Vụ cháy chợ Quảng Ngãi - Vẫn bài học cũ!

Sự việc chợ Quảng Ngãi bị cháy đã gây tổn thất nặng nề gần 450 tiểu thương và dư luận cũng bức xúc về công tác phòng cháy chữa cháy, quy hoạch và quản lý chợ. Sau vụ cháy, ông Nguyễn Tăng Bính, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi đã phải thốt lên rằng đây là một thảm họa của Quảng Ngãi, bởi đó là chợ trung tâm - đầu mối cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho hàng vạn người dân, phút chốc cháy rụi gây xáo trộn về cuộc sống.
Vụ cháy chợ Quảng Ngãi - Vẫn bài học cũ!

Sự việc chợ Quảng Ngãi bị cháy đã gây tổn thất nặng nề gần 450 tiểu thương và dư luận cũng bức xúc về công tác phòng cháy chữa cháy, quy hoạch và quản lý chợ. Sau vụ cháy, ông Nguyễn Tăng Bính, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi đã phải thốt lên rằng đây là một thảm họa của Quảng Ngãi, bởi đó là chợ trung tâm - đầu mối cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho hàng vạn người dân, phút chốc cháy rụi gây xáo trộn về cuộc sống.

Các mặt hàng đã rục rịch tăng giá, trước đó 25.000 đồng/đĩa cơm, trưa 11-2 đã tăng lên 35.000 đồng/đĩa. Hỏi chủ quán sao tính giá cao thế thì được trả lời do cháy chợ, không có nguồn cung thực phẩm…! Cả hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Ngãi đã vào cuộc sau hỏa hoạn tính các phương án an sinh. Vậy nhưng, từ vụ cháy chợ này cũng cần phải rút ra nhiều bài học.

Mặt bằng chợ tạm được xây dựng nhanh chóng cho các hộ tiểu thương kinh doanh.

Mặt bằng chợ tạm được xây dựng nhanh chóng cho các hộ tiểu thương kinh doanh.

Việc cháy chợ không xa lạ gì với Quảng Ngãi, trước đó, chợ Di Lăng (huyện Sơn Hà) bị cháy; năm 2008, chợ Châu Ổ (huyện Bình Sơn) cũng bị lửa thiêu rụi, xa hơn nữa là chợ Quy Nhơn (Bình Định) cũng bị cháy… Hàng loạt vấn đề, nguyên nhân được phân tích sau các vụ cháy như vụ cháy chợ Châu Ổ xe cứu hỏa không có nước, không có cột nước chờ, đường vào chữa cháy nhỏ hẹp nên xe không thể tiếp cận…

Vậy nhưng, nếu đem những bất cập đó chiếu vào vụ cháy lần này thì cũng chẳng có gì mới hơn. Tiếp xúc với các tiểu thương trong chợ, gần như bức xúc đều dồn về quy hoạch, bố trí các sạp tạm ngay trên lòng đường bên hông chợ khiến xe chữa cháy không vào được; toàn bộ mặt bằng phía trước chợ bị lực lượng bảo vệ trưng dụng để nhận gửi xe.

Trong khi đó, theo đại tá Nguyễn Thanh Trang, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi, thiết bị và công tác chữa cháy cũng gặp không ít khó khăn. Đơn cử như đường vào điểm cháy nhỏ do các sạp tạm, người dân lấn chiếm mái hiên, xe chữa cháy không tiếp cận được; 4 cọc chờ cung cấp nước khi xảy ra cháy thì 3 cọc bị hư hại, không sử dụng được; hệ thống điện sinh hoạt đấu nối chung với hệ thống chữa cháy nên khi bị cúp điện các máy bơm nước từ cọc chờ lên xe chữa cháy không thể hoạt động.

Chợ có 2 máy bơm tự động chữa cháy, một máy sử dụng điện và một dùng nhiên liệu để bơm phun sương làm mát, nhưng chẳng có ai điều khiển máy bơm này hoạt động. Vậy trách nhiệm của ban quản lý chợ ở đâu? Một bất cập nữa được ông Trang nêu ra là hiện nay phương tiện chữa cháy không chỉ của Quảng Ngãi mà cả miền Trung đều bất cập.

Trong vụ hỏa hoạn, Quảng Ngãi đã phải cầu cứu xe chữa cháy của 6 đơn vị trong và ngoài tỉnh với 22 xe. Vậy nhưng cũng phải mất gần 8 tiếng mới khống chế và cơ bản dập tắt được ngọn lửa. Nguồn nước thiếu, xe chữa cháy nhỏ, không có xe thang nên dù có nỗ lực và huy động hết quân số, thiết bị cũng không thể dập nhanh hơn được. Tỉnh đã kiến nghị Cục Cảnh sát PCCC trang bị cho Quảng Ngãi một xe chữa cháy thang, một xe cứu thương nhưng vẫn chưa nhận được. Phương án về xây dựng trung tâm chữa cháy tại Khu kinh tế Dung Quất cũng đã được tính tới, nhưng lại vẫn chưa thể triển khai.

“Cứu hỏa như cứu người”, nhưng với cách quản lý của Ban quản lý chợ Quảng Ngãi, quy hoạch các sạp kinh doanh không phù hợp; xây dựng các cửa thông gió của chợ không thể đưa nước vào trong; thiết bị chữa cháy không đồng bộ, nước tại các cọc chờ phục vụ chữa cháy không đáp ứng… vô hình trung đã khiến mức độ thiệt hại do hỏa hoạn gây ra càng nặng nề hơn. Chính vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng đã phải chỉ đạo các lực lượng chức năng từ bài học cháy chợ, phải rút kinh nghiệm về công tác phòng chống cháy nổ. 

HÀ MINH 

Tiểu thương bị thiệt hại nhận tiền hỗ trợ

Sáng 11-2, các đồng chí Võ Văn Thưởng, Bí thư Tỉnh ủy; Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đến hiện trường xây dựng chợ tạm nằm cuối đường Phạm Văn Đồng kiểm tra việc triển khai xây dựng chợ tạm, sau đó làm việc với lãnh đạo Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, đơn vị chủ đầu tư xây dựng, quản lý chợ tạm.

Cùng ngày, UBND TP Quảng Ngãi và Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi tiến hành chi hỗ trợ tiền cho tiểu thương bị thiệt hại trong vụ cháy chợ tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Đầu tư – Phát triển Việt Nam chi nhánh Quảng Ngãi. Đối với diện được Công ty CP Nông sản thực phẩm hỗ trợ, các tiểu thương được nhận một lần với số tiền 9 triệu đồng.

Trong khi đó, diện theo UBND TP Quảng Ngãi hỗ trợ mỗi tiểu thương nhận 5 triệu đồng. Trong ngày, đã có 230 hộ của các ngành hàng thực phẩm khô, tạp hóa, bia sữa, thuốc lá, quần áo may sẵn được nhận tiền. Số còn lại kinh doanh vải, giày dép, trang thiết bị gia đình, đồ chơi trẻ em, đồ điện, nông sản, bánh kẹo, tân dược, mỹ phẩm, nón lá, lưới cước, đồng hồ, may vá và các mặt hàng nhỏ lẻ sẽ được nhận hôm nay (12-2). “So với số tiền 450 triệu đồng đã bị cháy rụi thì chẳng thấm tháp gì. Chúng tôi vẫn cương quyết đề nghị Công ty CP Nông sản thực phẩm bồi thường thiệt hại” - bà Nguyễn Thị Tí bức xúc.

Cũng trong sáng 11-2, khoảng 130 đoàn viên, thanh niên và 200 chiến sĩ của Tỉnh đội, Công an Quảng Ngãi tham gia dọn dẹp vệ sinh trong chợ. Đơn vị tư vấn cũng vào hiện trường khảo sát, đề xuất phương án phá dỡ bỏ chợ bị cháy, sau đó mới tiến hành xây mới lại chợ.

Trong khi đó, mặt bằng chợ tạm trên đường Phạm Văn Đồng cũng đang được Công ty TNHH Vĩnh Phúc huy động 30 xe máy, thiết bị và gần 50 nhân lực khẩn trương thi công. Hiện công tác san lấp mặt bằng đã xong, trong ngày mai sẽ tiến hành đổ bê tông nền. Về nguyên nhân vụ cháy, hiện cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận chính thức. Nhóm bảo vệ trực đêm 9-2 (đêm xảy ra cháy) đã được mời lấy lời khai. Tuy nhiên, còn chờ kết quả khám nghiệm hiện trường mới biết được nguyên nhân chính thức.

Đến chiều 11-2, theo MTTQ VN tỉnh Quảng Ngãi, các tổ chức, cá nhân đã đăng ký và hỗ trợ hơn 6,5 tỷ đồng giúp đỡ các hộ tiểu thương bị thiệt hại.

H.M.


- Thông tin liên quan:

>> Sáng nay, 11-2, bắt đầu chi hỗ trợ tiền cho bà con tiểu thương bị thiệt hại do cháy chợ Quảng Ngãi

Tin cùng chuyên mục