
Ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An, cho biết: Dù thời gian qua, tỉnh có chỉ đạo siết chặt quản lý đối với các cây xăng vùng biên, như theo dõi chặt lượng xăng dầu bán ra hàng ngày, hạn chế “đầu vào” các cây xăng này. Khoảng 20 cây xăng trước đây mỗi ngày bán ra 50.000 – 60.000 lít, nay chỉ “cho phép” bán khoảng 20.000 – 30.000 lít, tuy nhiên, tình hình xuất lậu xăng dầu qua Campuchia trên địa bàn các huyện tuyến biên giới Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa vẫn còn diễn biến phức tạp.

Hải quan cửa khẩu Thường Phước 1 - Đồng Tháp bắt giữ hàng lậu.
Đáng lo là gần đây có dấu hiệu gia tăng trở lại (tháng 10, các lực lượng chức năng của tỉnh bắt giữ được 30 lít xăng xuất lậu (!?); tháng 11, bắt giữ trên 4.000lít; mấy ngày đầu tháng 12 bắt giữ gần 15.000 lít xăng dầu xuất lậu). Nguyên nhân, theo ông Minh, tuy giá xăng dầu trong nước trong thời gian qua có điều chỉnh tăng giá, nhưng vẫn còn chênh lệch so với Campuchia, nên buôn lậu vẫn có lời.
Cũng theo ông Minh, vào dịp Giáng sinh và Tết Nguyên đán sắp tới, các mặt hàng “truyền thống” nhập lậu vào như thuốc lá, rượu, mỹ phẩm, hàng điện lạnh - điện tử… cũng tràn vào và còn có dấu hiệu gia tăng, nhất là đường cát Thái Lan (từ tháng 10-2005 đến nay đã bắt giữ gần 15 tấn). Đặc biệt là trong những tháng gần gây, lượng lúa nhập lậu từ Campuchia vào Việt Nam qua “cửa” Long An ngày càng nhiều.
Chỉ tính từ tháng 11-2005 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã bắt, thu giữ trên 100 tấn lúa nhập lậu từ Campuchia vào (lúa nhập vào không có giấy phép, không rõ nguồn gốc và có chất lượng thấp). Mới đây, tại ấp 1, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, Chi cục Hải quan Hưng Điền (thuộc Cục Hải quan Long An) đã thu giữ 22 tấn lúa do Lê Văn Đúng (SN 1945) và Lê Văn Kiệp (SN 1962), cùng cư trú tại xã Điềm Hy, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang nhập lậu từ Campuchia.
Số lúa này được mua thu gom từ các huyện biên giới phía Campuchia (giáp ranh với Long An) với giá 2.270 đồng/kg, sau đó nhập lậu vào nội địa dưới dạng “hàng sáo” rồi xay sát, trộn với gạo nội địa và bán với giá 4.200 đồng/kg. Tuy nhiên, việc giải quyết, xử lý lúa nhập lậu này như thế nào thì phải chờ trên hướng dẫn, vì hiện tại chưa có văn bản nào hướng dẫn cách xử lý những trường hợp nhập lậu lúa như thế này.
* Mới đây, lực lượng Hải quan An Giang bắt được 2 vụ vận chuyển hàng lậu (gồm hàng trăm món phụ tùng ô tô, trị giá khoảng 200 triệu đồng) bằng ghe lớn được ngụy trang dưới hình thức chở phế liệu từ Campuchia về xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú. Chiều 13–12, Ban chỉ đạo 127 An Giang cho biết: Đến nay, các ngành chức năng đã bắt khoảng 1.519 vụ vận chuyển hàng lậu, hàng giả, tổng trị giá trên 20,1 tỷ đồng.
Đ.N. – H.P.L.