(SGGP).- Chiều 10-10, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, UBND TPHCM chấp thuận giao Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng 2 cầu kết nối dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Cụ thể, cầu Bình Quới - Thủ Đức 2 (kết nối bán đảo Bình Quới - Thanh Đa với phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức) và cầu Bình Quới - Rạch Chiếc (kết nối bán đảo Bình Quới - Thanh Đa với quận 2) theo hình thức PPP (hợp đồng BT).
Quy hoạch giao thông đối ngoại với bán đảo Bình Quới - Thanh Đa có 6 cây cầu, trong đó có 2 cầu Kinh Thanh Đa hiện hữu và cầu Kinh 2 cùng 4 cầu ở phường 28 (quận Bình Thạnh). Cụ thể, cầu Bình Quới - Thủ Đức 2 kết nối với đường số 23 (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức); cầu Bình Quới - Thủ Đức 1 kết nối với đường D1 (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức). Ngoài ra, từ quận 2 kết nối với bán đảo này bằng các cầu Bình Quới - Rạch Chiếc và cầu Bình Quới - quận 2. Sở GTVT cho rằng, việc xây 2 cầu theo đề xuất là phù hợp, sẽ góp phần giải quyết vấn đề kết nối giao thông liên quận giữa quận Thủ Đức - Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa - quận 2. Ngoài ra, các cầu này còn tạo ra hướng giao thông mới từ đường Phạm Văn Đồng qua Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa kết nối ra xa lộ Hà Nội và làm gia tăng đáng kể giá trị đất trong Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.
Theo đồ án quy hoạch bán đảo Thanh Đa được Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM) lấy ý kiến người dân phường 28, quận Bình Thạnh, bán đảo rộng 426ha trong tương lai sẽ là khu dân cư đô thị sinh thái, kết hợp cảnh quan thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại. Đây cũng là trung tâm tri thức và công nghệ mới với 45.000 dân, tăng gấp 3 lần so với số dân hiện hữu của phường 28.
Với những cây cầu mới, hệ thống giao thông trong khu vực cũng được phát triển thành nhiều đường bàn cờ. Đường Bình Quới hiện nay sẽ thành đường vành đai cho cả khu vực. Quy hoạch sẽ giữ nguyên đặc trưng kênh rạch, sông nước hiện tại của khu Thanh Đa. Rạch Ông Ngữ được mở rộng làm cửa ngõ đưa nước từ kênh vào các rạch nhỏ khác, tạo thành hệ thống đường thủy len lỏi giữa các khu nhà để phát triển bến du thuyền và hệ thống taxi thủy. 25ha đất dành để tái định cư cho người dân tại chỗ (có căn hộ và nền đất), toàn bộ khu vực giáp bờ sông Sài Gòn về phía Đông sẽ được dành cho nhà biệt thự với diện tích khoảng 58ha. Khu cao tầng (45-68 tầng), thương mại dịch vụ kết hợp căn hộ được tập trung ở gần phần lõi của bán đảo.
Trước đó, UBND TPHCM yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến Trúc và UBND quận Bình Thạnh lập quy hoạch Khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa theo hướng tạo ra các mảng xanh lớn, giảm mật độ xây dựng để biến bán đảo Thanh Đa thành “lá phổi xanh” của thành phố... Bán đảo Thanh Đa được UBND TPHCM quy hoạch thành khu đô thị văn hóa thể thao nghỉ dưỡng từ năm 1992, giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn làm chủ đầu tư, nhưng đến năm 2010 lại thu hồi dự án. Tháng 8-2013, thành phố đồng ý giao cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư mới dự án Khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa, đồng thời yêu cầu lập đồ án quy hoạch phân khu (1/2000) của khu vực này. Sở Tài chính được giao thẩm định hồ sơ bồi thường cho khoảng 3.000 hộ dân bị ảnh hưởng.
Về chính sách tái định cư, UBND TP thống nhất với đề xuất của quận Bình Thạnh, cho phép một số trường hợp bố trí tái định cư theo dạng nhà phố có sân vườn và một phần nhà chung cư. Chủ đầu tư cũng được phép làm trước một số thủ tục điều tra hiện trạng để lập phương án bồi thường cho dân.
QUỐC HÙNG