Theo thống kê 5 tháng đầu năm, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại trẻ em. Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình là 21,3%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, người lạ là 12,6%...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em (năm 1990). Điều 37 Hiến pháp quy định, trẻ em được Nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Trong điều kiện còn là một nước nghèo, Nhà nước đã cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho tất cả trẻ em dưới 6 tuổi; gần 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng; gần 100% trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu giáo; Nhà nước không thu học phí đối với học sinh tiểu học… Tuy nhiên, công tác trẻ em vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó có tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Còn nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý chưa nghiêm. Bên cạnh đó, mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, gần 2.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu thực trạng trong bối cảnh toàn cầu hóa, giá trị truyền thống bị thay đổi, mai một. Cha, mẹ, thành viên gia đình chưa dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ con em mình. Hình ảnh đoàn tụ trong mỗi bữa cơm gia đình còn ít; “bữa cơm mỗi người cầm một cái máy vào mạng suốt, không ai nói một lời”… Những thông tin thiếu sàng lọc trên Internet, mạng xã hội và những điều phức tạp khác tác động rất lớn đến nhân cách, tâm hồn trẻ em.
“Một đứa trẻ sống trong đùm bọc sẽ biết quan tâm đến mọi người. Một đứa trẻ sống bằng lẽ phải sẽ biết được lẽ công bằng. Một đứa trẻ thường xuyên được ngợi khen sẽ biết trân trọng người khác. Một đứa trẻ thường xuyên được khích lệ sẽ trở nên tự tin. Một đứa trẻ sống trong hạnh phúc sẽ tìm được tình yêu và cái đẹp”, Thủ tướng nhấn mạnh. Do đó, Thủ tướng cho rằng chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh cho các em là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững, lâu dài. Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, của mỗi cộng đồng dân cư và mỗi gia đình. Trong đó, bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em là không thể chấp nhận, dung thứ cả về pháp lý, đạo đức xã hội.
Thủ tướng yêu cầu phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cho việc thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt quyền được bảo vệ, được sống an toàn của trẻ em. Chủ tịch UBND cấp xã bố trí ngay người làm công tác bảo vệ trẻ em trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách (hiện nay toàn quốc mới có khoảng 5% cấp xã bố trí); nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ trẻ em, trước hết là 17 cơ quan có chức năng làm công việc này; có biện pháp để bảo vệ trẻ em tốt hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn.
Thủ tướng nêu rõ các bộ ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền rà soát các quy định bảo đảm phù hợp với luật về trẻ em, tiếp tục hoàn thiện theo hướng việc xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em phải nhanh chóng, thuận lợi, thân thiện và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em; cụ thể, rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chính quyền… “Với quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, chúng ta phải làm mọi cách để trẻ em là những người đầu tiên được hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội”, Thủ tướng chốt lại.