Đó là: các không gian cụ thể đã được thực hiện ở nhiều môi trường, từ công sở, trường học, cơ sở tôn giáo cho đến các địa điểm mang tính cộng đồng như trụ sở khu phố, trung tâm học tập cộng đồng, công viên… và cả không gian mạng; các không gian vật thể (góc trưng bày sách, hình ảnh, gian thờ…) cùng các không gian phi vật thể (các giải pháp chăm lo đời sống nhân dân, các cách thức xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh…).
Việc xây dựng không gian trên thực tế kết hợp tổ chức tọa đàm, hội thảo để thống nhất về mặt lý luận, đề ra các giải pháp phù hợp…, đã thu hút sự quan tâm tham gia theo điều kiện cụ thể của các cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, chức sắc, chức việc các tôn giáo và người dân. Điều phấn khởi là gần như ở tất cả các địa phương, cơ quan, đơn vị, việc tham gia thực hiện đều tự giác, tự nguyện với trách nhiệm cao và tình cảm sâu sắc.
Do là nhiệm vụ chưa có tiền lệ, chưa có mô hình cụ thể để tham khảo nên các địa phương cơ quan, đơn vị vừa triển khai xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh theo định hướng, gợi mở của cấp trên, vừa tự mình sáng tạo ra các cách thức phù hợp với điều kiện cụ thể tại đơn vị, địa phương mình. Từ đó, việc thực hiện ở các địa phương, cơ quan, đơn vị chưa có một kế hoạch dài hơi; việc thực hiện ở từng nơi có sự khác biệt nhau dẫn đến không thống nhất, không liên thông nhau.
Thực tế đó đòi hỏi phải thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết nghiên cứu, rút kinh nghiệm trong xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Chẳng hạn, các nơi cần rà soát, đánh giá hiệu quả việc xây dựng các góc trưng bày sách, hình ảnh về Bác Hồ, như có nhiều người đến xem thường xuyên không, sự hưởng ứng, lan tỏa của hoạt động này có sâu rộng không; việc đưa hình ảnh, chuyện kể, bài hát, các clip… về Bác Hồ lên các nền tảng, ứng dụng trên không gian mạng có đông người truy cập, nhiều phản hồi, tạo sự lan tỏa về các trang cá nhân không; các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ người dân được triển khai trong cán bộ, công chức hưởng ứng ra sao, hiệu quả ổn định bền vững, sự quan tâm và phản hồi của người dân như thế nào...
Việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TPHCM là một chủ trương lớn, không chỉ góp phần đắc lực vào việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên cũng như tiếp tục cải thiện chất lượng sống của người dân thành phố. Chủ trương này sẽ được thực hiện trong nhiều nhiệm kỳ, nhiều môi trường khác nhau, do nhiều chủ thể thực hiện và đều hướng đến một mục tiêu chung là bảo đảm sự thụ hưởng ngày càng tốt hơn của người dân.
Trong quá trình thực hiện cần có sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm hàng năm. Qua đó, lan tỏa, nhân rộng những mô hình, cách làm hay, thiết thực; đồng thời đưa ra những định hướng, giải pháp linh hoạt, kịp thời khắc phục những cách làm chưa phù hợp, kém hiệu quả hoặc chưa bám sát chỉ đạo của cấp trên, tránh việc trên cứ triển khai, dưới cứ làm cầm chừng và không ai khẳng định được kết quả thực tiễn. Việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh khi được triển khai thực chất và có ý nghĩa, sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng TPHCM ngày càng có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.