Vinapco và Pacific Airlines “thi gan”- Nhiều chuyến bay bị hoãn vì thiếu nhiên liệu

Nhiều chuyến bay của Hãng hàng không Pacific Airlines (PA) bị hoãn vì Công ty xăng dầu hàng không (Vinapco, thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam) không chịu cung cấp nhiên liệu cho các máy bay của PA. Đây là chuyện hy hữu nhưng không phải là chuyện “cá tháng tư” mà là sự thật 100%, xảy ra sáng 1-4.

PA muốn được công bằng

Hàng trăm hành khách đi các chuyến bay đầu ngày 1-4 của PA đã làm xong thủ tục, chờ ra máy bay tại phòng cách ly sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), nhưng máy bay không cất cánh được vì thiếu nhiên liệu.

PA cho biết, Vinapco đã đơn phương ngưng cung cấp nhiên liệu, làm ảnh hưởng đến lịch bay của PA, hàng trăm hành khách xuất phát từ TPHCM phải hoãn chuyến. Ngay trong sáng 1-4, PA đã có công điện khẩn gửi Văn phòng Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành để cầu cứu.

Sau vài giờ “thi gan” giữa PA và Vinapco, nhờ có sự can thiệp từ lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Vinapco đã chấp thuận nạp nhiên liệu tạm thời để máy bay PA hoạt động. Đến 9 giờ sáng 1-4, chuyến bay đầu tiên của PA mới được xuất phát.

PA giãi bày, ngày 31-12-2007, PA và Vinapco đã ký hợp đồng mua bán xăng dầu máy bay Jet A1 cho năm 2008. Theo hợp đồng này, ngoài việc thanh toán theo giá mua xăng dầu thực tế, chi phí vận chuyển, bảo hiểm, thuế nhập khẩu, PA phải trả cho Vinapco phí nạp xăng dầu 593.000 đồng/tấn (mức phí cho năm 2007 là 565.000 đồng/tấn).

Nhưng đến ngày 20-3-2008, PA nhận được công văn của Vinapco đề nghị tăng phí nạp xăng dầu lên 750.000 đồng/tấn. Ngày 24-3, làm việc với Vinapco, PA đề nghị Vinapco không tăng phí nạp xăng dầu cho riêng PA, mà phải giải quyết đồng bộ, đối xử bình đẳng với PA như với Vietnam Airlines (VNA).

Ngày 25-3, PA tiếp tục nhận được công văn của Vinapco, yêu cầu PA xác nhận đồng ý tăng phí nạp xăng dầu trước ngày 31-3-2008. Nhưng PA không chấp thuận yêu cầu. Chiều 31-3, Vinapco gửi thông báo ngừng nạp xăng dầu cho PA từ 0 giờ ngày 1-4-2008.

Qua việc này, PA bức xúc vì cho rằng Vinapco đã lợi dụng vị thế kinh doanh độc quyền xăng dầu máy bay tại Việt Nam để áp đặt khách hàng. Việc đơn phương ngừng cung cấp nhiên liệu của Vinapco là vi phạm hợp đồng.

Vinapco làm đúng luật?

Ngay trong ngày 1-4, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Trần Hữu Phúc, Giám đốc Công ty Vinapco cho biết, việc Vinapco đơn phương chấm dứt hợp đồng với PA là hoàn toàn đúng luật. Sau khi Chính phủ đã bỏ bù lỗ đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, không còn trợ giá, các doanh nghiệp phải tính toán lại chi phí kinh doanh.

Vinapco và PA đã có nhiều buổi làm việc về việc tăng phí này. Trong biên bản làm việc ngày 24-3, các đại diện của PA cũng thừa nhận, việc điều chỉnh tăng phí cung ứng là hợp lý. Nếu tính toán chi tiết các khoản mục chi phí hợp lý thì phí cung ứng cho PA phải là 779.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, để chia sẻ một phần khó khăn cho PA, từ 1-4 đến 30-6-2008, Vinapco sẽ áp dụng mức phí là 750.000 đồng/tấn.

Từ 1-7-2008 trở đi, hai bên sẽ căn cứ theo giá nhiên liệu thế giới để điều chỉnh theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi các bên. Từ năm 2009, phí cung ứng sẽ được tính toán theo từng sân bay cụ thể, phù hợp với thông lệ chung và qui định của các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan.

Về việc PA muốn được đối xử công bằng như với VNA, ông Phúc bày tỏ quan điểm, Vinapco không hề có sự phân biệt đối xử nào giữa VNA với PA. Thực tế, VNA đang chờ trình duyệt việc tăng phí từ ban giám đốc. VNA cũng phải chấp nhận phí mới mà Vinapco đưa ra.

Hiện nay, số lượng xăng dầu Vinapco cung ứng cho VNA gấp 10 lần so với PA. Trong chiến lược kinh doanh, Vinapco cũng phải có những thỏa thuận hợp lý cho những khách hàng lớn. Việc PA khăng khăng đòi được áp dụng mức phí như VNA là không đúng.

Vinapco chưa chính thức áp dụng mức phí mới với VNA, chứ không phải là không áp dụng. Ông Phúc khẳng định, Vinapco chỉ tạm thời cung ứng nhiên liệu cho PA. Nếu PA không chấp thuận điều chỉnh trên, bắt buộc Vinapco phải ngừng cung cấp để tránh tình trạng thua lỗ.

Việc cả hai bên phải ngồi lại với nhau để giải quyết rốt ráo vấn đề trên chắc chắn là việc phải làm. Tuy nhiên, vì “thi gan” nhau mà để khách hàng bị thiệt thòi thì rõ ràng là chuyện khó có thể chấp nhận. 

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục