Xây cầu cạn, lợi cả đôi đường

Những ngày qua, tình trạng ùn tắc giao thông tại các trục đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất được rất nhiều người dân quan tâm. Đã có đề xuất của doanh nghiệp tham gia đầu tư hệ thống cầu cạn, gọi là “đường trên cao” dài hơn 5km với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng.
Xây cầu cạn, lợi cả đôi đường

Những ngày qua, tình trạng ùn tắc giao thông tại các trục đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất được rất nhiều người dân quan tâm. Đã có đề xuất của doanh nghiệp tham gia đầu tư hệ thống cầu cạn, gọi là “đường trên cao” dài hơn 5km với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng.

Cầu vượt bằng thép tại nút giao thông Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ (vòng xoay Lăng Cha Cả, quận Tân Bình). Ảnh: T.L

Từ “ý tưởng” của doanh nghiệp đến phê duyệt của các cơ quan chức năng rồi giai đoạn triển khai, đưa dự án vào vận hành là cả một quá trình lâu dài. Tuy nhiên, những đề xuất nói trên cũng tạo cho người dân TPHCM niềm hy vọng, vấn nạn kẹt xe tại những trục đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được cải thiện. Là một người dân thường xuyên đi lại hàng ngày khu vực này, đặc biệt là trục đường Cộng Hòa, chúng tôi có vài ý kiến như sau. Trên đường Cộng Hòa, đoạn từ vòng xoay Lăng Cha Cả đến mũi tàu Cộng Hòa - Trường Chinh thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm do lượng xe từ ngoại thành đổ về quá đông. Mặc dù vậy, những tháng gần đây, vào giờ cao điểm (từ 17 giờ 30 đến 19 giờ 30) tại 2 giao lộ trên trục Cộng Hòa là đường Ấp Bắc và Tân Kỳ Tân Quý được ngành giao thông dùng barie “bít” lại để “dòng chảy” được thông suốt.

Theo quan sát của chúng tôi, khi phân luồng như thế đã giúp giao thông trên trục đường này khá thoáng, bởi các phương tiện chạy suốt không quẹo vô 2 con đường nói trên. Từ đó, có thể thấy rằng, để giải quyết bài toán giao thông từ trung tâm về cửa ngõ Tây Bắc, một trong những giải pháp hữu hiệu là có thể nghiên cứu, đầu tư ngay dự án cầu cạn từ Lăng Cha Cả xuyên trục Cộng Hòa vào trục Trường Chinh đến ngã tư An Sương, thậm chí đến ngã tư Trung Chánh (quốc lộ 22) dẫn về Khu đô thị Tây Bắc - Củ Chi. Ngoài ra, đầu tư cho trục đường này còn góp phần giải quyết nạn kẹt xe tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, cũng như góp phần phát huy hiệu quả dự án đường trên cao mà doanh nghiệp đang đề xuất triển khai. Nếu các con đường xung quanh sân bay được “khơi thông” nhưng thiếu kết nối với những tuyến giao thông có tính then chốt như trục đường Cộng Hòa, e rằng dự án sẽ khó phát huy tác dụng. Toàn bộ trục đường Cộng Hòa - Trường Chinh (điểm dừng ngã tư An Sương) có chiều dài khoảng 6km. Chuyên gia đô thị học Nguyễn Minh Hòa cho rằng, bài toán quỹ đất cho giao thông để giải quyết nạn kẹt xe trên đường Cộng Hòa nói riêng và các ngã về Tây Bắc nói chung hiện nay rất khó khăn vì kinh phí đền bù rất lớn.

Do đó giải pháp “cầu cạn” là khả thi nhất về mặt kỹ thuật, kinh phí cũng như quỹ đất khi không phải đền bù, thời gian thi công nhanh. Trên đường Cộng Hòa và Trường Chinh hiện nay có quỹ đất “con lươn” ở giữa đường rất thuận lợi, nếu dự án được triển khai thì bề mặt đường hiện hữu cũng không bị tác động gì. Ngoài ra nếu trục đường này được đầu tư cũng góp phần giải tỏa áp lực giao thông trên đường Trường Chinh (đoạn từ mũi tàu Cộng Hòa đến ngã tư Bảy Hiền).

Giao thông tại cửa ngõ Tân Sơn Nhất và các trục giao thông nối với cửa ngõ Tây Bắc có tác động tương hỗ lẫn nhau. Nếu bài toán giao thông của khu vực này được giải thì không đơn thuần chỉ giải quyết việc đi lại hàng ngày của người dân, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội khu vực Tây Bắc phát triển hơn. Rất mong các nhà khoa học, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng nghiên cứu để triển khai dự án này.

ĐỖ TRÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục