
Năm 2005, thành phố đầu tư 70 tỷ đồng cho công tác duy tu, nạo vét cống, kênh rạch nhằm chống ngập nước nhưng xem chừng chưa đủ. Hàng chục tỷ đồng đã “đổ” vào việc nạo vét mà cống vẫn tắc, ngập vẫn hoàn ngập.
- Cống giống... bãi rác công cộng

Công nhân phải lội xuống dòng nước đen ngòm, hôi thối để vớt rác, khai thông dòng chảy.
Mặc dù đã 2 ngày trời không mưa nhưng đường Lê Đức Thọ (đoạn trước nhà số 440) phường 15 Gò Vấp, nước vẫn chảy lênh láng. Nước bẩn từ dưới cống trào lên theo hố ga, biến đường thành kênh thoát nước, mùi hôi bốc lên nồng nặc.
Những hộ dân ở bên đường cho biết, tuyến cống của đoạn đường này đã bị rác lấp đầy hơn 1 năm. Bà con trong khu vực đã phản ánh nhiều lần với Công ty Công trình Đô thị quận nhưng không thấy khắc phục.
Chị Nguyễn Thị Hoa, bán hàng trên đường Thống Nhất (đoạn gần ngã tư Thống Nhất– Lê Đức Thọ) phường 16 quận Gò Vấp bức xúc: “Cống thoát nước ở ngã tư đã bị đất, rác bít kín. Mỗi khi trời mưa, nước từ dưới cống cứ phun lên, tràn ra lòng đường”.
Trong cái nắng gắt, oi ả trên đường Võ Văn Tần (đoạn ngã tư Bà Huyện Thanh Quan- Võ Văn Tần, quận 3), một tốp công nhân đang cần mẫn nạo vét cống. Những công nhân cẩn thận múc từng xô chất thải từ dưới lòng cống lên, đổ lên xe đang chờ sẵn với đủ các loại rác.
Anh Hồ Sĩ Khang -một người đã nhiều năm gắn bó với nghề tâm sự: “Xí nghiệp Số 2 thuộc Công ty Thoát nước đô thị thành phố không chỉ nạo vét cống tuyến đường Võ Văn Tần mà còn ở nhiều tuyến cống khác. Tại nhiều cống, rác đóng thành tảng lớn, guồng quay không kéo ra được phải cho người xuống để phá dỡ”. Ở chợ Bà Chiểu quận Bình Thạnh, công nhân nạo vét cống thường xuống cống theo con nước.
Tổ trưởng Nguyễn Văn Tri nói: “Nạo vét các tuyến cống này chẳng khác nào dọn chợ dưới lòng đất. Trên chợ mọi người mua bán thứ gì là dưới cống có loại đó: bao nylon, đầu cá, rau quả, trái cây hư hỏng”. Theo ông Tri, đơn vị đã đặt lưới chắn rác ngay từ các miệng hố ga nhưng không ngăn được bao nhiêu. Với mức độ xả rác ở đây, cứ 3 tháng chúng tôi phải vét một lượt nước mới thông. Nhưng nay 6 tháng mới vét lại, do rác đọng lâu ngày nhiều, lúc chỉ trong một đoạn cống chừng 10m đã phải nạo vét cả buổi mới xong.
Trên địa bàn TPHCM, chỉ riêng hệ thống cống có đường kính từ 400mm đến 2.000mm đã có tổng chiều dài hơn 600km. Với tốc độ đô thị hóa nhanh như bây giờ, mỗi năm có thêm hàng chục km cống được đặt mới và việc làm sạch cống ngày càng khó khăn.
- Đầu tư ít, ý thức chưa cao
Để việc quản lý, nạo vét cống có hiệu quả, ngày 1-1-2003, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 132/2002/QĐ-UB nhằm phân cấp quản lý một số lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị cho các quận, huyện. Hệ thống cống có đường kính dưới 400mm do quận, huyện quản lý, còn cống từ 400 mm trở lên do các Khu quản lý đô thị (Sở Giao thông –Công chính) quản lý.
Theo sự phân cấp này, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 được giao quản lý các quận ở nội thành gồm: quận 1, 3, 5, 10, 11, 6 Phú Nhuận, Bình Thạnh; Khu quản lý đô thị số 2 quản lý các quận 2, 9, Thủ Đức… và Khu quản lý đô thị số 3 (mới thành lập) quản lý khu vực quận 12, Hóc Môn… Điều đáng nói là, tình trạng ngập nước chủ yếu xảy ra ở các tuyến do Khu quản lý đô thị quản lý, mà cụ thể là tại khu vực nội thành.
Bà Phan Hoàng Diệu – Phó Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 cho biết, để chống ngập, trong những năm qua thành phố đã đầu tư nhiều công trình chống ngập như đặt phay ngăn triều, trạm bơm, nạo vét cống, kênh rạch. Chỉ riêng công tác duy tu, nạo vét kênh rạch, thành phố đã đầu tư 70 tỷ đồng, trong đó kinh phí dành cho nạo vét chiếm 60%-70%. Số tiền đầu tư này còn ít so với nhu cầu, chỉ đủ để đầu tư nạo vét gần 1 lượt/năm. Trong khi đó, ý thức của người dân chưa cao, vẫn xả rác tùy tiện nên việc thông cống, chống ngập khó thực hiện tốt.
Ông Chu Quốc Huy – Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị cho biết: “Công ty đã chuyển đổi phương thức hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nên chỉ làm theo yêu cầu của Khu quản lý giao thông đô thị. Những tuyến cống nào được giao thì công ty thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký, ngoài ra chúng tôi không nắm được”.
Ngày 27-6-2003, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 105/2003/QĐ-UB về việc xử phạt những đối tượng xả rác không đúng chỗ. Đối với hành vi đổ rác xuống ao hồ, cống rãnh, mức phạt từ 100 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng. Mặc dù biện pháp chế tài đã có nhưng việc tổ chức thực hiện chưa nghiêm túc nên không giải quyết được nạn kẹt cống, rãnh. Điều cấp bách hiện nay là không những tăng kinh phí đầu tư mà cần thực hiện nghiêm Quyết định 105 và nâng cao ý thức của mỗi người dân.
TRẦN YÊN