Miền Trung: Lũ tiếp tục lên nhanh

Thừa Thiên - Huế:  “người còn là của còn”
Miền Trung: Lũ tiếp tục lên nhanh

Do ảnh hưởng kết hợp của đợt gió Đông trên cao và không khí lạnh tăng cường từ phía Bắc tràn về, nên trong ngày 15 và 16-10, tại hầu hết các tỉnh miền Trung xảy ra mưa lũ trên diện rộng. Dự kiến sáng 17-10, lũ trên các sông sẽ đạt đỉnh ở mức trên báo động 3; hàng vạn ngôi nhà sẽ bị ngập, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của hàng ngàn người dân, đặc biệt là vùng thấp trũng...

Thừa Thiên - Huế:  “người còn là của còn”

Miền Trung: Lũ tiếp tục lên nhanh ảnh 1

Lũ lại vùi dập làng mạc ở Quảng Bình khiến học sinh đi học trở về nhà trong cảnh bì bõm.

Đến 10 giờ sáng 16-10, khu vực thấp trũng nhất của TP Huế như phường Phú Cát, Xuân Phú...  đã bị cô lập hoàn toàn. Ông Văn Nam, phường Phú Cát, cho biết: “Sáng 16-10, nước lũ tại sông Bạch Đằng (một nhánh sông Hương) lên rất nhanh, tràn vào nhà dân. Chúng tôi chỉ biết đưa người già, con trẻ xuống ghe nhỏ đến những ngôi nhà cao tầng khu vực trung tâm của phường để trú ẩn. Người còn là của còn”.

Quãng đường từ TP Huế về đến trung tâm huyện Quảng Điền dài khoảng 15km nhưng phải mất 3 giờ chúng tôi mới về tới nơi vì tất cả tuyến đường về huyện đều có mực nước cao hơn so với mặt đường 0,5-1m. Ông Nguyễn Mới, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, cho biết: Ở 7 xã bãi ngang của huyện chạy dọc theo sông Bồ là Quảng An, Quảng Phước, Quảng Thành, Quảng Thọ, Quảng Vinh, Quảng Phú và thị trấn Sịa, nước lũ đã dâng cao 1,5-2m. Chính quyền sẽ tổ chức di dời khoảng 6.500 dân vùng ngập trũng đến nơi an toàn. Hiện tại, huyện đang thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, trong đó vận động dân chủ động chuẩn bị các loại lương thực, dầu thắp sáng...

Ông Hồ Đăng Vang, Phó ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết, nước lũ năm nay lên nhanh và cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Hiện nước lũ vẫn tiếp tục dâng cao, tại vùng ven biển có gió  mạnh cấp 7, giật trên cấp 7 nên cương quyết không cho tàu thuyền của ngư dân ra khơi, nếu hộ nào không chấp hành sẽ bị xử phạt nặng. Trong khi đó, các huyện vùng trũng như Phong Điền, Phú Lộc đã chủ động di dời hơn 3.000 dân ra khỏi vùng ngập lụt, có nguy cơ sạt lở. Hơn 10.000 người dân vạn đò thuộc các phường Phú Cát, Phú Bình, Vỹ Da, Xuân Phú ở Huế đã được chính quyền địa phương đưa vào tạm trú tại Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, Chu Văn An...

Đà Nẵng: Hơn 14.000 học sinh nghỉ học

Từ sáng 16-10, Phòng Giáo dục huyện Hòa Vang chủ động cho học sinh thuộc một số xã Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Liên, Hòa Bắc và Hòa Sơn nghỉ học. Theo đó, sáng nay, hơn 14.000 học sinh từ bậc mầm non đến THPT phải nghỉ học. Người dân chống chọi với lũ bằng mì tôm. Ông Đinh Văn Thống, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, cho biết: “Theo thống kê sơ bộ, đã có 388 ngôi nhà tại 9 thôn của xã Hòa Nhơn bị ngập trong nước”.

Quảng Nam: Lũ quét cuốn trôi một giáo viên

Miền Trung: Lũ sẽ vượt báo động 3

Lũ các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi đang lên, riêng các sông ở Thừa Thiên - Huế đang ở mức rất cao. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng – Thủy văn Trung ương, lũ các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi tiếp tục lên và còn ở mức cao trên báo động 3 trong những ngày tới. Đề phòng lũ quét và sạt lở đất tại vùng núi và ngập lụt sâu ở vùng trũng, đồng bằng ở các tỉnh trên.

V.N.

Ông Trương Công Kích, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho biết: Nếu nước vượt tràn, sẽ tiến hành di dời hơn 600 người dân của 3 thôn Tích Phú, Phú Trung và Ấp Bắc của xã Đại Hiệp. Theo thống kê sơ bộ, đã có 27 điểm sạt lở gây tắc đường ở 6 huyện miền núi. Điều đáng lo là hiện nay, gạo dự trữ của tỉnh tại Công ty Lương thực - Dịch vụ Quảng Nam, công ty có trách nhiệm dự trữ gạo cho thiên tai, chỉ còn 23 tấn, một con số quá nhỏ bé với cả chục ngàn đồng bào nếu xảy ra sự cố tắc đường kéo dài. Được biết, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản xin Chính phủ hỗ trợ thêm 1.500 tấn gạo để cứu đói và dự phòng trong mùa mưa bão năm nay.

Chiều 16-10, thầy giáo Nguyễn Văn Hay (48 tuổi), Trường Tiểu học Kim Đồng, phân hiệu III xã Quế Thọ (huyện Hiệp Đức), trên đường đi dạy về đã bị lũ quét cuốn trôi.

Quảng Trị: Hàng trăm ha hoa màu bị ngập

Hàng trăm ha hoa màu, lúa của huyện Cam Lộ chưa kịp thu hoạch đã ngập trong nước, nguy cơ bị mất trắng hoàn toàn. Hàng trăm nhà dân ở xã Cam Tuyền bị ngập sâu, có nhiều đoạn bị nước cô lập. Hơn 50 hồ cá của xã Cam Hiếu bị lũ cuốn trôi.

Kon Tum: 3 xã huyện Đăk Glei bị cô lập vì núi lở

Trên địa bàn huyện Đăk Glei xảy ra mưa lớn, làm sạt lở nghiêm trọng 5 điểm trên tuyến đường Đăk Tả - Ngọc Linh (Tỉnh lộ 673), với hàng chục ngàn mét khối đất đá và cây cối chắn ngang đường. Bà con các xã Đăk Choong, Mường Hoong và Ngọc Linh gần như bị cô lập hoàn toàn.

Quảng Ngãi: Sạt lở sông Vệ

Nước lên nhanh, chảy xiết đã gây sạt lở nghiêm trọng dọc theo hai bên bờ sông Vệ, từ cầu Cộng Hòa (xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành) đến Cửa Lở (xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức), với gần 20 điểm sạt lở nghiêm trọng.   Để đối phó với tình hình sạt lở, huyện Nghĩa Hành đã huy động bà con đóng cọc tre, thả bao cát chắn nước, nhưng nước lên nhanh, mọi biện pháp đều không có tác dụng.

Nhóm PV

Sơ tán dân khỏi các vùng ngập lụt

Chiều tối 16-10, Thủ tướng Chính phủ có công điện 1545/ CĐ-TTg yêu cầu: Chủ tịch UBND các tỉnh, TP: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi phải triển khai ngay các biện pháp cần thiết theo phương án 4 tại chỗ để chống lũ nhằm hạn chế thiệt hại do lũ lụt gây ra, nhất là thiệt hại về người. Tập trung mọi lực lượng, phương tiện cần thiết để sơ tán, di dời dân ở các vùng ngập lụt, vùng sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn.

Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp cần thiết để phòng, chống lũ; Ủy ban quốc gia TKCN, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an bố trí lực lượng, phương tiện để đối phó; phối hợp cùng các tỉnh tham gia ứng cứu và xử lý các tình huống khẩn cấp về lũ lụt. Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Quốc gia tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thông báo, cảnh báo kịp thời để chủ động đối phó. Bộ GTVT chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hành khách và các phương tiện vận tải; huy động lực lượng, phương tiện cần thiết để khắc phục hậu quả, bảo đảm giao thông.

Cùng ngày Ban chỉ đạo PCLB Trung ương - Ủy ban quốc gia TKCN yêu cầu Ban chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, TP tổ chức sơ tán để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; kiểm tra việc dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm ở những vùng dễ bị lũ chia cắt. Các tỉnh, TP không để học sinh tự đi lại trên các đoạn đường ngập nước có dòng chảy xiết và qua các ngầm, không để dân ra sông vớt củi khi có lũ; ngắt điện ở khu vực bị ngập lũ để đảm bảo an toàn...

T. Hùng

Báo SGGP hỗ trợ gia đình nạn nhân vùng lũ Thanh Hóa

Theo báo cáo từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Thanh Hóa có 15 người chết và 2 người mất tích trong trận lũ vừa qua. Trong đau thương ấy, bạn đọc Báo SGGP đã kịp thời hỗ trợ 47 triệu đồng, trong đó mỗi nạn nhân bị chết do lũ nhận 3 triệu đồng; 2 nạn nhân mất tích, mỗi người 1 triệu đồng.

Trận lũ tại Thanh Hóa hoành hành tại 7 huyện từ đồng bằng lên miền núi. Về từng địa phương, xuống tận từng gia đình mới thấy rõ cái đau cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cả cha lẫn mẹ. Ngược ra huyện Yên Định, về xã Yên Tâm, người địa phương vẫn còn nhắc đến cái chết của anh Đỗ Công Nam, 37 tuổi. Lũ lên, anh Nam đi dọn dẹp chạy lũ cho người chị cách đó 4km, trên đường về bị nước cuốn trôi. Xã phải huy động 150 dân quân tìm suốt 6 ngày mới tìm được xác. Nhận 3 triệu đồng từ sự chia sẻ của bạn đọc Báo SGGP, chị Lương Thị Hiền bồng đứa con nhỏ cùng bà nội Ngô Thị Khánh 78 tuổi ngấn tràn nước mắt cảm ơn.

Xuôi về huyện Vĩnh Lộc, Hội Chữ thập đỏ địa phương thông báo, trận lũ đã cướp đi sinh mạng một chiến sĩ công an thị trấn, anh Vũ Ngọc Bơn. Cô giáo (dạy trường cấp 2 của huyện) Trịnh Thị Tiến, vợ anh Bơn mấy ngày qua vẫn chưa hết nguôi ngoai vì anh Bơn vượt nước dữ đi đón hai mẹ con chạy lũ, không ngờ trên đường đi bị lũ cuốn không một lời trăng trối. Huyện Vĩnh Lộc thiệt hại nặng nhất tỉnh Thanh Hóa với 5 người chết, trong đó có 3 công nhân xí nghiệp gạch của huyện gồm Mai Văn Xuân, Trịnh Huy Bình, Lê Tuấn Khanh do mải mê vận chuyển tài sản cơ quan đến nơi cao ráo đã bị con nước dữ cuốn chết trên cánh đồng Tài Lang để lại vợ dại con côi. Cũng tại huyện Vĩnh Lộc, ở xã Vĩnh Thành, người vợ Nguyễn Thị Gấm cùng con nhỏ 5 tuổi Hà Thị Hồng vẫn ngày ngày vò võ đợi chồng, đợi cha (Hà Văn Tiến) bị lũ cuốn chưa tìm được xác.  Thương nhất là cái chết của hai vợ chồng Lò Văn Thêu, Hà Thị Ngoãn, người dân tộc Thái, ở huyện miền núi Bá Thước. Anh Thêu chị Ngoãn ở làng Eo Kén, xã Thành Sơn có 3 đứa con, đứa gái lớn lấy chồng bên làng Pả Ban cùng xã, trong lũ, nghe tin con gái đau, cả hai vợ chồng vượt lũ đến thăm. Trên đường về, trời mưa to, đường trơn, Lò Văn Thêu ngã chúi đầu xuống đá, vỡ sọ chết, người vợ thấy vậy lao theo kéo xác chồng lên nhưng cũng bị lũ cuốn trôi. Địa phương vừa mới tìm được xác vợ chồng. Họ chết, để lại hai con Lò Văn Râm 16 tuổi, Lò Văn Ro 6 tuổi trong cảnh  thất thểu mồ côi.

M. Phong

Tin cùng chuyên mục