Từ nhiều năm qua, TPHCM đã chủ động thực hiện xã hội hóa đầu tư xử lý chất thải. Biện pháp này góp phần tái cấu trúc lại vấn đề đầu tư phát triển ngành công nghiệp dịch vụ công theo hướng hiện đại, đa dạng hơn. Với chủ trương đột phá này, chỉ trong vòng 7 năm, TPHCM đã về đích sớm, không chỉ đảm bảo 100% rác thải đô thị đều được thu gom xử lý triệt để mà còn giảm được 30%-40% khối lượng rác chôn lấp.
Từ thực tế bức xúc...
Trở lại thời điểm năm 2003, ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN-MT TPHCM, cho biết khối lượng chất thải rắn đô thị TP lúc đó khoảng 4.000 – 4.500 tấn/ngày. Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, dự báo đến năm 2010, chất thải rắn đô thị có thể lên đến 9.000 tấn/ngày. Nếu so tốc độ phát sinh chất thải với tiến độ đầu tư dự án xử lý thì rất đáng lo ngại.
Vào thời điểm đó, toàn bộ chất thải rắn đô thị đều do Công ty Môi trường đô thị (nay là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị) thu gom xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Công nghệ xử lý này có nhiều nhược điểm như chiếm đất, tạo nước rò rỉ có nồng độ ô nhiễm cao, khí thải gây hiệu ứng nhà kính…
Mặt khác, tại các công trường xử lý rác của TP lúc bấy giờ liên tục xảy ra nhiều sự cố kỹ thuật khiến lượng rác thu gom, xử lý bị động và có nguy cơ dồn ứ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cụ thể, bãi rác Gò Cát vừa đi vào hoạt động nhưng hệ thống xử lý nước rỉ rác bị hư buộc phải đóng cửa gần 1 năm để sửa chữa. Toàn bộ rác thải phải chuyển sang bãi chôn lấp Phước Hiệp. Nhưng không bao lâu sau, bãi chôn lấp này xảy ra tình trạng sụt lún và trượt bãi rác. Một lần nữa, rác thải lại phải quay lại bãi rác Gò Cát.
Không chỉ vậy, do năng lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu thực tế nên tình trạng mùi hôi, dịch ruồi phát sinh rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Nguyên nhân dẫn đến thực tế trên là do ngân sách của TP thiếu, hệ thống quản lý dịch vụ công ích quá ít và yếu, không theo kịp những vấn đề phát sinh trong thực tế.
...đến chủ trương xã hội hóa
Trước tình hình cấp bách đó, 3 phương án đã được gấp rút đưa ra. Một là kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà máy theo hình thức BOO (xây dựng – vận hành – sở hữu). TP chấp thuận thanh toán phí xử lý rác theo tiêu chí về giá thỏa thuận; cho nhà đầu tư thuê đất với giá bằng không và dành cho nhà đầu tư các ưu đãi cao nhất về thuế theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chi ngân sách và chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật (đường, điện, nước) tại các khu liên hiệp xử lý chất thải rắn đã quy hoạch (Tây Bắc Củ Chi, Đa Phước - Bình Chánh và Thủ Thừa - Long An).
Mặt khác, tùy theo khả năng của TP, sẽ hỗ trợ nhà đầu tư thêm các công trình hạ tầng kỹ thuật bên trong. Phương án 2, TP chi ngân sách xây dựng nhà máy và thành lập ban quản lý dự án để theo dõi tiến độ, quản lý vận hành nhà máy trong suốt thời gian dự án. Phương án cuối cùng là vận động nguồn vốn tài trợ cho dự án bằng vốn vay ODA.
Ông Trần Thế Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang (nguyên Giám đốc Sở TN-MT TPHCM vào thời điểm năm 2006) cho rằng, phương án 1 phù hợp nhất với chủ trương xã hội hóa xử lý rác của TPHCM. Phương án này có thể thực hiện theo tiêu chí lựa chọn các dự án đầu tư tái sinh, tái chế và xử lý chất thải rắn đô thị. Tuy nhiên, để phương án này phát huy hiệu quả tối đa cần được định hướng thực hiện lâu dài và có thời gian để kêu gọi và lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với khả năng thành phố. Còn phương án 3 khó thực hiện vì đòi hỏi nhiều thời gian cho quá trình vận động tìm nguồn vốn ODA. Phương án 2 tăng gánh nặng cho ngân sách TP vốn đang rất thiếu.
Và gặt hái thành công
Phương án 1 được lựa chọn đã mở ra chủ trương mới, phù hợp với thực tế. Chủ trương này ngay lập tức thu hút hàng loạt nhà đầu tư tham gia. Cụ thể: Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam, công suất khoảng 3.000 tấn/ngày; Công ty Vietstar, công suất 600 – 1.200 tấn/ngày; Công ty liên doanh Saigon – Earthcare, công suất 500 – 1.000 tấn/ngày; Công ty Việt Ý, công suất 300 – 660 tấn/ngày; Công ty Thành Công, công suất 500 – 1.000 tấn/ngày và Công ty Tâm Sinh Nghĩa, công suất khoảng 1.000 tấn ngày…
Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, đến nay có 3 dự án đã và đang đi vào hoạt động là Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam với công suất tiếp nhận 3.000 tấn/ngày. Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa đồng khoảng 1.000 tấn/ngày. Việc 3 công ty này đi vào hoạt động cộng với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị tiếp nhận 1.800 tấn/ngày đã giải quyết triệt để toàn bộ lượng rác thải phát sinh trên địa bàn TP từ nay đến năm 2015.
Quan trọng hơn, nếu so sánh với quyết định của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn 2050, các tỉnh thành trên cả nước phải giảm 30%-40% lượng rác thải chôn lấp thì TPHCM đã về đích trước 5 - 10 năm. Cơ sở để khẳng định được điều này là hiện TP đã đưa vào hoạt động 2 nhà máy tái chế rác thải thành phân compost của Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa với tổng công suất 2.000 tấn/ngày.
Với sự đột phá trong chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị nói chung và chất thải nói riêng, TPHCM đã từng bước tái cấu trúc lại ngành công nghiệp dịch vụ công. Tạo nét độc đáo cho riêng mình – nơi mà dịch vụ công vừa có công vừa có tư cùng tham gia.
ÁI VÂN