(SGGP).- Sáng nay, 10-10, Hội thảo xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chiến lược Phát triển lưu vực sông Mê Kông dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước đã được Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Đây là hội thảo thứ 5 trong chuỗi hội thảo tham vấn phục vụ mục đích xây dựng Kế hoạch.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh: Một nguy cơ đang hiện hữu là mất an ninh nguồn nước. Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEM tới đây, Thủ tướng Chính phủ dự kiến sẽ phát biểu về vấn đề này. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam đã được đề nghị đăng cai tổ chức Diễn đàn Nước thế giới vào năm 2018... Đảm bảo sự phát triển bền vững của lưu vực Mê Kông không chỉ là trách nhiệm đóng góp vào nỗ lực chung của các nước trong Ủy hội, mà còn là điều kiện sống còn với chúng ta, không riêng một bộ, ngành nào; địa phương nào.
Các đại biểu đã phân tích 7 ưu tiên phát triển lưu vực và 5 ưu tiên quản lý nhằm tìm ra những giải pháp cụ thể để tận dụng tối đa cơ hội và giảm thiếu hậu quả có thể xảy ra. Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm chú trọng việc đánh giá và chuẩn bị phương án ứng phó với rủi ro trong những điều kiện cực đoan nhất.
Ông Nguyễn Hồng Toàn, chuyên gia Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long ở cuối hạ lưu sông Mê Kông nên sẽ chịu tất cả các tác động do tự nhiên và tác động của phát triển thượng nguồn như việc xây dựng các công trình thủy điện hoặc việc chuyển nước với quy mô lớn tại Thái Lan và Campuchia... Do đó, cần có sự theo dõi, giám sát tác động để phối hợp với các nước có liên quan; xây dựng phương án giảm thiếu tác hại tới môi trường, kinh tế, xã hội cũng như những hệ lụy của chúng đối với sinh kế của người dân. Một ví dụ cụ thể được đưa ra: lưu vực sông Sêsan, Srêpok (dòng nhánh của Mê Kông) ở Tây Nguyên đang đứng trước nhiều thách thức do tác động của các dự án phát triển tại chính hai lưu vực này...
Tổng dân số sống ở hạ lưu sông Mê Kông hiện khoảng 60 triệu người, trong đó Việt Nam có khoảng 20 triệu người (17 triệu ở khu vực ĐBSCL và 3 triệu ở Tây Nguyên). Ngành nghề chính của hơn 60% dân số khu vực có liên quan đến tài nguyên nước. Hệ sinh thái phong phú của hạ lưu sông Mê Kông có vị trí đặc biệt đối với sinh kế của người dân trong khu vực, đặc biệt là người nghèo.
Anh Phương