Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2010 - 2020 (theo Quyết định số 20/2013 của UBND TP), UBND TPHCM vừa sửa đổi, bổ sung một số điều quy định cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Theo đó, TP quy định rõ: căn cứ vào khả năng nguồn vốn ngân sách, các nguồn huy động và khả năng đóng góp của doanh nghiệp (DN), người dân để thực hiện cho phù hợp. Trong đó, không được bắt buộc người dân đóng góp và huy động quá sức dân.
Cụ thể, TP đã bổ sung thêm các quy định liên quan đến đầu tư các công trình hạ tầng như xây dựng đường giao thông nông thôn; xây dựng nhà văn hóa xã, ấp, công trình thể thao ấp; công trình cấp thoát nước khu dân cư; phát triển sản xuất và dịch vụ; xây dựng hạ tầng khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản.
Theo đó, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới các xã phải căn cứ vào khả năng nguồn vốn ngân sách, các nguồn huy động và khả năng đóng góp của DN, người dân để thực hiện cho phù hợp theo đề án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, TP lưu ý rõ, việc huy động đóng góp của người dân phải được bàn bạc dân chủ và phải được sự đồng tình của người dân. Tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc và huy động quá sức dân; không được yêu cầu những hộ dân nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, hộ khó khăn, gia đình chính sách phải đóng góp. Đồng thời phải tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu và tự nguyện tham gia.
Một công trình “vì dân phục vụ” nâng cấp mặt đường và hệ thống thoát nước tại quận 2. (Ảnh: HUY ANH)
Về xây dựng đường giao thông nông thôn đối với đường giao thông trục ấp, TP cũng đã sửa đổi, bổ sung việc đầu tư mở rộng bằng nguồn vốn đầu tư gồm ngân sách nhà nước, vốn huy động từ DN hưởng lợi (nếu có) và vốn dân tham gia gồm dân hiến đất toàn bộ, tiền, vật tư xây dựng. TP cũng nêu rõ, chỉ hỗ trợ cho hộ dân đầu hẻm bị ảnh hưởng; nhà ở bị xẻ dọc trong hẻm khi mở rộng đường theo quy định pháp luật đất đai hiện hành.
Riêng đối với đường giao thông hẻm, tổ, TP cũng quy định việc vận động người dân, DN, tổ chức tham gia chung sức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP hiến toàn bộ diện tích đất và vật kiến trúc bị ảnh hưởng do đầu tư nâng cấp mở rộng đường giao thông hẻm, tổ. Ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần trong tổng mức đầu tư của công trình (không kể giá trị đất và vật kiến trúc dân hiến), phần còn lại huy động DN, tổ chức, vận động người dân hưởng lợi từ công trình, vận động từ người dân của xã đang sinh sống, hoạt động trong và ngoài nước (gồm tiền, vật tư xây dựng, ngày công lao động…) theo quy định.
Loại đường giao thông này cũng chỉ hỗ trợ cho hộ dân đầu hẻm bị ảnh hưởng, nhà ở bị xẻ dọc trong hẻm khi mở rộng đường theo quy định. Còn về giao thông nội đồng và kênh mương nội đồng, đầu tư theo hiện trạng thì ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần trong tổng mức đầu tư của công trình (không kể giá trị đất và vật kiến trúc dân hiến), phần còn lại huy động DN, tổ chức, vận động người dân hưởng lợi từ công trình, vận động từ người dân của xã đang sinh sống, hoạt động trong và ngoài nước (gồm tiền, vật tư xây dựng, ngày công lao động…). Nếu đầu tư mở rộng thì vận động người dân, DN, tổ chức tham gia chung sức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP, hiến toàn bộ diện tích đất và vật kiến trúc bị ảnh hưởng do đầu tư nâng cấp mở rộng đường giao thông hẻm, tổ. Ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần trong tổng mức đầu tư của công trình (không kể giá trị đất và vật kiến trúc dân hiến), phần còn lại huy động DN, tổ chức, vận động người dân hưởng lợi từ công trình, vận động từ người dân của xã đang sinh sống, hoạt động trong và ngoài nước.
Với những nội dung sửa đổi trên, TP yêu cầu UBND huyện và xã căn cứ nội dung quy định này vận động theo nguyên tắc tự nguyện, thu hút nguồn lực trong dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, DN bằng các hình thức thích hợp để đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương theo Đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn được cấp thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời phải tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu và tự nguyện tham gia.
UBND TPHCM vừa quyết định thành lập Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP (gọi tắt là Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP), nhằm giúp Ban Chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới TP và giúp Giám đốc Sở NN-PTNT thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP.
Theo đó, văn phòng này có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình; tham mưu xây dựng kế hoạch vốn, phân bổ và giám sát tình hình thực hiện vốn ngân sách và các nguồn vốn huy động khác để xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách và cơ chế phối hợp hoạt động liên ngành để thực hiện có hiệu quả chương trình trên địa bàn TP.
PHÚC LONG