Xã hội hóa thể thao: nói nhanh, làm chậm

Phải mất đến 17 năm, bóng chuyền TPHCM mới có lại chức vô địch quốc gia nam sau khi CLB Maseco TPHCM đăng quang với chiến thắng kịch tính trước Sanest Khánh Hòa, một đội bóng chỉ có tuổi đời chừng 5 năm nhưng đã 1 lần vô địch quốc gia. Giới bóng chuyền đánh giá, chức vô địch của Maseco là thành công của mô hình “xã hội hóa triệt để” của thể thao TPHCM.

Phải mất đến 17 năm, bóng chuyền TPHCM mới có lại chức vô địch quốc gia nam sau khi CLB Maseco TPHCM đăng quang với chiến thắng kịch tính trước Sanest Khánh Hòa, một đội bóng chỉ có tuổi đời chừng 5 năm nhưng đã 1 lần vô địch quốc gia. Giới bóng chuyền đánh giá, chức vô địch của Maseco là thành công của mô hình “xã hội hóa triệt để” của thể thao TPHCM.

Tuy nhiên, cũng vì thế mới đáng suy nghĩ, bởi để có thành công bước đầu của Maseco là cả một quá trình vận động ghê gớm của làng bóng chuyền TPHCM. Từ việc hỗ trợ cho Maseco nhà thi đấu Rạch Miễu để làm nơi tập luyện, cho đến việc di dời các tuyến VĐV bóng chuyền từ nhà thi đấu Phan Đình Phùng - quận 3 về quận Phú Nhuận để tập trung nguồn lực cho Maseco. Mỗi lần như vậy đều mất vài năm để đưa đến quyết định thực hiện, bởi làm như thế sẽ khiến cho vai trò của Liên đoàn Bóng chuyền (LĐBC) TPHCM trở nên yếu đi, tức là ảnh hưởng đến quyền lợi của không ít người.

Điều đáng nói là 17 năm trước, bóng chuyền TPHCM là số 1 quốc gia suốt một thời gian dài nhờ cơ chế giao khoán cho doanh nghiệp. Các VĐV do thành phố đào tạo được phân bổ về các CLB như Seaprodex, Dệt Thành Công hay Công an TPHCM. Thời điểm đó, có thể nói bóng chuyền TPHCM đã đi tiên phong khi tiến trình xã hội hóa thể thao còn chưa được triển khai.

Các VĐV yên tâm thi đấu và sau đó làm việc ngay tại doanh nghiệp khi giải nghệ. LĐBC TPHCM đóng vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách tổ chức các giải đấu quốc tế, đem lại doanh thu cho các CLB. Hoạt động của liên đoàn hiệu quả đến mức trở thành văn phòng 2 của LĐBC Việt Nam. Như vậy, thành công của Maseco hiện nay chỉ là một quá trình làm mới cho cơ chế cũ nhưng hợp thời. Chỉ có điều, phải mất đến 17 năm mới có thành quả thì không thể nói việc xã hội hóa đã được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Minh chứng là việc đội tuyển bóng chuyền nữ Tân Bình cũng được triển khai xã hội hóa như Maseco, nhưng hiện không còn tồn tại và TPHCM suốt 3 thập niên qua hầu như không có mặt trên bản đồ bóng chuyền nữ quốc gia.

Thành công của đội bóng chuyền Maseco cho thấy, nếu có quyết tâm cũng như tầm nhìn của những nhà quản lý thì ngay ở cấp quận vẫn có thể xây dựng và phát triển một CLB thể thao chuyên nghiệp tầm vóc quốc gia. Rõ ràng, nguồn lực cho thể thao chuyên nghiệp luôn có sẵn nhưng việc khơi gợi sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ chế để cho các doanh nghiệp đầu tư là một vấn đề không chỉ hô hào xã hội hóa là làm được. Dù diện tích dành cho thể thao của TPHCM ngày càng ít nhưng cơ sở vật chất cho thể thao đỉnh cao không thể nói là không có, khi một hệ thống nhà thi đấu trải đều trên các quận, huyện nhưng công năng vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Nói đâu xa, để có một địa điểm thi đấu bóng rổ chuyên biệt cho đội Saigon Heat thì hiện ngay trung tâm thành phố không có dù đây là môn thể thao rất phù hợp với cư dân đô thị do chiếm ít diện tích, dễ tập luyện. Hoặc như hệ thống sân bóng đá từ chính quy đến cỏ nhân tạo không thiếu, nhưng số CLB bóng đá của TPHCM hiện đếm trên đầu bàn tay, doanh nghiệp muốn đầu tư thì vấp phải trở ngại đầu tiên là tiền thuê sân, hoặc ngay cả khi được bàn giao thì cũng không dễ để sửa chữa như trường hợp của đội futsal Thái Sơn Nam.

Như vậy, cái cần thiết để phát triển của thể thao TPHCM hiện nay không phải là sân bãi, nguồn lực để xã hội hóa mà nằm ở cách làm, cơ chế để thu hút các nhà đầu tư. Từ một trung tâm bóng chuyền số 1 quốc gia, đi đâu cũng gặp nhà thi đấu bóng chuyền mà phải mất đến 17 năm mới có lại chức vô địch thì đó không phải là điều đáng để vui mừng.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục