Xây dựng Khu phố Tây mang đặc trưng TPHCM

Tình trạng chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán ngày càng mất trật tự, bát nháo tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM, ảnh hưởng lớn đến mỹ quan, giao thông thành phố; trong đó có khu phố Tây (thuộc phường Phạm Ngũ Lão, quận 1). Để lập lại trật tự khu vực này, tại buổi làm việc với quận 1 cuối tuần qua, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy TPHCM đã đồng ý đề xuất của lãnh đạo quận về các bước tiến tới xây dựng tuyến phố này trở thành phố đi bộ để quản lý, phát triển. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận về các vấn đề đặt ra…
Xây dựng Khu phố Tây mang đặc trưng TPHCM

Tình trạng chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán ngày càng mất trật tự, bát nháo tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM, ảnh hưởng lớn đến mỹ quan, giao thông thành phố; trong đó có khu phố Tây (thuộc phường Phạm Ngũ Lão, quận 1). Để lập lại trật tự khu vực này, tại buổi làm việc với quận 1 cuối tuần qua, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy TPHCM đã đồng ý đề xuất của lãnh đạo quận về các bước tiến tới xây dựng tuyến phố này trở thành phố đi bộ để quản lý, phát triển. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận về các vấn đề đặt ra…

Xây dựng Khu phố Tây mang đặc trưng TPHCM ảnh 1

Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận

- PV: Với trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương, ông nói gì trước tình trạng buôn bán mất trật tự đang diễn ra tại Khu phố Tây trên các tuyến đường Đề Thám, Bùi Viện, Đỗ Quang Đẩu, Phạm Ngũ Lão thuộc phường Phạm Ngũ Lão, làm ảnh hưởng đến bộ mặt trung tâm thành phố?

>> Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận: Khu phố Tây ở phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 là nét đặc trưng không chỉ của TPHCM mà của cả nước. Khu phố Tây này có bề dày hình thành và phát triển từ 40 năm nay. Nếu nói vì tình trạng kinh doanh buôn bán gây mất trật tự mà dẹp đi thì chúng tôi không đồng tình. Bởi đây là nhu cầu có thật, nếu mình dẹp chỗ này thì cũng hình thành và phát triển nơi khác. Chưa nói, trong quá trình hội nhập và phát triển, thành phố rất cần các điểm du lịch để đáp ứng nhu cầu du khách, qua đó giới thiệu về nét đẹp của đất nước và con người Việt Nam. Làm được điều này cũng có nghĩa là góp phần phát triển kinh tế. Chủ trương của chúng tôi là phải làm sao để quản lý tốt hơn chứ không dẹp bỏ.

- Chủ trương xây dựng Khu phố Tây trở thành điểm du lịch của TPHCM đã có từ lâu, đến nay công tác phối hợp của địa phương và các cơ quan chức năng đã triển khai thực hiện tới đâu, thưa ông?

Đề án xây dựng Khu phố Tây thành điểm du lịch của TPHCM được UBND TP giao Sở Du lịch TP chủ trì phối hợp với quận 1 và các sở ngành chức năng khác thực hiện. Hồi cuối năm 2015, Sở Du lịch đã trình UBND TPHCM đề án xây dựng khu phố đi bộ này thành ô phố du lịch (bao bọc các tuyến đường Đề Thám - Bùi Viện - Phạm Ngũ Lão - Đỗ Quang Đẩu - pv) mang tính đặc thù để thu hút, phát triển, phục vụ du khách nước ngoài. Việc xây dựng đề án này, UBND TP giao nhiệm vụ mang tính tổng thể. Còn từng lĩnh vực cụ thể, quận ngồi lại bàn với từng sở ngành cụ thể để giải quyết. Trong công tác quản lý nhà nước hiện nay, chúng tôi không ỷ lại câu chuyện đề án này do sở ngành nào chủ trì xây dựng mà chúng tôi xác định trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn liên quan đến các hoạt động sinh hoạt của người dân cũng như tình hình an ninh trật tự… là của chúng tôi. Đề án này khi triển khai chắc chắn sẽ có giai đoạn thử nghiệm, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình.

- Vậy trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, quận đã có những chuẩn bị gì trong việc xây dựng Khu phố Tây trở thành điểm du lịch văn minh, hiện đại?

Bình quân mỗi ngày có khoảng 500 khách nước ngoài đến đăng ký tạm trú tại khu vực phường Phạm Ngũ Lão. Tuy nhiên, chiều đến, lượng khách từ các nơi về tụ hợp ăn uống, vui chơi rất đông. Như đã nói, Khu phố Tây này được hình thành từ 40 năm nay nên người dân trong khu vực đã thích nghi với cuộc sống mua bán, sinh hoạt, phục vụ cho đối tượng khách du lịch đặc thù này. Họ có rất nhiều kinh nghiệm hay trong xử lý các vấn đề có liên quan. Cả khách và người buôn bán kinh doanh chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Đây là thuận lợi của địa phương trong công tác quản lý địa bàn.

Tuy nhiên, người nước ngoài thích sống gần gũi với thiên nhiên, phần vì thời tiết mình nắng nóng nên họ hay kéo ghế ra vỉa hè, lòng đường ngồi, gây ảnh hưởng đến trật tự, giao thông... Những vấn đề đặt ra này mình phải điều chỉnh phù hợp, trong đó cũng phải thấy được các nét đặc thù trong sinh hoạt của khách nước ngoài. Trong hoạt động quản lý kinh doanh buôn bán, tất cả hộ dân ở đây đã được chúng tôi tập huấn rất nhiều cách thức giao dịch buôn bán hiện đại với người nước ngoài, từ việc thanh toán bằng thẻ cũng như các giao dịch khác, kể cả trách nhiệm, đạo đức trong kinh doanh. Nên nếu loại trừ yếu tố cuối tuần tình hình có mất trật tự thì phương thức kinh doanh buôn bán rất văn minh, lịch thiệp. Mới đây, Sở GTVT TP đã điều chỉnh giao thông tại khu vực này khi cấm xe khách dừng đỗ trên đường Đề Thám, đây cũng là động thái tiến đến việc xây dựng Khu phố Tây thành phố đi bộ.

- Ông có thể cho biết khi nào triển khai đề án này?

Vấn đề này không thuộc quyền của chúng tôi vì Sở Du lịch TP chủ trì thực hiện đề án. Tuy nhiên, tại các buổi làm việc, có thông tin gì chúng tôi sẽ chủ động cung cấp đến báo đài và người dân được biết.

- Tiến tới xây dựng Khu phố Tây trở thành phố đi bộ, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã đồng ý đề xuất của quận 1 cấm xe theo giờ trên các tuyến đường quanh Khu phố Tây như Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Đỗ Quang Đẩu để người dân quen dần rồi nới rộng giờ ra. Công việc này khi nào thực hiện, thưa ông?

Vấn đề này chúng tôi sẽ ngồi lại với anh Cường (ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT - PV) bàn bạc, tiến hành khảo sát, tính toán kỹ và chắc chắn cũng sẽ thông tin đến báo đài để tất cả người dân được biết trước khi triển khai.

- Xin cảm ơn ông!

Vân Anh (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục