Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM:

Xả rác bao nhiêu, trả phí vệ sinh, phí môi trường bấy nhiêu

Thu nhập của lực lượng thu gom rác dân lập,không thấp hơn so với trướcPhóng viên:
Xả rác bao nhiêu, trả phí vệ sinh, phí môi trường bấy nhiêu

Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) hiện nay đang cùng với các sở, ngành liên quan lên kế hoạch triển khai Quyết định số 88/2008 của UBND TPHCM ban hành cuối năm 2008 về thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn thông thường trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc chuyên trách môi trường Sở TN-MT (ảnh) đã trao đổi với Báo Sài Gòn Giải Phóng về kế hoạch này.

Thu nhập của lực lượng thu gom rác dân lập,không thấp hơn so với trước

Phóng viên:
Thưa ông, Quyết định 88/2008 đã có hiệu lực thi hành từ 1-1-2009 nhưng người dân vẫn thấy chưa có gì thay đổi so với trước trong việc thu phí vệ sinh và môi trường. Xin ông giải thích vấn đề này?

Xả rác bao nhiêu, trả phí vệ sinh, phí môi trường bấy nhiêu ảnh 1

Ông NGUYỄN VĂN PHƯỚC: Thu phí vệ sinh và bảo vệ môi trường theo quyết định mới của UBND TPHCM đòi hỏi phải thay đổi cả hệ thống thu phí, cách thức thu phí và cách sử dụng nguồn phí thu được. Do vậy, Sở TN-MT cùng các sở, ngành liên quan phải bàn bạc, lên kế hoạch thực hiện thật cụ thể, rõ ràng để đưa quyết định của UBNDTP đi vào cuộc sống một cách tốt nhất. Dự kiến đến khoảng tháng 5-2009 kế hoạch này sẽ được hoàn tất.

Sự thay đổi cả hệ thống, cách thức thu, cách sử dụng nguồn phí thu được như ông nói là gì?

Nếu như trước đây các “dây” rác dân lập thu gom rác thải và thu luôn phí vệ sinh từ các hộ dân sinh sống trong hẻm, thì theo phương thức mới, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm thu phí vệ sinh.

Lực lượng thu gom rác dân lập vẫn làm công việc của mình nhưng sẽ nhận tiền công từ chính quyền địa phương. Riêng các Công ty Môi trường đô thị TPHCM và Công ty Dịch vụ công ích các quận, huyện đảm nhận công tác thu gom rác từ một số cơ quan, xí nghiệp lớn, các hộ dân nằm trên các trục đường chính, từ các kênh rạch trên địa bàn thành phố (sau khi tổ chức vớt rác) rồi vận chuyển đến các bãi chôn lấp vẫn sẽ được trực tiếp thu phí vệ sinh như trước đây. Các đơn vị công ích, các tổ chức dân lập có tư cách pháp nhân như HTX cũng được trực tiếp thu phí từ các hộ dân.

Mức phí cũng cao hơn so với trước đây tùy theo từng đối tượng (xem box). Nguồn thu được từ công tác này, một phần sẽ để trả lương cho lực lượng thu gom rác, một phần dùng cho công tác quản lý và phần nữa nộp vào ngân sách để chi dùng cho các hoạt động xử lý chất thải rắn, bảo vệ môi trường.

Trước đây, ngân sách Nhà nước thường phải “bao cấp” toàn bộ cho công tác xử lý chất thải rắn (thực chất người xả thải rác chỉ trả phí vệ sinh, chưa trả phí bảo vệ môi trường - PV). Điều này là không đúng với tinh thần bảo vệ môi trường mới: “Ai xả thải rác, người ấy phải trả chi phí xử lý”. Hơn nữa, việc buộc người xả thải rác chịu chi phí xử lý cũng sẽ góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của họ.

Với cách làm mới, mức thu nhập của lực lượng rác dân lập có thấp hơn so với hiện nay không, thưa ông?

Về cơ bản là không. Chúng tôi sẽ tính toán để đảm bảo cho mức thu của họ bằng và nếu được sẽ cao hơn hiện nay để họ có điều kiện cải thiện cuộc sống và đầu tư cho công việc.

Nhiều đối tượng nộp phí để đảm bảo nộp đúng và đủ

Với quy định mức phí vệ sinh và môi trường rất khác nhau tùy theo từng đối tượng, liệu có xảy ra tình trạng tranh cãi về đối tượng nộp phí, gây ảnh hưởng không tốt cho hoạt động bảo vệ môi trường?

Xả rác bao nhiêu, trả phí vệ sinh, phí môi trường bấy nhiêu ảnh 2

Xe rác dân lập chờ chuyển rác lên xe ép rác. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Đúng là quy định nhiều đối tượng, nhiều mức phí thì khó cho công tác triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đây là quyết định đúng đắn của UBND TPHCM để đảm bảo cho người dân, tổ chức trả đúng, đủ chi phí vệ sinh và môi trường theo lượng rác mà mình xả thải. Chính vì vậy mà chúng tôi phải mất thêm vài tháng để lên kế hoạch triển khai thực hiện quyết định này.

Tôi có thể lường trước không ít khó khăn. Ví dụ như theo sổ hộ khẩu, có một hộ dân sống ở mặt tiền đường nhưng trên thực tế hộ này không sống ở đây mà cho một cơ sở kinh doanh thuê để làm nhà hàng. Lượng rác nhà hàng thải ra phải nhiều hơn lượng rác hộ dân thải ra.

Lực lượng thu phí phải cập nhật được thực tế ấy để có mức phí vệ sinh và môi trường chính xác. Cũng có một căn hộ mặt tiền đường nhưng chủ nhà chỉ cho thuê làm một quán bán đồ ăn nho nhỏ thì mức phí vệ sinh, môi trường cho quán ăn này cũng phải tính lại, không thể bằng nhà hàng được. Các quận, huyện phải điều tra thật cụ thể về thực trạng ấy.

Việc kinh doanh có thể thay đổi. Chẳng hạn, hôm nay người dân cho thuê nhà ở của mình làm nhà hàng, năm sau lấy lại để ở. Như vậy, phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường sẽ được tính ra sao?

Nếu có sự thay đổi trong việc xả thải rác, người dân phải chủ động thông báo cho chính quyền địa phương biết để điều chỉnh lại mức thu phí cho hợp lý.

Chính quyền địa phương sẽ phải “đẻ” ra một bộ máy để làm công tác thu phí vệ sinh và môi trường?

Về cơ bản, công tác này sẽ được triển khai thực hiện kết hợp với nhiều công tác khác của địa phương. Hạn chế đến mức tối đa việc thêm bộ máy.

Cảm ơn ông.

Click vào ảnh xem mức thu phí

Xả rác bao nhiêu, trả phí vệ sinh, phí môi trường bấy nhiêu ảnh 3

Phí: Là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ.

Phí vệ sinh: Là khoản thu nhằm bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí đầu tư cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn thành phố như chi phí cho hoạt động của đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải theo quy trình kỹ thuật của cơ quan có thẩm quyền quy định (chưa bao gồm chi phí xử lý rác đảm bảo tiêu chuẩn môi trường).

Phí bảo vệ môi trường: Là khoản chi phí cho việc xử lý chất thải rắn đảm bảo tiêu chuẩn môi trường như đốt, khử khuẩn, trung hòa, trơ hóa, chôn lấp hợp vệ sinh.

NGUYỄN KHOA


Nhiều nhà máy xử lý rác bắt đầu hình thành

Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM vừa nhận được thông tin từ Công ty Viet Star cho biết đã xây dựng xong phần nhà xưởng dùng cho sản xuất phân compos, tái chế nhựa tại huyện Củ Chi. Phần còn lại hiện nay là lắp đặt máy móc và nếu không có gì thay đổi thì đến khoảng tháng 5 hoặc 6-2009, Viet Star sẽ bắt đầu hoạt động. Theo kế hoạch, Viet Star sẽ xử lý khoảng 1.200 tấn rác/ngày, trong đó giai đoạn 1 là 600 tấn/ngày và giai đoạn 2 là 600 tấn/ngày.

Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa dự kiến xử lý khoảng 1.000 tấn rác/ngày cũng đã triển khai xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật, bao gồm nhà xưởng và các công trình phụ trợ. Theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Hòa, đến cuối năm 2009, dự kiến toàn bộ dự án của Tâm Sinh Nghĩa sẽ được hoàn tất và đi vào hoạt động. Sản phẩm sau tái chế của Tâm Sinh Nghĩa cũng là phân compos và hạt nhựa. Riêng sản phẩm phân compos đã có khách hàng đặt bao tiêu sản phẩm.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một vài đơn vị chưa thể triển khai dự án xây dựng nhà máy xử lý rác như kế hoạch.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Ủy viên Hội đồng Quản trị doanh nghiệp TASCO - đơn vị nhận xử lý 500 tấn rác thải/ngày của thành phố cho biết, khu vực xây dựng nhà máy của doanh nghiệp chưa có đường giao thông đi tới. Do vậy, TASCO đang chờ để được đổi đất mới. Theo ông Đoàn, nếu mọi việc đúng kế hoạch thì TASCO đã phải khởi công xây dựng nhà máy từ năm 2007 và hoàn tất vào năm 2008, đi vào hoạt động năm 2009

AN NHIÊN

Tin cùng chuyên mục