bản (điền kinh, bơi lội, bóng đá, bắn súng, cử tạ, thể dục…) để tăng hiệu quả đầu tư của ngân sách. Mặt khác, việc xã hội hóa triệt để cũng giảm tình trạng “xuất hiện và biến mất” của nhiều môn thể thao lạ.

Để việc tự túc kinh phí dự SEA Games trở thành thói quen, thì tính chuyên nghiệp trong thể thao đỉnh cao cần được cải thiện ở bề rộng chứ không chỉ góc độ các đội tuyển quốc gia. Nếu có những liên đoàn thể thao mạnh, phong trào rộng, nhiều người chơi thì tự khắc các môn thể thao ấy sẽ có tài chính rộng rãi đi dự các sự kiện quốc tế. Đó là bài toán dành cho các nhà quản lý.

Tin cùng chuyên mục