(SGGP).- Ngày 1-11, tại Cần Thơ, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đã tổ chức hội nghị lần thứ nhất.
Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL gồm 4 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau, được thành lập vào tháng 4-2009. Tính đến nay, vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL có diện tích tự nhiên là 1.786,7 ngàn ha, dân số trên 6,5 triệu người, chiếm hơn 1/3 dân số của vùng ĐBSCL.
Theo đề án, đến năm 2020, vùng kinh tế trọng điểm này sẽ là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông thủy sản của cả nước. Ngoài ra, vùng kinh tế này còn đóng vai trò quan trọng trong chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp giống, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cho cả vùng ĐBSCL.
Ông Nguyễn Trung Hiếu- Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam bộ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Tại hội nghị, các địa phương thành viên của Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đã xác định cơ chế liên kết trong quy hoạch, sản xuất và phát triển kinh tế- xã hội, thống nhất kiến nghị bộ, ngành trung ương tập trung nguồn lực hỗ trợ các công trình trọng điểm như: xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ - Châu Đốc; dự án cơ sở hạ tầng phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp vùng tứ giác Long Xuyên; đầu tư hoàn thiện đường hành lang ven biển phía Nam giai đoạn 2; xây dựng các nhà máy nước sông Hậu 1, sông Hậu 2 và sông Hậu 3. Tại hội nghị, các địa phương thành viên đã thống nhất bầu Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL giai đoạn 2017 - 2018.
HÀM LUÔNG