(SGGP). – Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, mục tiêu là từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo mô hình mạng lưới đô thị; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; có vị thế xứng đáng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế.
Theo quy hoạch này, các đô thị lớn, đô thị cực lớn như thủ đô Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ... được tổ chức phát triển theo mô hình chùm đô thị, đô thị đối trọng hoặc đô thị vệ tinh có vành đai bảo vệ để hạn chế tối đa sự tập trung dân số, cơ sở kinh tế và phá vỡ cân bằng sinh thái.
Quy hoạch này đặc biệt quan tâm đến kiến trúc các đô thị là trung tâm cấp quốc gia, khu vực và quốc tế như: thủ đô Hà Nội, TPHCM; bảo vệ, tôn tạo kiến trúc cảnh quan tại các đô thị di sản, đô thị đặc thù như Huế, Hội An, Đà Lạt, Sa Pa; các khu phố cổ, phố cũ; các di sản lịch sử, văn hóa và các công trình kiến trúc cảnh quan có giá trị...
Theo dự báo đến năm 2025, cả nước có khoảng 1.000 đô thị; trong đó, đô thị từ loại I đến đặc biệt là 17 đô thị, đô thị loại II là 20 đô thị; đô thị loại III là 81 đô thị, đô thị loại IV là 122 đô thị, còn lại là các đô thị loại V. Khoảng 52 triệu người sẽ sống tại đô thị
LÂM NGUYÊN