Xây dựng đội ngũ chống chuyển giá

Hiện tượng chuyển giá trong doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết thời gian qua đã gây thất thoát lớn cho nền kinh tế (Báo SGGP đã có nhiều bài phản ánh, phân tích về hiện tượng này). Chuyển giá gây những thiệt hại gì và giải pháp nào để hạn chế tình trạng chuyển giá? TS Phan Hiển Minh (Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Mở TPHCM), người có nhiều năm nghiên cứu về chuyển giá đã chia sẻ góc nhìn với bạn đọc của Báo SGGP.
Xây dựng đội ngũ chống chuyển giá

Hiện tượng chuyển giá trong doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết thời gian qua đã gây thất thoát lớn cho nền kinh tế (Báo SGGP đã có nhiều bài phản ánh, phân tích về hiện tượng này). Chuyển giá gây những thiệt hại gì và giải pháp nào để hạn chế tình trạng chuyển giá? TS Phan Hiển Minh (Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Mở TPHCM), người có nhiều năm nghiên cứu về chuyển giá đã chia sẻ góc nhìn với bạn đọc của Báo SGGP.

        Ngân sách nhà nước thất thu

* Phóng viên: Theo kết quả thanh tra của ngành thuế mới công bố, có tới hàng trăm doanh nghiệp FDI trên cả nước liên tục khai lỗ, trốn thuế. Quan điểm của ông về vấn đề chuyển giá ở doanh nghiệp FDI như thế nào?

* TS PHAN HIỂN MINH: Vấn đề chuyển giá (Định giá chuyển giao-Transfer Pricing) là vấn đề các quốc gia trên thế giới đang ngày càng hoàn thiện các biện pháp để xử lý một cách phù hợp nhất. Nói về vấn đề chuyển giá, trước tiên cần lưu ý rằng, một DN khai lỗ liên tục không có nghĩa DN đó chuyển giá hay một DN khai lãi cao không có nghĩa DN đó tuân thủ nguyên tắc giá thị trường.

Để có thể đi đến kết luận một DN có chuyển giá hay không, cần rất nhiều thông tin tin cậy và các nghiên cứu tỉ mỉ về ngành nghề của DN đó hoạt động, chức năng DN thực hiện, tài sản DN sử dụng, rủi ro DN phải gánh chịu, các yếu tố về kinh tế thị trường, các quy định pháp luật tại thời điểm soát xét.

Bên cạnh đó, cần phải hiểu một nguyên tắc mà bất kỳ một người kinh doanh nào cũng muốn thực hiện, đó là tối đa lợi nhuận và tối thiểu chi phí. Thuế là một chi phí, vì thế việc tối thiểu chi phí thuế là điều tất yếu trong kinh doanh. Vấn đề ở đây là việc tối thiểu chi phí thuế phải phù hợp với các quy định pháp luật tại nước nhận đầu tư và nước đi đầu tư.

Trong thời điểm hiện nay, khi vấn đề chuyển giá cũng như các quy định tuân thủ về giá thị trường vẫn còn rất mới đối với các DN tại Việt Nam, nhất là bộ phận kế toán - tài chính cũng như các cơ quan thuế địa phương, việc thanh tra, kiểm tra cũng như đề xuất truy thu thuế và giảm lỗ là nỗ lực của ngành thuế. Ở đây là ngành thuế điều chỉnh kết quả hoạt động kinh doanh của DN, các DN họ kê khai hạch toán theo quy định của Luật Kế toán nên không gọi là trốn thuế được mà nên gọi là vi phạm pháp luật thuế (như quy định của Luật Quản lý thuế).

Dệt vải tại Công ty TNHH Việt Nam Paiho (100% vốn nước ngoài) trong KCN Tân Tạo. Ảnh: CAO THĂNG

Dệt vải tại Công ty TNHH Việt Nam Paiho (100% vốn nước ngoài) trong KCN Tân Tạo. Ảnh: CAO THĂNG

* Theo ông, vấn đề chuyển giá trong doanh nghiệp FDI để lại những hệ quả gì cho nền kinh tế nước ta?

* Bản chất của vấn đề chuyển giá là nhằm chuyển lợi nhuận về một quốc gia có thuế suất thấp hơn, hay nói cách khác là giảm thiểu số thuế phải nộp tại một quốc gia. Vì thế, hệ quả trước tiên chính là thất thu thuế hay thất thu ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, vấn đề chuyển giá trong các doanh nghiệp FDI có thể làm ảnh hưởng đến hai khía cạnh: Một là, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành kinh tế mà các DN thực hiện chuyển giá; sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế vĩ mô cũng như kinh tế vi mô. Sự mất cân đối về tính cạnh tranh sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường cũng như phân khúc thị trường của ngành kinh tế đó. Hai là, chuyển giá sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển công nghệ và dịch vụ trong ngành kinh tế đó.

        Chống chuyển giá hiệu quả

* Có ý kiến cho rằng, trong những năm qua, chúng ta đã dành quá nhiều ưu đãi cho khu vực FDI nên xảy ra tình trạng chuyển giá ở nhiều DN trong khu vực này. Theo ông, liệu chúng ta có nên đánh đổi trong thu hút FDI hay không?

* Các chính sách ưu đãi nhà đầu tư nước ngoài ở các nước đang phát triển nhìn chung đều giống nhau. Là một nước đang phát triển, Việt Nam cần phải thu hút đầu tư cũng như cần các nguồn đầu tư từ nước ngoài. Chuyển giá là một vấn đề kinh tế. Khi đã xác định vận hành theo nền kinh tế thị trường, chắc chắn chúng ta sẽ gặp phải các vấn đề kinh tế mà các quốc gia trên thế giới đã trải qua. Vì thế không thể gọi là đánh đổi mà chúng ta nên nghiên cứu các nước trong khu vực, cũng như các nước trên thế giới về việc chống chuyển giá và thực hiện cho phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng như đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

Điều quan trọng ở đây là chúng ta thực hiện chống chuyển giá như thế nào để các DN phải tuân thủ, như đã ban hành quy định về doanh thu tính thuế và chi phí tính thuế trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp (đã quy định 31 khoản không được trừ khi xác định chi phí tính thuế).

* Để việc chống chuyển giá đạt hiệu quả, nhà nước cần có những giải pháp gì, thưa ông?

* Hầu hết các quốc gia đều có chính sách riêng về vấn đề chuyển giá. Việt Nam hiện nay đã có các văn bản pháp quy (Thông tư của Bộ Tài chính) về giá thị trường, cũng như thỏa thuận giá trước (APA - Advance Pricing Agreement). Thỏa thuận giá trước là một trong các biện pháp để ngăn ngừa chuyển giá trên thế giới theo nguyên tắc thỏa thuận. Bên cạnh đó, theo hướng dẫn về định giá chuyển giao của Liên hiệp quốc mới xuất bản cho các nước đang phát triển, để xây dựng được một đội ngũ vững chắc giải quyết vấn đề chuyển giá thì đội ngũ này không chỉ là các chuyên gia về chính sách thuế mà còn cần thêm các chuyên gia về kiểm toán, phân tích dữ liệu, công nghệ thông tin, chuyên gia về kinh tế, thống kê, luật sư. Do đó, trước tiên chúng ta cần nguồn lực.

Thứ nhất là nguồn lực về con người: Đội ngũ nhân lực về chống chuyển giá đã thực sự hội đủ các kiến thức và năng lực như Liên hiệp quốc đã khuyến nghị? Thứ hai là về cơ sở dữ liệu cho mục đích định giá chuyển giao: Đây là cơ sở để DN và cơ quan thuế có thể đi đến một thỏa thuận. Đây là một yếu tố quan trọng cần phải có để tăng sự minh bạch, rõ ràng trong bối cảnh vấn đề chuyển giá vẫn còn khá mới tại Việt Nam. Cơ sở dữ liệu rõ ràng, minh bạch sẽ tạo được sự an tâm và đồng thuận không chỉ với các DN tại Việt Nam mà còn đối với cơ quan thuế các nước trong thỏa thuận giá trước song phương và đa phương. Thứ ba là về cơ sở văn bản pháp luật: Các quy định, định nghĩa rõ ràng; đồng thời ghi nhận, cập nhật các quy định, định nghĩa về chuyển giá của quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để đi đến sự đồng thuận với các DN và cơ quan thuế các nước cũng như góp phần tăng tính hội nhập.

Nói tóm lại, chúng ta cần có một cái nhìn khách quan về vấn đề chuyển giá để có thể đưa ra các chính sách, cũng như các biện pháp xử lý một cách phù hợp với thông lệ quốc tế theo đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

ĐÌNH LÝ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục