Xã hội hóa hành chính công: Nhà nước bớt “ôm”, dân tiện lợi

Mỗi năm, TPHCM giải quyết khoảng 14 triệu hồ sơ thủ tục hành chính. Hướng tới một nền hành chính năng động, hiệu quả, trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, nhiều dịch vụ công trên địa bàn TPHCM đang từng bước được xã hội hóa.
Công chứng viên của Văn phòng Công chứng Đồng Tâm (trái) xem hồ sơ trước khi công chứng. Ảnh: ÁI CHÂN
Công chứng viên của Văn phòng Công chứng Đồng Tâm (trái) xem hồ sơ trước khi công chứng. Ảnh: ÁI CHÂN

 Bên cạnh hiệu quả mang lại nhiều tiện ích cho người dân, quá trình hoạt động của nhiều loại hình dịch vụ công đã được xã hội hóa hiện nay cũng bộc lộ không ít tồn tại…

Nhiều tiện ích

Ông Nguyễn Đại Đồng, Phó Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp - Thanh tra Sở GTVT (viết tắt TTGT), cho biết TTGT đang phối hợp với Bưu điện TPHCM thí điểm dịch vụ nộp tiền phạt vi phạm giao thông qua bưu điện. Cụ thể, người dân đến trụ sở TTGT (đường Lê Hồng Phong, phường 4 quận 5) nhận quyết định xử phạt thì có thể nộp tiền phạt trực tiếp ở quầy giao dịch ngay tại đây rồi nhận lại giấy tờ (từ khâu nộp tiền đến lúc nhận hồ sơ chỉ khoảng 15 phút), thay vì phải nhận quyết định xử phạt hành chính, sau đó đến kho bạc chờ nộp phạt, rồi vòng lại TTGT nộp biên lai đóng phạt để nhận lại giấy tờ như trước đây. Thậm chí, nếu không muốn trực tiếp đi đóng phạt, người dân có thể điện thoại đến bưu điện (qua số 1900545481 ghi ở mặt sau biên bản vi phạm hành chính) để được hướng dẫn làm thủ tục ủy quyền; bưu điện sẽ nhận quyết định xử phạt, đóng tiền phạt, nhận lại giấy tờ xe và chuyển cho người vi phạm. Như vậy, với dịch vụ này, người dân chỉ cần ngồi ở nhà điện thoại là có thể hoàn tất thủ tục đóng phạt, nhận lại giấy tờ.

Người dân nhận quyết định đóng phạt tại Thanh tra Sở GTVT để nộp phạt tại quầy bưu điện 
                                                            đặt tại cơ quan này .   ẢNH: KIỀU PHONG
 Có mặt tại trụ sở TTGT, ông T. nhận quyết định đóng phạt do đậu xe nơi có biển cấm, nhận xét: “Tôi thấy dịch vụ này nhanh gọn, đỡ phiền hà, ít mất thời gian đi lại rất nhiều”. Không chỉ ông T., qua thống kê, số lượng người dân thực hiện dịch vụ này rất cao. Năm 2017 có 91,5% số người vi phạm đã đóng phạt qua bưu điện. Hiện nay, tỷ lệ này là 95%. “Dịch vụ này tránh việc tiếp xúc giữa người vi phạm với lực lượng xử phạt nên không gây căng thẳng, bức xúc cho người dân và cũng hạn chế được tiêu cực có thể xảy ra”, ông Đồng phân tích và cho biết cũng vì vậy, tỷ lệ chấp hành đóng phạt tăng cao so với trước.

Một mục tiêu quan trọng của cải cách hành chính là hạn chế và đi đến chấm dứt việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ với người dân, nhằm ngăn ngừa tiêu cực, nhũng nhiễu. Để làm được điều này, các sở/ngành, quận/huyện trên địa bàn TPHCM đã thực hiện nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện, với số lượng tăng mạnh qua hàng năm. Năm đầu triển khai, năm 2012, toàn thành phố chỉ có 6.500 hồ sơ được gửi, nhận qua bưu điện; năm 2017 là gần 3 triệu hồ sơ. Cùng với đó, hàng năm, khoảng 80.000 hồ sơ y tế của người dân cả nước đến TPHCM khám chữa bệnh cũng được nhận tại nhà. 

Ngành có lượng hồ sơ nộp và nhận kết quả qua bưu điện nhiều nhất là bảo hiểm xã hội (BHXH). Hàng tháng, hơn 105.000 người nhận lương hưu qua bưu điện với số tiền hơn 465 tỷ đồng. Suốt 30 năm trước đó, lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng được trả thông qua cán bộ chuyên trách chính sách xã hội của UBND phường, xã, thị trấn. Từ năm 2015, chức năng này được chuyển sang bưu điện; cán bộ xã, phường có điều kiện tập trung hơn cho vai trò quản lý công và cung cấp các dịch vụ thiết yếu khác mà Nhà nước phải trực tiếp cung cấp.

Cùng với lương hưu, từ đầu năm đến nay, bưu điện đã tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính cho trên 1 triệu lượt hồ sơ của ngành BHXH. Giám đốc BHXH TPHCM Phan Văn Mến cho hay, ngành đã thay đổi tư duy, phong cách làm việc hành chính thụ động sang phong cách phục vụ năng động. Năm 2017, số thủ tục hành chính của ngành giảm từ 32 xuống còn 28 thủ tục, giảm số lần giao dịch của doanh nghiệp từ 12 - 24 lần/năm xuống còn 1 lần/năm, thậm chí, doanh nghiệp không phải đến cơ quan BHXH một lần nào vì đã thông qua dịch vụ giao nộp hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính qua bưu điện. Hiện nay, trên 95% doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đã giao dịch với ngành BHXH qua bưu điện. Từ khâu gửi hồ sơ đến nhận kết quả, tất cả đều được bưu điện mang đến tận nơi mà doanh nghiệp không tốn phí.

Còn không ít tồn tại, sai phạm

Ở lĩnh vực công chứng, sự ra đời của các văn phòng công chứng (VPCC) không chỉ xây dựng môi trường cạnh tranh giữa các tổ chức hành nghề công chứng, từ đó chất lượng phục vụ tại các phòng công chứng tăng lên, mà còn tạo thêm sự lựa chọn cho người dân khi có yêu cầu công chứng, giúp người dân tiết kiệm công sức, thời gian đi lại. TPHCM hiện có 86 tổ chức hành nghề công chứng, bao gồm 7 phòng công chứng của Nhà nước và 79 VPCC. Tương tự, việc triển khai thực hiện chế định thừa phát lại (viết tắt TPL) tại TPHCM đã tạo ra môi trường cạnh tranh, đem lại sự thuận lợi cho người dân trong việc thụ hưởng những chính sách công của Nhà nước. Hiện nay TPHCM có 11 văn phòng TPL đang hoạt động, đã thực hiện tống đạt hơn 455.000 văn bản của tòa án và cơ quan thi hành án dân sự; lập hơn 141.000 vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; thụ lý 24 vụ việc thi hành án theo yêu cầu của đương sự với giá trị thi hành án về tiền hơn 46 tỷ đồng; thực hiện 20 vụ việc xác minh điều kiện thi hành án.

Không thể phủ nhận những hiệu quả của việc xã hội hóa hành chính công, tuy nhiên quá trình hoạt động của các VPCC, văn phòng TPL thời gian qua cũng bộc lộ không ít tồn tại. Do nghiệp vụ của các công chứng viên không đồng đều, dẫn đến một số trường hợp vi phạm pháp luật. Ngoài ra, để thu hút khách hàng, một số tổ chức hành nghề công chứng có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh; thu phí công chứng, thù lao công chứng không đúng quy định... Mới đây, Sở Tư pháp TPHCM đã phát hiện một VPCC giả - VPCC Sao Bắc Đẩu (quận 9). Từ sự việc này, Sở Tư pháp TPHCM đề nghị người dân có thể truy cập vào trang web http://sotuphap.hochiminhcity.gov.vn hoặc liên hệ số điện thoại đường dây nóng của Sở Tư pháp TPHCM (028)38.223.292 để tìm hiểu danh sách các tổ chức hành nghề công chứng. 

Bên cạnh đó, thời gian qua xuất hiện tình trạng TPL “lấn sân” công chứng. Không ít trường hợp người dân xác lập quan hệ giao dịch liên quan đến nhà đất nhưng không đến tổ chức hành nghề công chứng để công chứng hợp đồng, mà lại lập giấy tờ viết tay, đến văn phòng TPL đề nghị chứng kiến hành vi giao - nhận tiền. Theo quy định, vi bằng do văn phòng TPL lập ra chỉ là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi của cá nhân, tổ chức; được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Như vậy, vi bằng không có giá trị pháp lý khi người dân mua bán, chuyển nhượng nhà đất và không là cơ sở để thực hiện việc đăng ký sang tên trước bạ như hợp đồng được công chứng. 

Trước tình trạng này, Sở Tư pháp TPHCM đã có những văn bản yêu cầu khi lập vi bằng, các văn phòng TPL phải giải thích rõ giá trị pháp lý của vi bằng để người dân biết; đồng thời yêu cầu văn phòng TPL không được chứng nhận sự kiện, hành vi “lấn sân” sang hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà đất.

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG HẠNH, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM:

Sớm bổ sung quy định về hoạt động thừa phát lại

TPHCM là địa phương được chọn để thực hiện thí điểm chế định (TPL), triển khai theo Nghị định 61/2009 về tổ chức và hoạt động của (TPL) thực hiện thí điểm tại TPHCM. Khi chế định này được mở rộng đến một số tỉnh, thành khác thì Chính phủ ban hành Nghị định 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 61. Đến nay, dù chế định TPL đã được triển khai thực hiện trong phạm vi cả nước nhưng Chính phủ vẫn chưa ban hành nghị định về tổ chức và hoạt động TPL, nên hoạt động của TPL và công tác quản lý nhà nước về hoạt động này tại TPHCM gặp nhiều khó khăn, do vẫn phải áp dụng các quy định pháp luật trong giai đoạn thí điểm.

Bên cạnh đó, qua công tác thanh tra, kiểm tra tổ chức và hoạt động của các văn phòng TPL, Sở Tư pháp TPHCM phát hiện một số vi phạm trong hành nghề và công tác quản lý của văn phòng; nhưng do Nghị định 110/2013 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 67/2015 không quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong tổ chức và hoạt động của văn phòng TPL nên làm giảm hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Sở Tư pháp TPHCM đã nhiều lần kiến nghị cần sớm xem xét bổ sung nghị định mới về tổ chức và hoạt động TPL; bổ sung Nghị định 110/2013, trong đó quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TPL, nhưng đến nay vẫn chưa có.

Ông ĐINH NHƯ HẠNH, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam:

Hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính công trực tuyến

Hiện nay, TPHCM đang đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, nhưng tỷ lệ người dân thực hiện thủ tục hành chính bằng con đường trực tuyến lại chưa cao, việc sử dụng chủ yếu mới ở nhóm doanh nghiệp. Ở nhiều tỉnh, thành khác có triển khai dịch vụ công trực tuyến, nhưng thực tế, các địa phương có bộ phận hỗ trợ người dân, chứ tự người dân ngồi nhà thì chưa làm được. Tôi đề nghị TPHCM cho phép tại các bưu cục được mở quầy hỗ trợ và hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính công trực tuyến. Trước mắt, có thể thí điểm ở một số điểm như  huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè, quận Bình Tân… TPHCM là địa bàn lớn, có số lượng doanh nghiệp và người dân rất nhiều. Trong khi đó, ngành bưu điện có 191 bưu cục, điểm bưu điện xã trải khắp các quận, huyện và xã, hoàn toàn có nhiều điều kiện để có thể tiếp nhận được việc này. Ngoài hệ thống bưu cục, chúng tôi còn có đội ngũ thường xuyên đến tận nhà người dân. Đặc biệt, một lực lượng đông đảo, khoảng 1.200 người lao động có trình độ, thường xuyên tiếp xúc với người dân và anh em sẵn sàng đến tận nhà, hỗ trợ người dân thực hiện đăng ký hồ sơ hành chính trực tuyến.

  ÁI CHÂN - MẠNH HÒA (ghi)

Tin cùng chuyên mục