Sau 1/4 thế kỷ bước vào đổi mới, những bất cập trong quản lý và phát triển đô thị đang được thành phố mổ xẻ và tìm hướng giải quyết một cách quyết liệt hơn, căn cơ hơn… Đó chính là sự đổi mới trong tư duy và phong cách làm việc, kết quả của sự đổi mới về tư tưởng mà Đảng và Nhà nước ta đã và đang triển khai thực hiện. Theo TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, đây chính là cái đáng quý nhất, cho phép người dân tin tưởng vào sự phát triển vững chắc của TPHCM.
Tháo “nút thắt cổ chai” trong quản lý công trình
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT), cho biết, nếu như trước kia công tác quản lý tất cả các công trình giao thông từ đường đến vỉa hè, cây xanh, cấp, thoát nước… đều dồn lên Sở GTVT thì nay đã được phân cấp quản lý một phần đến cho các quận, huyện, các ban quản lý dự án (chủ đầu tư các công trình)… Tình trạng “thắt nút cổ chai công việc” ở Sở GTVT nhờ đó mà giảm dần.
Việc thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật, Sở GTVT chỉ thẩm định thiết kế, xem xét kết quả đấu thầu và hậu kiểm công tác thi công, trách nhiệm còn lại được giao cho chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công và tư vấn giám sát. Tất nhiên, chất lượng thi công của không ít công trình hạ tầng kỹ thuật ở TPHCM còn nhiều dấu hỏi về chất lượng, song như ông Lê Toàn, Phó Giám đốc của Sở GTVT, cho biết đã tốt hơn rất nhiều so với trước.
Theo ông Toàn, nếu trước kia việc thi công và kiểm tra chất lượng chỉ luẩn quẩn, xuê xoa trong các đơn vị thuộc ngành thì nay đã được công khai đến người dân và nhiều tổ chức xã hội. Nhiều tiêu chí kỹ thuật cũng đã được xây dựng mới, tiệm cận dần với các tiêu chuẩn tiên tiến của thế giới.
Hoạt động vận tải hành khách công cộng một thời gần như bị quên lãng đã được thành phố quan tâm và từ năm 2001 tới nay thành phố đã mạnh dạn chi hàng trăm tỷ đồng/năm để trợ giá cho hoạt động này. Không dừng lại ở xe buýt, TPHCM đã và đang triển khai xây dựng 6 tuyến metro, 5 tuyến monorail. TPHCM cũng chủ động đề nghị Bộ GTVT, Chính phủ cho kết nối Đại lộ Đông-Tây với đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây… để nâng cao khả năng liên kết vùng.
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Chính, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu GTVT thuộc Bộ GTVT, điều này biểu hiện tầm nhìn của thành phố bởi nếu ngay từ bây giờ không xây dựng hệ thống metro, không làm đường vành đai thì trong tương lai không xa, ùn tắc giao thông sẽ không thể giải quyết.
Tuy nhiên, chiến lược phát triển đô thị đa trung tâm với các đô thị vệ tinh mới thực sự là tầm nhìn dài lâu của TPHCM. Theo quy hoạch chung phát triển TPHCM đến 2020 tầm nhìn đến 2030, thành phố sẽ có hai đô thị vệ tinh, đó là Tây Bắc - Củ Chi và Đô thị cảng Hiệp Phước; một đô thị trung tâm chia tải cho trung tâm hiện hữu là đô thị mới Thủ Thiêm… Tiến độ xây dựng các đô thị mới chưa được nhanh chóng như mong muốn, song theo TS Nguyễn Trọng Hòa, định hướng như thế là đúng đắn. Các đô thị vệ tinh hình thành sẽ giúp giãn dân ra, tạo điều kiện cho thành phố phát triển bền vững.
Đến tấm lòng của người dân và doanh nghiệp
TS Nguyễn Thành Thái, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ - chủ đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ, đã có lần tâm sự với báo chí: “Tôi thật sự vui khi được đóng góp một phần công sức cho đất nước, cho TPHCM”. Ông Nguyễn Thành Thái là một Việt kiều Pháp và việc ông trở về nước, mở doanh nghiệp và tham gia xây dựng cầu Phú Mỹ, cây cầu dây văng lớn nhất TPHCM nối liền quận 2 và quận 7, trong mắt một số người có thể chỉ là công việc kinh doanh đơn thuần. Thế nhưng, nếu biết được rằng Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn về thủ tục trong quá trình đầu tư thì mới hiểu được tại sao ông Nguyễn Thành Thái lại nói như vậy.
Tất nhiên, để có những doanh nghiệp như Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ với công trình cầu Phú Mỹ trị giá hơn 2.000 tỷ đồng, thành phố phải tạo được niềm tin với doanh nghiệp. Đó là, ngay trong quá trình triển khai lập dự án, Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ đã được lãnh đạo thành phố giúp đỡ thực hiện một số thủ tục đầu tư. Thậm chí, không quản ngại ngoài giờ làm việc, lãnh đạo thành phố đã liên tục họp để giải quyết các vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án…
Phong trào mở rộng hẻm ở quận Phú Nhuận hay như việc chỉnh trang đô thị thành công ở quận 4 cũng là một minh chứng sống động của lòng dân tin tưởng vào sự đổi mới của thành phố. Rất nhiều hẻm nhỏ ở quận Phú Nhuận đã được mở rộng, thông thoáng hơn trước mà người dân phải lui nhà vào trong để mở hẻm không hề nhận một đồng tiền đền bù nào. Thậm chí, không ít người còn đóng góp để xây lại hẻm đẹp hơn trước. Quận 4 hiện nay đẹp hơn, hiện đại hơn là do nhiều khu phố ổ chuột xưa kia đã được giải tỏa và xây dựng khu dân cư mới với sự nhất trí, ủng hộ cao của người dân. Kết quả của nỗ lực này là một phần quận 4 cùng với quận 1, một phần quận 3, quận Bình Thạnh sẽ là khu trung tâm hiện đại của một TPHCM phát triển bền vững trong tương lai.
Đương nhiên quá trình đổi mới vẫn còn nhiều bất cập trong phát triển đô thị và ngay cả công tác xã hội hóa đầu tư, thu hút các nguồn lực vẫn còn nhiều điều băn khoăn. Ví như, nếu con đường nào, cây cầu nào cũng xây dựng theo hình thức BOT, BT và rồi thu phí hoàn vốn, liệu sức dân có kham được? Nhưng đổi mới vẫn là điều tất yếu, phải làm nếu muốn phát triển thành phố và trong quá trình đó, điều gì chưa hợp lý sẽ phải được điều chỉnh để phát triển bền vững hơn.
NGUYỄN KHOA