Xây dựng năng lực quản trị năng lượng hiệu quả

Cảnh báo về khả năng TPHCM sẽ thiếu điện trong mùa khô năm 2017 vừa được cơ quan năng lượng đưa ra. 
Sử dụng tấm pin năng lượng Mặt trời giúp tiết kiệm năng lượng hiệu quả
Sử dụng tấm pin năng lượng Mặt trời giúp tiết kiệm năng lượng hiệu quả
Đây là dấu hiệu ban đầu cho thấy, đã đến lúc TPHCM cần phải tính đến những giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, tận dụng tối đa nguồn năng lượng tái tạo để đảm bảo cho sự phát triển kinh tế hài hòa với thân thiện môi trường.

Cảnh báo thiếu năng lượng 

Ở bất kỳ thành phố thông minh nào trên thế giới, dù chưa được định nghĩa một cách hoàn chỉnh khái niệm “thành phố thông minh” nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy, những bước đi đầu tiên người ta luôn tính tới là xây dựng năng lực quản trị năng lượng hiệu quả. Nếu không có hệ thống quản trị năng lượng hiệu quả sẽ dẫn đến thiếu hụt năng lượng.

Phân tích về vai trò quản trị năng lượng trong bối cảnh TPHCM hướng tới trở thành đô thị thông minh, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM, nhận định: “Các chương trình được nhiều nơi thực hiện lâu nay nhưng chỉ mới dừng lại ở khâu tiết kiệm năng lượng chứ chưa xem xét đến bài toán quản trị năng lượng tổng thể. Trong một thành phố hướng đến tiêu chí “thông minh” đang được TPHCM nhắm tới, hầu hết các lĩnh vực quan trọng đều cần đến năng lượng như giao thông vận tải, chiếu sáng, cấp nước, tòa nhà, sản xuất… đang rất cần xây dựng một hệ thống quản trị năng lượng tổng thể (city energy management system), được tích hợp dựa trên sự kết nối từ hệ thống quản trị năng lượng của riêng từng lĩnh vực”. 

Cũng theo ông Tước, hiện các thành phố thông minh tại nhiều nước đều đang vận hành hệ thống này, kết nối năng lượng sử dụng trong từng lĩnh vực để có sự điều tiết, điều phối hợp lý với từng thời điểm, theo nhu cầu sử dụng năng lượng. Điều này tương tự như điều khiển hệ thống điện trong một hộ gia đình với bộ điều khiển tự động tắt - mở, điều tiết giảm bớt hay tăng thêm nguồn cho các thiết bị để tránh quá tải hệ thống.

Trở lại với TPHCM, bài toán đặt ra là nếu muốn hướng đến một nền kinh tế tăng trưởng bền vững, đảm bảo hài hòa các mục tiêu môi trường thì bài toán quản trị năng lượng tổng thể cần sớm được đặt ra. Trước mắt, TPHCM cần phải thiết kế một hệ thống quản lý năng lượng với chuẩn mực chung để các lớp dữ liệu năng lượng trong từng lĩnh vực sẽ được thiết kế theo các chuẩn chung. Một tòa nhà lắp đặt hệ thống quản lý năng lượng sử dụng hiệu quả phải được kết nối với chuẩn kỹ thuật của hệ thống quản lý năng lượng chung của toàn thành phố (thường một tòa nhà trong đô thị sinh thái phải sử dụng 30% năng lượng tái tạo và nhiều chỉ số phụ khác). Ở nhiều lĩnh vực khác cũng đưa ra các chỉ số riêng, rồi sau đó kết nối đồng bộ vào hệ thống chung của toàn thành phố để hướng đến một tầm nhìn chung trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả cho thành phố thông minh.

Trên thực tế, bản thân việc “sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” đã là một chỉ số quan trọng cho một đô thị thông minh. Vai trò năng lượng trong một thành phố thông minh thường gồm 2 cấp độ quản trị: cấp độ thứ nhất là một hệ thống quản trị chung năng lượng toàn thành phố; cấp độ thứ hai là những tiêu chí sử dụng năng lượng cho từng lĩnh vực. Ví dụ, các nhà máy sản xuất phải lắp đặt hệ thống pin năng lượng Mặt trời để cung cấp cho chính nhà máy của mình; hệ thống metro sử dụng công nghệ nào để tiết kiệm năng lượng; từng ngành sản xuất áp dụng công nghệ hiện đại ra sao nhằm giảm điện tiêu thụ mà vẫn đảm bảo năng suất cao; thiết kế và vận hành các tòa nhà đô thị ra sao để tiết kiệm năng lượng; hệ thống chiếu sáng công cộng được lắp đặt đèn tiết kiệm điện… Tất cả vì mục tiêu năng lượng được sử dụng hiệu quả, giảm ảnh hưởng đến tài nguyên và môi trường nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu về tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Hướng đến sử dụng ít tiêu hao năng lượng 

Tổng hợp từ nhiều phân tích khác nhau về xếp loại các thành phố thông minh trên thế giới cho thấy, thành phố thông minh được đánh giá dựa vào 6 nền tảng gồm: nền kinh tế thông minh, hành xử môi trường thông minh, quản trị thông minh, lối sống thông minh, giao thông thông minh và con người thông minh. Tuy nhiên, tùy theo đặc điểm lịch sử, địa lý, văn hóa và nền tảng điều kiện phát triển kinh tế khác nhau mà mỗi thành phố trên thế giới có cách tiếp cận thể loại phát triển thành phố thông minh khác nhau. 
Với TPHCM, dù đã có ý kiến cho rằng, sẽ không có “điểm dừng” trong việc xây dựng TPHCM trở thành thành phố thông minh, do khoa học công nghệ liên tục đổi mới và nhu cầu con người mỗi ngày được nâng cao, tuy nhiên, vẫn có ý kiến khác rằng, dựa vào điều kiện hiện tại, TPHCM cần chia ra các giai đoạn thực hiện khác nhau. Trước mắt trong 5 - 10 năm tới, tập trung thực hiện các chương trình giao thông thông minh, y tế thông minh, giám sát môi trường thông minh… Sau đó mới tính tiếp các bước cho những năm sau, càng làm cho thành phố thông minh hơn, bám sát 3 trụ cột mà bất kỳ đô thị thông minh nào cũng hướng tới, đó là phát triển kinh tế, đảm bảo các yêu tố môi trường và ổn định xã hội. 

Từ những vấn đề đặt ra như nói trên, có thể thấy yếu tố phát triển kinh tế vẫn đóng vai trò quan trọng. Các doanh nghiệp sản xuất, cơ sở dịch vụ cần thiết áp dụng những công nghệ hiện đại ít tiêu tốn năng lượng cũng như ứng dụng triệt để khoa học công nghệ mà các nước phát triển đã thành công. Một khi nền kinh tế được lồng ghép trong hệ thống quản trị năng lượng hiệu quả, kinh tế phát triển theo hướng ít tiêu hao năng lượng, giảm phát thải, giảm tác động đến nguồn tài nguyên và môi trường sống thì khi đó mới mong thỏa mãn được lợi ích hài hòa tổng thể cả kinh tế - môi trường, khái niệm “thông minh” mới càng thêm ý nghĩa.

Tin cùng chuyên mục