Vẫn có thể cắt điện luân phiên

Vào chiều 11-4, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí đã phát điện trở lại lên lưới điện Quốc gia với công suất 200MW, sau một thời gian nghỉ không phát điện, để hiệu chỉnh các thiết bị và nâng công suất.

Cùng ngày, Nhà máy điện Cà Mau 1 đã nâng công suất của tổ máy 1 đang tạm thời chạy bằng nhiên liệu dầu đạt mức tối đa 230MW. Tuy nhiên, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đây mới chỉ là giải pháp tạm thời. Khả năng cắt điện luân phiên vẫn có thể xảy ra.

Theo lý giải của EVN, mặc dù Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng ở Quảng Ninh đã chạy thử và phát điện trở lại trên lưới điện quốc gia, với công suất 200MW nhưng mới chỉ là tạm thời, chưa mang tính ổn định. Nếu theo thiết kế, nhà máy nhiệt điện Uông Bí phải hoàn thành vào tháng 4 – 2006.

Tuy nhiên, sau nhiều lần vận hành thử chưa bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, nên đến tận tháng 12-2006 mới cơ bản hoàn thành. Đáng lưu ý là, thiết kế của nhà máy này có 20 vòi chạy bằng than, nhưng đến thời điểm hiện nay khi cao điểm nhất mới chỉ có 8 vòi chạy bằng than, còn lại 12 vòi vẫn phải chạy bằng dầu và còn đang chờ hiệu chỉnh, nên chưa lấy gì bảo đảm chắc chắn là nhà máy này sẽ cung cấp được 200MW cho hệ thống điện quốc gia.

Việc vận hành Nhà máy điện Cà Mau, sau những lần chạy thử và nâng dần công suất để đưa vào hệ thống điện quốc gia, vẫn bị trục trặc nhiều lần. Có những lần nhà máy này phát vào hệ thống điện quốc gia 200MW, nhưng chỉ được 4 tiếng là phải ra khỏi hệ thống. Đáng ngại hơn, Nhà máy điện Cà Mau thiết kế chạy bằng khí, nhưng việc lắp đặt các hệ thống chưa hoàn chỉnh, nên không chạy được bằng khí mà phải chạy bằng dầu để “cấp cứu” cho nhu cầu tiêu dùng điện tăng cao.

Dù đã chủ động tích nước từ mùa mưa năm 2006, nhưng mực nước của Nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện nay vẫn thấp hơn so với cùng thời gian năm 2006 là 6 mét. Sở dĩ có hiện tượng này là, sau khi phải xả 3 đợt nước chống hạn ở Bắc bộ, Nhà máy điện Phả Lại và Phú Mỹ lại xảy ra sự cố nên Nhà máy thủy điện Hòa Bình phải tăng lượng xả nước phát điện vào lưới điện quốc gia. Mặt khác, trong ngày 12-4, lượng nước về hồ Hòa Bình chỉ đạt 110m³/giây, chỉ bù đắp được lượng nước bốc hơi, chứ không làm tăng thêm mực nước hồ Hòa Bình.

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia cho biết: trong trường hợp vào tháng 5, có lũ tiểu mãn trên hệ thống sông Đà và các nhà máy điện khác vận hành đều đặn, mới có thể tạm cung cấp ổn định điện cho nhu cầu tiêu dùng. Nhưng khả năng này là tương đối mong manh, đặc biệt thời gian tới, thời tiết ở Bắc bộ nóng lên, nhu cầu tiêu dùng điện sẽ tăng vọt.

Tuy khó khăn về khả năng cung ứng điện, nhưng EVN cũng cam kết, sẽ cố gắng duy trì lượng phát điện ổn định vào lưới điện quốc gia ở hai nhà máy điện Phả Lại và Phú Mỹ vừa khắc phục xong các sự cố , phát điện trở lại với công suất khoảng 1.000MW (tương đương với 10% công suất phát điện trên toàn hệ thống). Nếu hai nhà máy này phát điện ổn định cộng với tổng công suất có thể kỳ vọng vận hành ở hai Nhà máy điện Uông Bí và Cà Mau là 380 – 400MW (khoảng 4% công suất phát điện toàn hệ thống)  sẽ giảm được tình trạng cắt điện luân phiên.

EVN cũng cho biết thêm, dự kiến vào ngày 26-4, sẽ đưa đường dây 220 kV từ Hà Giang tới Thái Nguyên dẫn nguồn điện mua của Trung Quốc về với công suất là 1,5 triệu kWh,  nâng tổng công suất mua điện của Trung Quốc lên trên 7 triệu kWh (tương đương với 4% tổng công suất điện toàn hệ thống). Như vậy, tình trạng cắt điện luân phiên mới có thể giảm đi.

THÀNH NAM

Tin cùng chuyên mục