Xã hội hóa xuất bản là chủ trương lớn của nhà nước, kêu gọi các nguồn lực xã hội tham gia phát triển ngành xuất bản trong nước và làm phong phú thị trường xuất bản phẩm. Trên thực tế, trải qua 7 năm thực hiện (tính từ khi Luật Xuất bản năm 2004 có hiệu lực), xã hội hóa xuất bản thông qua hình thức liên kết đã làm thay đổi diện mạo ngành xuất bản trong nước, đem đến không ít thành tựu và cũng từng đó tai tiếng, sai lầm gây phẫn nộ dư luận.
- Trách nhiệm xuất bản gắn với chất lượng sách
Hiện nay cả nước có 60 nhà xuất bản (NXB) đang hoạt động, thực hiện mỗi năm hơn 22.000 cuốn sách với trên 265 triệu bản in. Trong đó, tính trung bình số sách liên kết xuất bản chiếm khoảng 51%, cá biệt có nhiều NXB số sách liên kết chiếm 90% - 100% số sách xuất bản.
Nhìn vào con số thống kê ở trên có thể thấy rõ tầm quan trọng của xã hội hóa công tác xuất bản hiện nay. Không chỉ chiếm tỷ lệ lớn về số lượng sách, xã hội hóa xuất bản còn góp phần không nhỏ vào quá trình chuyên nghiệp hóa xuất bản. Đã qua rồi thời bạn đọc mòn mỏi chờ đợi những ấn phẩm hay của thế giới về đến Việt Nam.
Ngày nay với sự nhanh nhạy của các nhà làm sách tư nhân, nhiều tác phẩm hay, nổi tiếng thế giới có thể đến tay bạn đọc trong nước gần như cùng lúc với thế giới như các sự kiện sách Harry Potter, Chạng vạng… Chất lượng sách cũng được nâng lên rất cao do các đơn vị làm sách tư nhân rất quan tâm đến công tác dịch thuật, biên tập, trình bày để giữ uy tín và thương hiệu...
Thậm chí, không chỉ chú trọng về bản thân tác phẩm mà các nhà làm sách tư nhân còn quan tâm đến cả những vấn đề xung quanh tác phẩm như các hoạt động quảng bá, phát hành, đặc biệt việc quảng bá còn được nâng tầm khi các đơn vị đã chủ động mời các tác giả thế giới sang Việt Nam giao lưu với bạn đọc nhằm giới thiệu sách như các trường hợp của nhà văn Pháp Marc Levy, cựu binh James G.Zumwalt, tỷ phú Vikrom Kromadit, kỷ lục gia thế giới Eran Katz…
Các đơn vị làm sách ngày càng phát triển với chiều hướng chuyên môn hóa cao, hiện nay nhiều tên tuổi làm sách đã quen thuộc với bạn đọc như Nhã Nam với dòng sách văn học dịch, DongA books với mảng sách văn học trong nước, Trí Việt cùng dòng sách dạy làm người, Phan Thị nổi bật truyện tranh thiếu nhi… Việc đi vào chuyên sâu góp phần nâng cao chất lượng các tác phẩm do các đơn vị có điều kiện tập trung nhân lực, vật lực vào dòng sách sở trường của mình.
Một trong những thành tựu quan trọng nhất của xã hội hóa xuất bản được ghi nhận chính là vấn đề bản quyền. Sau Công ước Berne, phần lớn đơn vị xuất bản nhà nước bối rối, chậm chạp với vấn đề quyền sở hữu trí tuệ. Ngay lúc đó, các đơn vị làm sách tư nhân đã nhanh nhạy nắm bắt thời cơ, tiến hành thương lượng bản quyền, tạo cơ sở cho thị trường sách dần ổn định trở lại sau giai đoạn bỡ ngỡ ban đầu khi đất nước hội nhập với thế giới.
- Mặt trái của việc liên kết xuất bản
Không thể phủ nhận vai trò tích cực của xã hội hóa xuất bản nhưng như một tấm huân chương luôn có mặt trái của nó, xã hội hóa xuất bản ở nước ta cũng dần bộc lộ những ảnh hưởng tiêu cực, đôi khi gây ra những hậu quả nặng nề.
Thời gian gần đây, bạn đọc cả nước liên tục gặp phải những sự cố xuất bản có chiều hướng tiêu cực. Từ vụ xuất bản những tác phẩm của các tác giả phản động trước 1975 đến việc xuất hiện những tác phẩm bóp méo lịch sử như trường hợp cuốn “Tột đỉnh tình yêu” của nhà văn Lê Thúy Ái hay cuốn “Sợi xích” của Lê Kiều Như… Những giọt nước tràn ly này khiến một lần nữa dư luận đặt câu hỏi: “Vì sao những sản phẩm tai hại đó lại có thể xuất hiện trên thị trường sách?”.
Câu trả lời đơn giản nhất có thể nhận thấy ngay ở con số thống kê đã nói ở trên. Sách liên kết chiếm đến 51% số sách xuất bản, thậm chí có nơi lên đến 100% số sách mà một đơn vị xuất bản thực hiện. Điều này có nghĩa là các đơn vị làm sách tư nhân có ảnh hưởng ít nhất đến một nửa hoạt động của các đơn vị xuất bản, thậm chí có nơi liên kết với tư nhân trở thành nguồn sống duy nhất của NXB (tức NXB đã bị tư nhân thao túng vì nồi cơm của cán bộ, công nhân viên).
Trong nền kinh tế thị trường, lợi nhuận luôn có một vị trí quan trọng đối với các đơn vị kinh doanh. Các nhà làm sách tư nhân cũng thế, khi họ phải tìm mọi cách nắm bắt nhu cầu thị trường để cung cấp những sản phẩm mà bạn đọc đang mong muốn. Người làm sách sẽ thực hiện mọi yêu cầu của thượng đế dù đôi khi những yêu cầu đó không hướng tới chân - thiện - mỹ.
Và một số NXB, vì lý do doanh thu đã tiếp tay cho các nhà làm sách. Ông Nguyễn Kiểm, Cục trưởng Cục Xuất bản, từng thừa nhận: “Nhiều trường hợp biên tập viên cắt bỏ, nhưng cuối cùng NXB vẫn đưa nội dung đó vào ấn phẩm, bởi bên liên kết bảo rằng có nội dung đó mới bán được sách”.
Không những thế, nhiều NXB chỉ làm nhiệm vụ cấp phép còn lại khoán trắng tất cả khâu làm sách cho tư nhân. Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn cho biết: “Thậm chí có NXB không hề biết đứa con liên kết của mình như thế nào…”. Với khâu quản lý như thế, việc liên tục xuất hiện những tác phẩm chất lượng kém, thậm chí vi phạm pháp luật, là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, điều đáng lo âu nhất là trong tình hình hiện nay, tình trạng tư nhân thao túng các NXB đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Xã hội hóa xuất bản đang dần nghiêng về hướng tiêu cực và nếu không kịp thời có biện pháp hữu hiệu chấn chỉnh, thì một chủ trương đúng đắn của nhà nước sẽ mất hiệu quả, biến thành gánh nặng cho xã hội.
TƯỜNG VY
Bài 2: Tư nhân làm sách - mập mờ trách nhiệm
Là nhân tố quan trọng trong quá trình xã hội hóa xuất bản, trải qua 7 năm được công nhận chính thức, những nhà làm sách tư nhân đã ghi đậm dấu ấn của mình trong sự phát triển chung của nền xuất bản Việt Nam, đồng thời cũng tạo nên những sự nghi ngại về vai trò tích cực trong quá trình xây dựng một nền xuất bản tiên tiến.
Sức sống của ngành xuất bản
Không phải ngẫu nhiên mà các đơn vị làm sách tư nhân được ví von là “sức sống của ngành xuất bản”, không chỉ vì số lượng sản phẩm liên kết xuất bản chiếm ưu thế mà còn vì tính năng động của tư nhân trong sự biến đổi thị trường sách.
Đơn cử ví dụ: trong đợt khủng hoảng kinh tế vừa qua, nhu cầu mua sách giảm mạnh ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu của các đơn vị làm sách. Nếu là trước đây, giai đoạn các NXB nhà nước chủ đạo, sự thay đổi của thị trường có thể gây tình trạng khủng hoảng như đã từng xảy ra những năm 80-90 của thế kỷ trước, thì nay các nhà làm sách tư nhân đã nhanh chóng tìm cách vượt qua khó khăn.
Ông Minh Đức, phụ trách hệ thống Phương Nam Books, cho biết “Ngay khi dự đoán sức mua có thể giảm, chúng tôi đã cố sức tìm kiếm thể loại sách khác, mang lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn”. Và lối ra của Phương Nam Books là các loại sách cho trẻ em, dạy trẻ em các kiến thức đầu đời với nguyên tắc “Dù khó khăn đến đâu, các bậc phụ huynh cũng sẽ mong muốn điều tốt nhất cho con mình”. Các đơn vị khác cũng tìm những lối đi riêng như Đông A chọn mảng sách cổ điển vốn đã hết hạn bản quyền để giảm chi phí và lại dễ được bạn đọc chú ý, Nhã Nam làm sách từ phim hoạt hình nổi tiếng…
Thế nhưng, sự năng động vốn được đánh giá cao của các nhà làm sách tư nhân đồng thời cũng gây ra những vấn đề đối với lĩnh vực xuất bản. Do yêu cầu về lợi nhuận, những nhà làm sách thường cố nắm bắt nhu cầu sách của bạn đọc và kết quả là đôi khi thị trường sách tràn ngập một thể loại sách do các nhà làm sách đổ xô vào thực hiện trong khi những mảng sách khác lại thiếu hụt. Điều này đã nhiều lần xảy ra như trào lưu sách thiếu nhi huyền ảo, sách tự truyện người nổi tiếng, sách dạy làm người…
Quan hệ với NXB - Chiếu trên
Điều 20 trong Luật Xuất bản quy định những vấn đề trong việc liên kết xuất bản, trong đó ở khoản 3 có quy định “Tổ chức, cá nhân liên kết với nhà xuất bản… được đứng tên trên xuất bản phẩm và liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với xuất bản phẩm liên kết”. Thế nhưng, chính ở đây xuất hiện một vấn đề “Thế nào là liên đới chịu trách nhiệm?”. Chính sự mập mờ này đã tạo nên một tình huống đặc thù trong lĩnh vực xuất bản Việt Nam. Nếu trước đó, các đơn vị làm sách tìm mọi cách vận động để được trực tiếp xuất bản thì sau đó họ phát hiện ra là việc xử phạt trong trường hợp sách bị vi phạm hầu như chỉ dồn vào NXB, còn đơn vị liên kết rất khó bị quy kết trách nhiệm. Điều này đã xảy ra trên thực tế như trường hợp NXB Thanh Hóa liên kết cùng nhà sách Nhân Văn làm lậu sách của NXB Trẻ hay gần đây là vụ NXB Hội Nhà văn liên kết với Công ty Youbooks làm cuốn “Sợi xích”…
Không chỉ lách luật, các nhà làm sách còn nắm trong tay một lợi thế cực lớn khác, đó là quyền chọn lựa NXB. Với 60 NXB trên cả nước, các nhà làm sách tư nhân có thể dễ dàng lựa chọn đối tác liên kết cho mình. Trong khi đó, các NXB trừ một vài đơn vị có thực lực còn hầu hết, đặc biệt là các NXB sống dựa vào liên kết thì việc lựa chọn đối tác rất khó khăn. Một tác phẩm nếu bị từ chối ở NXB này hoàn toàn có thể tìm được lối ra ở một NXB khác, nhiều tác phẩm sau khi xuất bản bị phạt vì vi phạm Luật Xuất bản thì trước đó đã bị từ chối tại nhiều NXB khác. Thậm chí, các NXB còn cạnh tranh giảm phí xuất bản để thu hút đối tác. Có thể nói không ngoa rằng người làm sách tư nhân đang ở “chiếu trên” trong mối quan hệ với các NXB.
Sách lậu - độc dược tinh thần
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News), bức xúc: “Sách đầu tư bao công sức, tiền bạc, chỉ vừa đưa ra thị trường 5-10 ngày đã bị in lậu. Sách lậu chiết khấu cao, các nhà phát hành ưa chuộng hơn sách thật nên sách thật thất thu”. Thực tế, có cuốn vừa in xong chưa kịp phát hành đã có bản lậu ngoài thị trường. Giám đốc một công ty làm sách tiết lộ: “Sách lậu ngay từ nhà in, sáng in sách cho khách hàng, tối in cho đầu nậu làm sách lậu”.
Để đối phó với sách lậu, các đơn vị làm sách dùng nhiều biện pháp như dùng tem chống giả, cài nhân viên theo dõi kiểu “tình báo”, quay phim chụp ảnh rồi báo cơ quan chức năng... Tuy nhiên những biện pháp này tỏ ra kém hiệu quả. Ví dụ như tem chống giả cũng bị in giả như thật, trong khi cơ quan chức năng xử quá nhẹ, thiếu tính răn đe…
Sách lậu không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà làm sách mà còn gây tác hại chung đến toàn ngành xuất bản. Ông Nguyễn Văn Phước đưa ra một ví dụ: “Nếu làm 10 cuốn sách, có lợi nhuận tầm 2-3 cuốn thì chúng tôi có thể trích ra, thực hiện một số cuốn sách hay, có ý nghĩa dù sức mua trước mắt có thể thấp, chôn vốn lâu. Còn như hiện nay 10 cuốn không lời nổi 1, thử hỏi lấy đâu ra kinh phí để làm những cuốn sách hay”.
Tường Vy
Bài 3: “Tấm lọc” thưa dần?
Trong cơ cấu xã hội hóa xuất bản hiện nay, Nhà xuất bản (NXB) đóng vai trò quyết định là tấm lọc cuối cùng trước khi xuất bản phẩm đến tay bạn đọc. NXB chịu trách nhiệm trước pháp luật và người dân về chất lượng xuất bản phẩm. Thế nhưng trên thực tế, vai trò của các NXB hiện nay đang ngày càng giảm...
Khó xử
Xã hội hóa xuất bản thông qua hình thức liên kết là một chủ trương đúng của Nhà nước trong tình hình hiện nay. Mối liên kết này đã đem lại lợi ích cho các đơn vị liên kết nhưng mục tiêu chính là đem lại những sản phẩm hay, hấp dẫn cho bạn đọc.
Nhờ mối liên kết này, số lượng sách tăng cao, chất lượng sách được nâng lên. Nhiều tác phẩm nổi tiếng thế giới xuất hiện nhanh chóng ở trong nước với các bản dịch được chăm chút, sách được quảng bá nổi bật. Các tác phẩm trong nước cũng không còn phải chờ đợi đến lượt mới được xuất bản như cái thời có nhà thơ do đợi quá lâu nên đặt luôn tên tác phẩm của mình là “Chầm chậm tới mình”.
Hiện nay, nhiều NXB hầu như chỉ có tên, không có cơ sở hạ tầng, không có đội ngũ nhân lực và như vậy, hầu như mọi việc đều khoán trắng cho tư nhân, kể cả ở những khâu sống còn của NXB như biên tập, chỉnh sửa tác phẩm. NXB chỉ còn mỗi nhiệm vụ xin và cấp giấy phép cho xuất bản phẩm. Và dĩ nhiên, nhiệm vụ ít thì doanh thu cũng ít, những NXB như thế chỉ còn trông chờ vào khoản thu từ quản lý phí nhờ cấp phép xuất bản. Trong lĩnh vực xuất bản người ta gọi giễu cợt kiểu làm này là “bán giấy phép” vì NXB sau khi thu phí thì không còn biết gì đến xuất bản phẩm mà mình cấp phép. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến xuất hiện nhiều cuốn sách dưới mức chuẩn của văn hóa, bị dư luận phê phán nặng nề thời gian qua.
Khổ vì tỷ lệ
Không chỉ đơn thuần “bán giấy phép”, nhiều NXB còn cạnh tranh cả “giá bán”, từ mức quản lý phí 7% trên giá bìa, giảm xuống 5% để chào mời nhà “liên kết”, cuối cùng lại giảm xuống chỉ còn 3%!
Vì đâu mà các NXB phải chịu lép như vậy? Giám đốc một NXB tại khu vực miền Trung tại một hội nghị ngành xuất bản từng thổ lộ: “Tôi không cấp phép thì đối tác họ qua NXB khác, rồi cũng được xuất bản trong khi NXB chúng tôi không có doanh thu”. Thực tế trong giai đoạn khó khăn vừa qua đã có những NXB doanh thu chạm đáy, không còn tiền trả lương cho nhân viên.
Ở đây có cái vòng luẩn quẩn, doanh thu kém thì khó giữ được người tài. Trong khi đó, nhân lực làm xuất bản ngày càng ít như nhận xét của nhà văn Triệu Xuân, Trưởng chi nhánh NXB Văn học tại TPHCM: “Hiện nay, các thế hệ biên tập vàng những thập niên 80-90 đã rời khỏi công việc, thế hệ người trẻ mới cũng có vài người giỏi nhưng như thế là quá ít cho nhu cầu của hơn 60 NXB trên cả nước hiện nay”.
Với thực trạng như trên thì dù có ra quy định mới chặt chẽ hơn thì các NXB nhỏ cũng không có nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ quản lý xuất bản theo luật định. Để tồn tại, nhiều NXB đã phải đồng ý xuất bản những thứ không đáng để xuất bản.
Giải thể hay sáp nhập?
Hiện nay trên thị trường lại xuất hiện một thực tế là thương hiệu đã trở thành một yếu tố sống còn. Nguyên nhân xuất phát từ thói quen chọn sách của bạn đọc giảm yếu tố lựa chọn theo nội dung, chất lượng mà thiên về tên tuổi của doanh nghiệp, NXB. Ví dụ như khi chọn sách văn học dịch người ta chú ý đến Nhã Nam, ChiBooks, NXB Văn học, NXB Hội Nhà văn; sách kỹ năng sống có FirstNews; sách thiếu nhi có Phan Thị, Kim Đồng, Trẻ; sách kiến thức, giáo trình có NXB Giáo dục, Tổng hợp… Khi cần chọn sách theo yêu cầu, việc xuất hiện những cái tên trên có vẻ được xem là một bảo chứng cho chất lượng của tác phẩm.
Chính vì thế các NXB có uy tín rất giữ gìn thương hiệu của mình, NXB Trẻ từng từ chối thực hiện cuốn sách “Chân trần Chí thép”, NXB Kim Đồng loại hẳn những bản thảo không phù hợp với bạn đọc nhỏ tuổi.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần rà soát và có biện pháp củng cố các NXB kém năng lực, hoặc có thể là giải thể hay sáp nhập thành những tổ hợp xuất bản nhằm tổng hợp được nguồn lực, tăng cường khả năng hoạt động thực tế, đáp ứng nhu cầu văn hóa đọc ngày càng cao của xã hội.
TƯỜNG VY