Xây dựng không phép, sai phép - Trách nhiệm chính quyền ở đâu?

Xây dựng không phép, sai phép - Trách nhiệm chính quyền ở đâu?

Có người vừa đổ gạch cát chuẩn bị xây nhà là bị chính quyền đến kiểm tra, hết đoàn này đến đoàn khác, vậy mà có gần trăm kiốt giữa trung tâm, không mảnh giấy “lận lưng” vẫn vô tư tồn tại; có nhà xây lấn chiếm ngay “sát nách” UBND phường vẫn… bình yên?! Vì sao? Trách nhiệm chính quyền ở đâu?

  • Hợp thức hóa cho sai phạm?!

Khi con đường Thành Thái (Nguyễn Tri Phương nối dài) phường 14 quận 10 TPHCM khánh thành thì có đến gần trăm kiốt mọc lên hai bên đường, kéo dài gần 200m để… chào hàng. Chủ nhân của những kiốt này là Công ty cổ phần Thiết bị y tế VIMEC. Và điều đáng ngạc nhiên là những kiốt này mọc lên trên đất chưa có chủ quyền, không hề có bất cứ một giấy tờ gì, ngay giấy phép xây dựng cũng không, đã thế còn sai quy hoạch.

Xây dựng không phép, sai phép - Trách nhiệm chính quyền ở đâu? ảnh 1

Dãy kiốt trên đường Thành Thái xây dựng không phép nhưng đã đưa vào hoạt động. Ảnh: HOÀNG ANH THƯ

Theo báo cáo với Sở Xây dựng, đầu năm 2006, khi công trình đang xây dở dang, UBND quận 10 có đến kiểm tra và kết luận: Công ty VIMEC đã có hành vi vi phạm hành chính xây dựng 46 kiốt không có giấy phép. UBND quận cũng đã ra quyết định đình chỉ thi công và phạt vi phạm với mức phạt… 200.000 đồng.

Có lẽ mức phạt chưa đủ “gãi ngứa” nên Công ty VIMEC vẫn xây tiếp. Đến tháng 4-2006, Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra, xử phạt 12.000.000 đồng và buộc công ty thực hiện đúng các quy định về quản lý dự án đầu tư và thủ tục xây dựng.

Dù vậy, đến nay dãy kiốt (hơn 80 kiốt) vẫn hoàn thành, đi vào họat động cho thuê kinh doanh buôn bán với hàng trăm mặt hàng nào là thiết bị y tế, trang trí nội thất, ăn uống… và đương nhiên là biến lòng lề đường nơi này thành khu phố buôn bán nhộn nhịp.

Sau nhiều lần dân phản ánh, khiếu nại, UBND TP đã có công văn giao Sở Tài Nguyên- Môi trường, Sở Quy hoạch- Kiến trúc, UBND quận 10 xem xét đề xuất biện pháp xử lý. Dù trong báo cáo với UBNDTP, Sở Xây dựng nhận định: Công ty VIMEC không chấp hành đình chỉ thi công để thực hiện các quy định về đầu tư xây dựng là hành vi coi thường pháp luật; hành vi này cần được xử lý nghiêm minh.

Theo quy định tại điều 120 Luật Xây dựng, công trình xây dựng sai quy hoạch, không có giấy phép xây dựng thì phải bị phá dỡ toàn bộ hoặc phần vi phạm theo quy định. Thế nhưng, UBND quận 10 lại gởi công văn số 9471/UBND-QLĐT đề nghị Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP chấp thuận cho Công ty VIMEC được giữ nguyên hiện trạng hai dãy kiốt vì các dãy kiốt xây dựng trong phần đất của công ty quản lý và không vi phạm quy họach lộ giới xây dựng.

Thế là, Sở Xây dựng lại kiến nghị UBND TP hướng xử lý là: Giao UBND quận 10 phối hợp với Sở Quy hoạch-Kiến trúc lập và phê duyệt chi tiết tỷ lệ 1/2000 tại khu vực này. Điều này, đồng nghĩa với hướng mà UBND quận đề xuất - tức giữ nguyên hiện trạng các dãy kiốt - và đó cũng là cách “hợp thức hóa cho sai phạm”!

  • Vô tư xây sai phép bên “nách” UBND phường

Xây dựng không phép, sai phép - Trách nhiệm chính quyền ở đâu? ảnh 2

Căn nhà 312A Minh Phụng phường 2 quận 11 được xây dựng lấn chiếm khoảng không đất chùa Phụng Sơn. Ảnh: H.A.T.

Căn nhà 312A Minh Phụng phường 2 quận 11 nằm ngay “sát nách” UBND phường, thế nhưng, công trình này vẫn ngang nhiên xây dựng lấn chiếm khoảng không đất chùa Phụng Sơn - di tích văn hóa quốc gia.

Diện tích xây dựng vi phạm của tòa nhà này được xác định tổng cộng hơn 800m2 (vượt 2 tầng, vi phạm chỉ giới, lấn chiếm diện tích chùa…). Kể từ khi chủ nhà xây dựng công trình (năm 2002), phường đã kiểm tra, phát hiện vi phạm và xử phạt… 200.000 đồng và có công văn đề nghị quận xử lý. Sau khi quận 11 kiểm tra, thấy vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý của mình, quận gởi công văn đề nghị Sở Xây dựng xử lý.

Một lần, hai lần, ba lần, các công văn của quận gởi lên sở nhưng tất cả đều… đi về đâu chẳng biết. Mãi đến năm tháng 10- 2004, UBND TP giao Sở Xây dựng kiểm tra, xử lý sai phạm theo đúng pháp luật. Tháng 12-2004, đồng chí Nguyễn Văn Đua, lúc ấy là Phó Chủ tịch UBND TP đã gởi công văn giao Sở Xây dựng ban hành quyết định buộc tháo dỡ phần công trình xây dựng sai phép với tổng diện tích 812m2 và thời gian tháo dỡ trước Tết âm lịch 2005.

Quận cũng gởi công văn chỉ đạo phường phải kiểm tra, không cho chủ hộ xây dựng tiếp, phường trả lời công trình đã được đình chỉ. Thế nhưng, đến nay, mặc dù đã có đến 6-7 công văn, tài liệu của UBND quận 11 gởi lên Sở Xây dựng và UBND TP đề nghị xử lý (vàø đã được lãnh đạo TP giao đích danh), Sở Xây dựng vẫn… im lặng! Còn ở phường chẳng hiểu kiểm tra, giám sát cách nào, đến nay công trình không những đã hoàn thành mà chủ hộ còn làm đơn xin… tồn tại công trình.

  • Xử lý người chịu trách nhiệm?

Trên đây là hai trong rất nhiều vụ vi phạm xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm đất công… trên địa bàn TP. Và trước các vụ việc này, người dân trong khu vựïc, nhất là cán bộ hưu trí đã phát hiện, phản ánh, kể cả trong các cuộc tiếp xúc cử tri, thế nhưng… sai phạm vẫn tồn tại.

Trách nhiệm của ai? Sở Xây dựng có trách nhiệm gì khi không ra được văn bản xử lý – mặc dù đã có sự chỉ đạo của UBND TP? Chính quyền quận và phường có trách nhiệm gì khi hành vi sai phạm xảy ra ngay trên địa bàn quản lý của mình mà vẫn làm ngơ hoặc không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu?...

Có thể, để thanh minh, mỗi ngành, mỗi cấp liên quan sẽ đưa ra những “lý do khách quan” khác nhau và có thể đều… có lý. Thế nhưng, đối với người dân - như các ý kiến được các đại diện cử tri nêu ra trong các lần tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội, HĐND - những người ăn lương của dân để kiểm tra giám sát mà không hoàn thành nhiệm vụ, để sai phạm phát sinh trên địa bàn, đều phải bị xử lý trách nhiệm.

Sai phạm trên địa bàn không được xử lý thì xử lý ngay cán bộ chịu trách nhiệm quản lý lĩnh vực, địa bàn. Làm được như vậy, kỷ cương phép nước ắt sẽ nghiêm. 

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục