Nền văn minh Ấn Độ là một trong những nền văn minh cổ nhất thế giới, bao gồm cả vùng đất ở các nước như Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh ngày nay. Các nhà khảo cổ đã tìm ra cái nôi đầu tiên của Ấn Độ tại lưu vực sông Ấn. Tại đây, người ta tìm thấy những pho tượng một người đàn ông trong tư thế suy tưởng gợi đến môn phái yoga. Rất nhiều hiện vật được tìm thấy ở khu vực Harappa và Mohenjo có niên đại từ năm 3.000 đến năm 1800 trước Công nguyên (CN).
Từ thời điểm khai quật đầu tiên nền văn minh ở Harappa và Mohenjodaro, ngày nay là Pakistan, nền văn minh cổ đại Ấn Độ được xem là nền văn minh lâu đời nhất thế giới cùng với nền văn minh Ai Cập và Lưỡng hà (Iraq ngày nay). Trong thời gian gần đây, các nhà khảo cổ học chia nền văn minh Ấn Độ ra làm 3 thời kỳ: thời kỳ tiền Harappan, thời kỳ Harappan và hậu Harappan. Đặc trưng của giai đoạn tiền văn minh Harappan là nền văn minh đồ đá thô sơ, trong khi giai đoạn hậu Harappan đã xuất hiện những thành phố bằng gạch tinh vi, có hệ thống kho thóc, nhà vệ sinh và cả những chữ viết chưa giải mã được.
Tuy nhiên, tuổi đời của nền văn minh Ấn Độ này đang được nhà khảo cổ học Dikshit xác định lại khi ông tuyên bố đã có bằng chứng chứng minh nền văn minh Ấn Độ cổ đại có sớm hơn 2.000 năm tuổi so với tuổi được xác định hiện nay.
Nhà khảo cổ Dikshit là người đã từng đẩy nền văn minh lưu vực sống Ấn lên sớm hơn 500 năm nhờ những phát hiện năm 1960 và lần này ông lại cho biết khi khu vực Bhirrana (nay là bang Rajasthan) được khai quật từ năm 2003 đến năm 2006, ông và đồng nghiệp đã phát hiện ra nhiều cổ vật có từ những năm 7500 trước CN đến 6200 trước CN.
6 cổ vật được phát hiện ở Bhirrana bao gồm đồ gốm tương đối tiên tiến, cho thấy nền văn minh cổ đại Harappan hay nền văn minh lưu vực sông Ấn bắt đầu sớm hơn người ta đã tưởng và trung tâm của nền văn minh này nằm ở bang Harayana và Rajasthan của Ấn Độ chứ không phải ở Pakistan như đã từng xác định. Những phát hiện mới củng cố lập luận nền văn minh cổ đại Harappan có tuổi gần bằng những nền văn minh ở khu vực ở Tây Á, như thành phố đồ đá Jericho ở Palestine.
H.CHI
(theo Global Post)