Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, trong khi rác thải sinh hoạt đã có đủ điều kiện để xử lý một cách hợp vệ sinh thì đa phần rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại trên địa bàn TPHCM nói riêng và vùng TPHCM nói chung, vẫn chưa được xử lý đúng quy định, thậm chí còn bị đổ bừa bãi ra môi trường.
Rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại rất… nguy hại
Rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại (gọi tắt chung là RCN) nếu không được xử lý đúng quy định sẽ gây hại rất lớn cho môi trường. PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Môi trường TPHCM, cho biết trong RCN thường có các kim loại nặng và một số hóa chất độc hại khác như thủy ngân, chì… Những chất thải này bị vứt ra ngoài môi trường tự nhiên sẽ cản trở khả năng trao đổi oxy trong nước, giết hại các sinh vật sinh sống ở đây và làm ô nhiễm đất. Con người sống trong môi trường ấy, sử dụng các sinh vật ấy làm thực phẩm cũng sẽ có nguy cơ bị nhiễm độc, thậm chí tử vong… Không chỉ có vậy, chúng còn có tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu khi bị phân hủy và phát tán khí độc.
RCN tại TPHCM thường là bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải của các khu chế xuất, khu công nghiệp, bùn từ hệ thống thoát nước, cặn dầu nhớt, dầu biến thế, xỉ kim loại… Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý Chất thải Rắn thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, cho biết chỉ tính riêng tại TPHCM, trung bình mỗi ngày đã thải ra khoảng 250-300 tấn chất thải nguy hại và khoảng 150m³ bùn thải từ hệ thống thoát nước. Nếu tính chung cả vùng TPHCM thì con số này lớn hơn nhiều, đặc biệt là rác thải công nghiệp, bởi khu vực Đồng Nai, Bình Dương… tập trung rất nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất và nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp khác.
Để quản lý RCN, Bộ Tài nguyên - Môi trường và Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM đã yêu cầu các cơ sở sản xuất có phát thải các loại chất thải này phải báo cáo và có hợp đồng xử lý chất thải với các đơn vị có chức năng. Về nguyên tắc, tất cả RCN đều phải được xử lý đúng quy định. Tuy nhiên, như TS Nguyễn Trung Việt cho biết, rất nhiều RCN đã không được xử lý đúng chuẩn. Chi phí xử lý quá cao khiến các doanh nghiệp có phát thải RCN ngại ngần, đó là lý do đầu tiên. Lý do thứ hai, nhiều doanh nghiệp có chức năng xử lý RCN không đủ trình độ và khả năng tài chính để thực hiện nhiệm vụ. Những đơn vị này ký nhận chất thải về nhưng xử lý không đúng quy định, thậm chí một số doanh nghiệp còn lén lút chôn chất thải RCN ngay trong… khuôn viên của mình. Bộ Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cùng các ban ngành chức năng đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra năng lực hoạt động của các doanh nghiệp có chức năng xử lý RCN. Kết quả là nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động và RCN… lại càng thiếu nơi xử lý.
Một khu xử lý chất thải hiện đại, bao giờ?
Tiến sĩ Nguyễn Đinh Tuấn cho rằng, để xử lý RCN đúng quy định và đạt yêu cầu đòi hỏi doanh nghiệp không những phải có khả năng chuyên môn mà còn phải có tiềm lực kinh tế để có thể đầu tư và đưa vào sử dụng những công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, an toàn với môi trường nhất. Thêm nữa, nên có một khu xử lý tập trung để Nhà nước có thể kiểm tra, kiểm soát và quan trọng hơn, đầu tư tập trung sẽ giúp giảm chi phí đầu tư, giảm giá thành xử lý. Theo TS Nguyễn Trung Việt, TPHCM cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm nhà đầu tư đủ khả năng để xây dựng một khu xử lý RCN và Công ty Môi trường Đô thị thành phố đã được nhắm tới, nhưng đây là một thử thách đối với đơn vị này. Hiện Công ty Môi trường Đô thị cơ bản mới chỉ triển khai xây dựng được một số công việc như xây dựng bãi chôn lấp an toàn…
Tiến sĩ Nguyễn Đinh Tuấn nhớ lại, cách nay vài năm Chính phủ Na Uy có giúp Việt Nam nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng các khu xử lý RCN cho toàn bộ vùng Đông Nam bộ. Về phía Bộ Xây dựng Việt Nam, trong quy hoạch vùng TPHCM cũng xác định một vài khu vực có thể xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung. Thế nhưng, tất cả những nghiên cứu, đề xuất này hầu như chưa được triển khai vì… địa phương nào cũng ngán ngại, cũng… né. Vì nhiều lý do, gần như không có địa phương nào muốn xây dựng khu xử lý RCN tại địa phương mình.
Đây là một tâm lý rất nguy hiểm, nhất là khi sản xuất công nghiệp ở TPHCM và vùng TPHCM đang tăng trưởng mạnh mẽ. “Tại sao lại có thể chấp nhận để RCN trôi nổi trong môi trường sống của chúng ta thay vì tập trung lại và xử lý đúng quy định? Nếu chính quyền các địa phương có tâm lý ngần ngại thì các bộ - ngành trung ương, Chính phủ phải vào cuộc, phải có chỉ đạo quyết liệt, cương quyết”, ông Đặng Văn Khoa, Đại biểu HĐND TPHCM, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TPHCM, nhận định như vậy. Vấn đề còn lại, theo ông Đặng Văn Khoa, phải chọn cho được nhà đầu tư đủ trình độ, có khả năng tài chính, có tâm huyết với công tác bảo vệ môi trường để giao trọng trách đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải nói chung và chất thải công nghiệp, nguy hại nói riêng.
An Nhiên