Nhiều nơi bị rác “bủa vây”
Ghi nhận thực tế tại nhiều tuyến đường, gầm cầu, công viên, bãi đất trống, kênh, rạch... ở các quận, huyện trên địa bàn TPHCM cho thấy tình trạng rác thải xả bừa bãi vẫn tồn tại. Nhiều đống rác lâu ngày không được thu gom nên bốc mùi hôi thối, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và gây mất mỹ quan đô thị. Sông ngòi, kênh rạch, mương, cống thoát nước... nhiều nơi ngập rác.
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM, mỗi ngày các công nhân vệ sinh phải vớt từ 9-10 tấn rác thải trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, 7-8 tấn rác thải ở kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Không quá lời khi nói tình trạng vứt rác bừa bãi đang trở thành nỗi ám ảnh của cả ngành môi trường lẫn giao thông.
Đoạn đường từ ngã tư Trần Não và Lương Định Của (TP Thủ Đức) hướng về trung tâm thành phố được đầu tư nâng cấp, sạch đẹp. Thế nhưng, tuyến đường này lại đang bị “ bức tử” bởi lượng rác thải xả bừa bãi. Rác tràn cả ra một đoạn dài, chất thành đống, bốc mùi hôi khó chịu. Tình trạng xả rác bừa bãi cũng đang xảy ra nhức nhối tại khu vực cầu Tham Lương nối quận 12 và quận Tân Bình, ở đây lúc nào cũng xuất hiện những đống rác cồng kềnh án ngữ giữa cầu.
Chú Trần Văn Sơn (hành nghề chạy xe ôm ở khu vực này) nhận xét, có lẽ do đây là khu vực giáp ranh giữa 2 quận nên công tác quản lý còn lỏng lẻo, kiểu “cha chung không ai khóc”.
Ghi nhận ở công viên 30-4, công viên Gia Định... cũng cho thấy, cứ sau mỗi lần nhóm các bạn trẻ tụ tập ăn uống, vui chơi, khi rời đi họ lại để lại một bãi rác ngổn ngang giữa công viên, mặc dù cách đó không xa có những thùng rác công cộng được lắp đặt.
Chị Trần Thị A (công nhân vệ sinh môi trường thuộc Công ty Công ích quận 1) cho biết, chị được phân công quét rác ở khu vực này khoảng 3 năm nay nên chứng kiến rất nhiều trường hợp người dân xả rác bừa bãi tại đây. Nhiều bạn trẻ ý thức vẫn chưa cao trong việc bỏ rác đúng nơi quy định, cứ ăn uống xong là các bạn để nguyên tại chỗ rồi dắt xe đi.
Rác thải chất đống ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, TPHCM (ảnh chụp sáng 18-4) |
Hiện nay, TPHCM không chỉ gặp khó trong việc xử lý triệt để các trường hợp xả rác bừa bãi ra môi trường mà còn đang gặp khó đối với thực trạng người dân bỏ rác không đúng nơi, không đúng giờ quy định. Việc người dân thích bỏ rác thời gian nào thì bỏ đã gây khó khăn cho các đơn vị thu gom rác, đồng thời gây mất mỹ quan đô thị.
Chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ trên tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 21, quận Bình Thạnh), chúng tôi ghi nhận cứ 5-10 phút lại có một người dân mang rác ra bỏ ở gốc cây, lúc là rác thực phẩm, lúc thì gối cũ, lúc lại ít vỏ trái cây... Việc bỏ rác “tùy hứng”, thích lúc nào thì bỏ lúc đó dường như đã thành thói quen khó sửa. Thực trạng này cũng đã và đang diễn ra ở nhiều tuyến đường, hẻm trên địa bàn thành phố.
Cần sự vào cuộc của toàn xã hội
Ở góc độ đơn vị thu gom chất thải, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, cho biết, tình trạng bỏ rác bừa bãi, không đúng nơi quy định đã và đang gây nhiều khó khăn cho người thu gom. Có nhiều trường hợp người thu gom vừa rời đi, khi quay lại đã thấy một bịch rác ở trước nhà dân. Do đó, rác hầu như lúc nào cũng xuất hiện trên các tuyến đường, hẻm gây mất mỹ quan đô thị.
Nếu người dân bỏ rác đúng nơi quy định, đúng giờ thì việc thu gom sẽ đạt kết quả tốt hơn, môi trường sẽ xanh, sạch hơn. Để nâng cao ý thức cho người dân trong việc bỏ rác, thành phố cần có các giải pháp thật sự hữu hiệu. Lãnh đạo các quận, huyện cũng cần quyết liệt hơn đối với công tác quản lý môi trường trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, nhìn nhận, hiện nay, công tác xử lý các hành vi xả rác không đúng nơi quy định còn nhiều khó khăn. Một phần do ý thức của người dân chưa cao, một phần do nhân lực, phương tiện cho công tác ra quân, thanh tra, kiểm tra, xử lý còn thiếu và yếu. Để chấn chỉnh các hành vi xả rác bừa bãi như hiện nay, cần thiết có sự chung sức của chính quyền, đoàn thể, cán bộ địa phương, tổ dân phố và cảnh sát khu vực.
Chính quyền địa phương phải là đơn vị trực tiếp thực hiện, và phải có sự tham gia đồng bộ từ lãnh đạo đến người dân. Để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hành vi xả rác không đúng quy định ra kênh, rạch, khu vực công cộng, bên cạnh lực lượng công an nhân dân, cán bộ UBND cấp xã, cán bộ chuyên trách môi trường thuộc UBND cấp quận, huyện, TPHCM đã chấp thuận cho lực lượng quản lý trật tự đô thị, đội thanh tra xây dựng địa bàn được lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng.
Theo ý kiến của một số chuyên gia về môi trường, tình trạng vứt rác bừa bãi có nguyên nhân do ý thức của người dân còn thấp, nhưng quan trọng hơn là chính quyền địa phương đang khá dè dặt trong việc chế tài đối với các hành vi vi phạm, hình thức xử lý mới chỉ dừng lại ở việc “nhắc nhở”...
Với cách làm này thì không thể giải quyết tận gốc vấn đề. Nghị định 45 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường được xem là công cụ đắc lực, một bước tiến mới trong việc chế tài các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực môi trường. Nghị định này đã ban hành cụ thể các mức phạt phù hợp với từng hành vi, điều quan trọng là các cơ quan chức năng có quyết tâm thực hiện hay không!